Cổ phiếu ngân hàng có "đáng đồng tiền"?

ANTD.VN - Sau một năm nhóm ngành ngân hàng gần như bị “bỏ quên” ở sàn chứng khoán thì năm nay câu chuyện nới room và tái cơ cấu dứt điểm được dự báo sẽ “hâm nóng” thị trường trở lại.

Theo Thông tư 180/2015/TT-BTC, đến hết năm 2016, tất cả ngân hàng thương mại phải thực hiện niêm yết lên sàn chứng khoán, không phân biệt sàn chính thức hay UPCoM. Đến thời điểm này, nhiều ngân hàng đã có kế hoạch chuẩn bị “lên sàn”, dự báo bức tranh cổ phiếu ngân hàng sẽ đa dạng hơn.

Cổ phiếu ngân hàng có "đáng đồng tiền"? ảnh 1Cổ phiếu ngân hàng sẽ bền vững về lâu dài

Lên sàn là tất yếu

Hiện nay, nhiều ngân hàng đã có sự chuẩn bị cho việc niêm yết như Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đã giao dịch trên UPCoM. Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienLongBank) được Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) chấp thuận cấp mã chứng khoán và lưu ký chứng khoán. Ngân hàng TMCP PHƯƠNG ĐÔNG (OCB) thông qua đăng ký tại VSD và có ý định đăng ký niêm yết trên HOSE. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) đang xin ý kiến cổ đông về đăng ký lưu ký tại VSD và giao dịch UPCoM…

Chủ trương thúc đẩy các ngân hàng lên sàn nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả hoạt động đã được Chính phủ đưa ra từ nhiều năm trước, tuy nhiên, hầu hết các ngân hàng vẫn chần chừ. Lý giải nguyên nhân, các chuyên gia cho rằng, chủ yếu do tính minh bạch của các ngân hàng tại Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu, hơn nữa nếu đưa cổ phiếu lên sàn mà giá giao dịch dưới mệnh giá sẽ ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu ngân hàng.

“Ngân hàng không thể chờ một thời điểm thuận lợi mới lên sàn, vì việc lên sàn mang tầm quan trọng với toàn bộ nền kinh tế. Nó giúp minh bạch hóa tất cả những thông tin về “sức khỏe” của một ngân hàng. Đó là điều cần thiết đối với tất cả các cổ đông của ngân hàng, khách hàng, đối tác, cơ quan chức năng. Hiện nay, nhiều ngân hàng không có báo cáo thường niên thường xuyên và cập nhật, làm cho những người theo dõi về ngân hàng rất khó khăn để tìm thông tin” - chuyên gia tài chính, ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Cùng với đó, theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng Phòng phân tích Công ty Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS), việc lên sàn cũng được cho là có lợi cho chính các ngân hàng về lâu dài. “Bản thân giá trị của ngân hàng sẽ được định lượng một cách chính xác hơn qua giá trị cổ phiếu, giá trị vốn hóa. Chưa kể trên sàn chứng khoán, tên tuổi ngân hàng được nhiều người biết đến hơn sẽ giúp cho ngân hàng dễ dàng mở rộng quan hệ và kêu gọi đầu tư sau này” - chuyên gia Nguyễn Hồng Khanh nêu quan điểm. 

Hấp dẫn về lâu dài

Đánh giá về diễn biến của nhóm cổ phiếu ngân hàng, ông Nguyễn Hồng Khanh cho rằng, trong năm 2016, ngoài VCB (Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank) vẫn giữ nhịp tăng trưởng ổn định bình quân 20% về giá thì những cổ phiếu còn lại hầu như không tăng trưởng nhiều.

Thậm chí, có cổ phiếu còn đi xuống như BID (Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam - BIDV), EIB (Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam - Eximbank), SHB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội - SHB), STB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank). “Những kỳ vọng của nhà đầu tư về quá trình tái cơ cấu ngân hàng bao gồm việc xử lý nợ xấu và nới room ngân hàng đã kéo dài lâu hơn dự kiến” - ông Nguyễn Hồng Khanh phân tích. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù hiện nay chưa được thị trường đón nhận một cách nồng nhiệt, nhưng cổ phiếu ngân hàng được dự báo là sẽ có sức hấp dẫn về lâu dài. Ông Nguyễn Hồng Khanh cho rằng, hiện nay, với số lượng ít ỏi các ngân hàng trên sàn niêm yết nhưng về vốn hóa lại nằm trong top đầu.

“Cổ phiếu ngân hàng luôn có sức ảnh hưởng lớn trên sàn chứng khoán và luôn là đích đến hàng đầu của các tổ chức và quỹ đầu tư lớn. Nhóm ngành tài chính vẫn đang ở mức giá thấp so với tiềm năng và về lâu dài đây mới là “chân” của một “con sóng” đầu tư dài từ 5 - 10 năm của các tổ chức, quỹ quốc tế”.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đầu tư vào ngân hàng là đầu tư lâu dài, không phải đầu tư “ăn xổi”. “Ngành ngân hàng thời gian vừa qua gặp rất nhiều khó khăn, từ vấn đề nợ xấu cho đến những sai phạm đã làm giảm uy tín của ngành. Thành ra, nếu đầu tư lướt sóng, mua đi bán lại để mong có lời nhanh thì rất nguy hiểm. Việc làm ăn của ngành này mang tính chất trường tồn, lâu dài. Họ không nhanh chóng nhảy vào thị trường rồi lại rút ra như những doanh nghiệp khác, vì vậy giá cổ phiếu sẽ khó biến động bất thường” - TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Chuyên gia này cho rằng, với tiến trình tái cơ cấu ngành ngân hàng và tất cả những biện pháp mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện để cải tổ toàn bộ ngành ngân hàng thì trong những năm tới, cổ phiếu ngân hàng sẽ “đáng đồng tiền bát gạo”.