Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước: Chưa đạt 50% kế hoạch

ANTD.VN - Mới có 21 doanh nghiệp được Thủ tướng phê duyệt cổ phần hóa, chiếm chưa được một nửa so với con số 45 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa.

Cụ thể, theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 20/12/2017, đã có 45 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa.  Tuy nhiên, nếu chiếu theo danh mục cổ phần hóa đã được Thủ tướng phê duyệt trước đó thì mới có 21 doanh nghiệp trong danh sách này.

Đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, tiến độ cổ phần hóa mới đạt non nửa kế hoạch đề ra (47,7%) trong khi chỉ còn vài ngày nữa là hết năm.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho rằng, mục tiêu cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trong năm nay là không đạt được. Tuy nhiên, xét về giá trị, các doanh nghiệp cổ phần hóa trong năm nay có tổng giá trị thực tế lên tới hơn 213.700 tỷ đồng, tức là gấp 6 lần tổng giá trị thực tế các doanh nghiệp đã cổ phần hóa trong năm 2016.

Ngoài ra, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã cổ phần hóa là gần 88.400 tỷ đồng, gấp 3,5 lần giá trị thực tế phần vốn Nhà nước của các doanh nghiệp đã cổ phần hóa năm 2016.

Về thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, trong năm 2017 có 10 đơn vị thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó: 8 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2017 và 2 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2018.

Cổ phần hóa DNNN chưa đạt kế hoạch đề ra

Về thoái vốn đầu tư vào các ngành không thuộc ngành sản xuất kinh doanh chính của các Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN, trong năm 2017 các đơn vị đã thoái được 182 tỷ đồng, thu về 292 tỷ đồng tại 5 lĩnh vực nhạy cảm; và thoái được 1.803 tỷ đồng, thu về 2.953 tỷ đồng tại các lĩnh vực khác ngoài 5 lĩnh vực nhạy cảm.

Về bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc SCIC quản lý, trong năm 2017, SCIC đã bán vốn tại 40 doanh nghiệp với giá trị hơn 1.900 tỷ đồng, thu về 21.639 tỷ đồng (trong đó bao gồm cả số thoái của Vinamilk trong năm 2016 với giá trị sổ sách 783,7 tỷ đồng, thu về 11.286,4 tỷ đồng và thoái trong năm 2017 với giá trị sổ sách là 247 tỷ đồng, thu về 8.990 tỷ đồng).

Theo lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp, có nhiều nguyên nhân gây chậm tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn DNNN như: Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của một số Tập đoàn, tổng công ty lớn vẫn chưa ban hành. Tiến độ phê duyệt đề án cơ cấu lại, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước còn chậm so với kế hoạch đề ra đã ảnh hưởng đến việc tổ chức triển khai cơ cấu lại DNNN nói chung và thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nói riêng.

 Bên cạnh đó, vẫn còn một số Bộ, ngành, địa phương, đơn vị còn bị động, chưa quyết liệt, gây ảnh hưởng đến việc hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN năm 2017 của cả nước. Công tác đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán của các DNNN sau khi cổ phần hóa chưa thực hiện nghiêm túc (có tới 747 doanh nghiệp chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán)...

 Về kế hoạch trong thời gian tới, ông Đặng Quyết Tiến cho biết, trong năm 2018, một số doanh nghiệp lớn sẽ cổ phần hóa như: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PVPower), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil)…

Trong số này, riêng BSR, PVPower và PVOil đã có quy mô vốn lên tới hơn 100.000 tỷ đồng. Đặc biệt, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam theo dự tính có quy mô vốn là 150.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông Đặng Quyết Tiến cũng cho biết, ngay cả đối với Sabeco, 36% cổ phần còn lại Nhà nước cũng có thể bán nốt vào thời điểm thích hợp. Chính phủ cũng sẽ tính tiếp bán cổ phần Habeco trong năm 2018.

“Từ kinh nghiệm năm 2017, đầu năm chúng ta cứ làm từ từ rồi cuối năm mới dồn cục, gây sức nóng cho thị trường, trong năm 2018 sẽ làm dần dần, ổn định” – ông Tiến nói.