Cổ phần Bảo Việt giá bao nhiêu?

(ANTĐ) - 16h chiều nay (29-5) là hạn cuối cùng nộp phiếu tham dự đấu giá cổ phần lần đầu bán ra bên ngoài (IPO) của Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt), phiên đấu giá được thu hút sự quan tâm lớn nhất của TTCK từ trước đến nay. Giá IPO của Bảo Việt còn là tham chiếu cho giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp khác.

Cổ phần Bảo Việt giá bao nhiêu?

(ANTĐ) - 16h chiều nay (29-5) là hạn cuối cùng nộp phiếu tham dự đấu giá cổ phần lần đầu bán ra bên ngoài (IPO) của Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt), phiên đấu giá được thu hút sự quan tâm lớn nhất của TTCK từ trước đến nay. Giá IPO của Bảo Việt còn là tham chiếu cho giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp khác.

Kỷ lục mới

Thị trường hồi hộp chờ phiên đấu giá Bảo Việt
Thị trường hồi hộp chờ phiên đấu giá Bảo Việt

Mặc dù được tổ chức vào thời điểm TTCK đã “bớt lửa” nhưng phiên đấu giá Bảo Việt vẫn lập kỷ lục mới về số lượng nhà đầu tư tham gia. Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HASTC) cho biết, tính đến chiều qua (28-5), đã có 20.368 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá cổ phần của Bảo Việt, gấp hơn 2,5 lần số nhà đầu tư tham gia đấu giá cổ phần của Công ty Bảo hiểm Dầu khí được coi là kỷ lục trước đó (gần 8.000 người).

Trong đó, số nhà đầu tư tổ chức là 277 (45 tổ chức nước ngoài), cá nhân là 20.091 người (cá nhân nước ngoài là 158 người). Tổng khối lượng đăng ký mua cổ phần của các tổ chức, cá nhân là 389.048.200 cổ phần, gấp hơn 6,4 lần khối lượng cổ phần bán ra. Trong đó, tổ chức là 230.599.200 cổ phần, cá nhân 158.449.000 cổ phần.

Theo bà Lan, nhằm phục vụ nhu cầu của đông đảo nhà đầu tư muốn theo dõi thông tin trực tuyến phiên đấu giá bán cổ phần của Bảo Việt, HASTC sẽ truyền thông tin đấu giá trực tuyến đến các công ty chứng khoán là đại lý đấu giá. “Với số lượng nhà đầu tư tham gia lớn như vậy, theo dự kiến của chúng tôi, phải sau 3 ngày mới có thể công bố được kết quả” - bà Lan nói.

Một trong những lý do quan trọng khiến cho phiên đấu giá này thu hút lượng lớn nhà đầu tư là bởi Bảo Việt là một trong 25 doanh nghiệp nhà nước lớn nhất tại Việt Nam tiến hành cổ phần hóa toàn bộ tổng công ty với số vốn điều lệ lên đến 6.800 tỷ đồng.

Trong số 6.800 tỷ đồng, số cổ phần bán đấu giá công khai lần này 59.440.000 cổ phần (bằng 8,74% vốn điều lệ), với giá khởi điểm là 30.500 đồng/cổ phần, trong đó dành cho nhà đầu tư nước ngoài 13.600.000 cổ phần (bằng 2% vốn điều lệ). Nhà đầu tư trong nước được đăng ký  mua tối đa đối với pháp nhân là 3,4 triệu cổ phần (bằng 0,5% vốn điều lệ), với thể nhân là 340.000 cổ phần (bằng 0,05% vốn điều lệ).

Giá nào cho Bảo Việt?

Đó là câu hỏi thu hút sự quan tâm lớn của không chỉ các nhà đầu tư trực tiếp tham gia đấu giá doanh nghiệp này mà còn là của cả TTCK. Bởi mức giá đấu thành công của Bảo Việt sẽ còn là mức tham chiếu cho nhiều cổ phiếu khác, nhất là các doanh nghiệp cùng lĩnh vực.

Còn nhớ, chỉ vài tháng trước, khi “cơn sốt” chứng khoán lên đến đỉnh, phiên đấu giá nào cũng đầy hứng khởi, không ít ý kiến đã dự đoán, giá IPO của Bảo Việt có thể gấp đến 50, 60 lần mệnh giá. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, khi TTCK đã qua nhiều lần trồi, sụt và nhà đầu tư đã trở nên tỉnh táo thì giá IPO của doanh nghiệp đã dần sát với giá trị thực. Giá IPO Bảo Việt được dự báo cũng không ngoại lệ, dù rằng doanh nghiệp này đang sở hữu thương hiệu được coi là “đắt giá”. 

Theo cáo bạch được Bảo Việt công bố, năm 2007, lợi nhuận hợp nhất của Tập đoàn này tăng trưởng mạnh 75% do có sự xuất hiện của 2 công ty mới là Bất động sản và Ngân hàng Bảo Việt, các năm sau đó thì tăng trưởng dưới 20%.

Một điều cần lưu ý 2007 là do có sự tăng vốn từ khoảng 4.443 tỷ đồng của Nhà nước lên 6.800 tỷ đồng cộng với số vốn thặng dư cổ phần khổng lồ do IPO mang lại (phần cao hơn mệnh giá). Như vậy tăng trưởng lợi nhuận của Bảo Việt không có gì đặc sắc khi GDP của Việt Nam tăng 8% và bình quân các công ty trên sàn chứng khoán tăng 30% (thậm chí, một số công ty tăng trưởng cao hơn 100%).

Việc kinh doanh bảo hiểm truyền thống đang đặt ra thách thức lớn về tăng trưởng tương lai và Bảo Việt đã phải tiến sang các lĩnh vực mới, trong đó chính những lĩnh vực mới này như chứng khoán, ngân hàng và bất động sản sẽ mang lại kỳ vọng tương lai cho cổ phiếu của Bảo Việt.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia tài chính tại Ngân hàng Đầu tư Tokyo, kế hoạch trên Bản cáo bạch của Bảo Việt có một sự thận trọng quá mức và không tính hết đến khoản thặng dư IPO khổng lồ có thể đưa vào bổ sung vốn kinh doanh.

Theo chuyên gia này, giá Bảo Việt cao nhất có thể chấp nhận là 70-90k với P/E khoảng 30 lần và nhà đầu tư không nên đặt giá cao hơn mức này.

 Bảo Nguyên