Cổ phiếu của Faros tăng phi mã: Cần sớm làm rõ

ANTD.VN - Sự tăng giá bất thường của cổ phiếu của Công ty CP Xây dựng Faros (ROS) không chỉ khiến giới đầu tư trong nước choáng váng mà còn khiến thế giới tỏ ra vô cùng kinh ngạc. Sau chưa đầy 3 tháng kể từ ngày giao dịch đầu tiên, tới hôm qua, 25-11, cổ phiếu ROS đã tăng giá tới 10 lần.

Cổ phiếu của Faros tăng phi mã: Cần sớm làm rõ ảnh 1

Giá cổ phiếu ROS tăng gấp 10 lần sau gần 3 tháng chào sàn

Mức tăng bất thường

Cách đây 1 tuần, The Wall Street Journal đã có bài viết về sự tăng giá bất ngờ của cổ phiếu Faros, một công ty xây dựng vốn ít tên tuổi tại thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng thời gian gần đây bỗng vụt sáng thành ngôi sao lớn trên sàn chứng khoán. Cụ thể, giá trị thị trường của Faros đã tăng từ 170 triệu USD khi IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) trong tháng 9 lên khoảng 2,2 tỷ USD trong thời điểm hiện tại, trở thành công ty có giá trị lớn thứ sáu được niêm yết trên sàn chứng khoán. 

Wall Street Journal nhận định diễn biến tăng giá bất ngờ này khiến giới đầu tư lo ngại nếu Faros lao dốc có thể châm ngòi cho đà bán tháo trên thị trường. Trong 9 tháng đầu năm nay, lợi nhuận ròng của Faros tăng 170%, lên mức 232,1 tỷ đồng (tương đương 10,4 triệu USD).

“Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng kết quả kinh doanh của công ty này không tương xứng với mức tăng giá hiện tại của cổ phiếu, khi giá cổ phiếu đang ở mức trên 120 lần so với lợi nhuận kỳ vọng”, bài báo nêu bình luận.

Ngay sau nhận định này, ngày 21-11, thị trường đã chứng kiến sự sụt giá mạnh của mã ROS tới 6.000 đồng/ cổ phiếu và tiếp tục giảm với biên độ nhỏ hơn vào ngày       24-11. Tuy nhiên, trong ngày 25-11, giá cổ phiếu ROS đã nhanh chóng bật tăng trở lại ở mức 126.000 đồng/cổ phiếu (gấp 10 lần so với giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên, ngày 1-9-2016) với khối lượng giao dịch khớp lệnh lên tới trên 4 triệu cổ phiếu.

Nhìn lại quá trình tăng giá phi mã của cổ phiếu ROS trong gần 3 tháng qua, người ta ghi nhận đường leo dốc dựng đứng và khá trơn tru, rất ít “răng cưa” - các phiên giảm giá hoặc đi ngang. Tỷ lệ các phiên tăng giá trần chiếm rất lớn nên cổ phiếu ROS chỉ mất chưa đầy 3 tháng để tăng giá gấp 10 lần kể từ phiên giao dịch đầu tiên.

Có dấu hiệu “thổi giá”?

Trước “hiện tượng” cổ phiếu ROS, có ý kiến lo ngại rằng, một nhóm nhỏ các nhà đầu tư có thể đang có hành động đẩy giá cổ phiếu của Faros, với mục đích đảm bảo các quỹ ETF (quỹ đầu tư vào chỉ số) sẽ tự động mua vào cổ phiếu của Faros, qua đó tiếp tục giúp giá cổ phiếu này tăng thêm.

Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) mới đây đã đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng như Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM về việc cần làm rõ tình trạng một số cổ phiếu tăng giá bất thường, có dấu hiệu “thổi giá”. “Các cơ quan quản lý cần sớm có động thái làm sáng tỏ những hiện tượng này, nếu đó là tăng giá thực thì cũng cần công bố để các nhà đầu tư rõ” - ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký VAFI cho biết. 

Trước đó, trao đổi với báo chí, đại diện Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM cho biết, đã có báo cáo gửi tới cơ quan quản lý thị trường chứng khoán về sự tăng giá bất thường của cổ phiếu ROS trong thời gian qua, đồng thời yêu cầu Faros giải trình về việc này. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chưa có bất cứ thông tin nào làm sáng tỏ sự tăng giá bất thường này. Trả lời báo chí, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không đưa ra bình luận nào về hiện tượng này. 

Ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, nếu các cơ quan quản lý thị trường im lặng trong thời gian dài như vậy là “không làm tròn trách nhiệm”. “Nếu cổ phiếu có dấu hiệu bất thường thì cơ quan quản lý phải có nghĩa vụ yêu cầu doanh nghiệp giải trình và công bố thông tin rộng rãi” - ông Nguyễn Hoàng Hải nói. 

Được biết, hiện vợ chồng ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC đang nắm giữ gần 70% cổ phiếu tại Faros (cá nhân ông Trịnh Văn Quyết đang nắm giữ gần 279,5 triệu cổ phiếu ROS - chiếm 65,01% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của Faros), dù không nắm giữ chức vụ nào tại công ty này. Lĩnh vực kinh doanh chính của Faros là xây dựng các dự án bất động sản cho Tập đoàn FLC.