Cổ phần hóa DNNN: Dễ mất các thương hiệu quốc gia nếu không cẩn trọng

ANTD.VN - Trả lời câu hỏi về việc triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bán vốn của một số doanh nghiệp, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết có 10 doanh nghiệp của Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và SCIC đã được giao nhiệm vụ về vấn đề này.

Các nhà đầu tư ngoại mong chờ nhà nước bán vốn tại các doanh nghiệp lớn hoạt động hiệu quả

SICIC cũng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện. “SCIC đã lên kế hoạch và sẽ bắt đầu bán vốn của Vinamilk ngay trong năm 2016. Còn lại 9 doanh nghiệp khác cũng thực hiện trong năm nay và đầu năm sau”, ông Đặng Quyết Tiến cho hay.

Được biết, trong năm 2015, Chính phủ đã yêu cầu SCIC xây dựng lộ trình bán hết vốn tại 10 doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả (như Vinamilk, FPT, FPT Telecom, Bảo Minh...). Đây được xem là những “con gà đẻ trứng vàng” được các nhà đầu tư nước ngoài chờ đón trên thị trường chứng khoán. 

Về việc bán một phần hay bán hết cổ phần tại Vinamilk, ông Tiến cho rằng còn tuỳ thuộc vào tình hình, cần lựa chọn lộ trình bán làm sao để lợi ích Nhà nước đạt cao nhất. Mặt khác, do Vinamilk là doanh nghiệp có quy mô vốn lớn và có thể tác động mạnh tới thị trường nên khi tiến hành bán vốn phải tránh gây bất ổn thị trường.

Ngoài Vinamilk, câu chuyện thoái vốn tại Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng nhận được nhiều sự quan tâm. Ông Đặng Quyết Tiến cho biết: “Hiện Sabeco và Habeco vẫn đang thuộc quản lý của Bộ Công Thương, chưa bàn giao về SCIC. Vì vậy, vai trò của Bộ Tài chính trong tiến trình cổ phần hoá của 2 công ty bia này chủ yếu là giám sát và đưa ra ý kiến nếu Bộ Công Thương cần”.

Việc bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp nêu trên là điều các nhà đầu tư nước ngoài chờ đợi đã lâu. Thông tin từ thị trường cho thấy, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng mua cổ phần số lượng lớn. Đơn cử, cổ phần tại các hãng bia Việt Nam như Habeco và Sabeco đang nằm trong tầm ngắm của những “ông lớn” như Thai Beverage và Singha Group của Thái Lan, Kirin Holdings và Asahi Group Holdings của Nhật Bản, Heineken của Đan Mạch và Anheuser-Busch InBev của Bỉ.

Điều này cũng khiến nhiều chuyên gia lo ngại Việt Nam có thể mất các thương hiệu quốc gia nếu không cẩn trọng. Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thừa nhận: “Khi đấu giá công khai thì không thể có sự phân biệt giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thậm chí nếu bán cho doanh nghiệp trong nước, họ cam kết giữ cổ phần trong 3 năm, nhưng sau đó không có gì chắc chắn về việc họ không bán lại cổ phần cho doanh nghiệp nước ngoài khi được giá”.

“Tuy nhiên, vẫn có cách thức để Nhà nước có quyền phủ quyết việc thay đổi thương hiệu dù không nắm lượng lớn cổ phần thông qua những rào cản kỹ thuật. Kinh nghiệm tại một số doanh nghiệp trên thế giới cho thấy, họ sử dụng hình thức “cổ phần vàng”, đây là những cổ phần có quyền biểu quyết một số vấn đề như về thương hiệu.

Chúng ta xây dựng điều lệ doanh nghiệp theo hướng khi thay đổi thương hiệu phải được chấp thuận bởi “cổ phần vàng”, đây là đặc quyền riêng của mỗi doanh nghiệp. Điều này đã có quy định và hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế”, ông Đặng Quyết Tiến chia sẻ.

Trước đánh giá của các chuyên gia về việc cổ phần hóa vẫn chậm, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng có một số nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, khách quan là do thị trường chứng khoán vốn chịu tác động thế giới cũng như khó khăn nội tại nên nhu cầu và dòng vốn hạn chế, không bán được như mong muốn.