Có một tính cách Donald Trump trong kinh doanh và khởi nghiệp tại Việt Nam

ANTD.VN - Từng tác nghiệp sát cánh cùng lực lượng cận vệ và đặc nhiệm bảo vệ Tổng thống Mỹ Donald Trump và cũng từng tham gia nhiều sự kiện chia sẻ, khích lệ tinh thần khởi nghiệp của Tập đoàn Tân Hiệp Phát, tôi tình cờ nhận ra những điểm chung kỳ lạ giữa hai người đàn ông được coi như thần tượng của rất nhiều người, từ vóc dáng cho tới suy nghĩ và đặc biệt là ý chí về chiến lược phát triển.

Tổng thống Mỹ Donald Trump bên gia đình

Sự so sánh có vẻ là chưa quen với người Việt, nhưng tôi nhận thấy điểm chung trong phong cách lãnh đạo và ra quyết định của họ đối với doanh nghiệp. Mặc dù, hai vai trò hoàn toàn khác nhau giữa hai người, nhưng chúng ta vẫn có thể học hỏi và phân tích được trong những câu chuyện kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. 

Vị Tổng thống Mỹ cá tính và giàu có

Trong chuyến thăm Việt Nam hồi cuối năm 2017 của Tổng thống Mỹ Donald Trump, tôi có cơ hội được tác nghiệp sát cánh cùng lực lượng cận vệ và đặc nhiệm bảo vệ ông tại Hà Nội.

Khi đó, tôi đã trao đổi với những đặc vụ thân cận của ông chủ Nhà Trắng và thấy rằng yếu nhân mà họ bảo vệ là một người rất đặc biệt, qua lời kể của các nhân viên làm việc thường ngày với ông. Các đặc vụ chia sẻ rằng, sự quyết đoán và cá tính mạnh là những điều ấn tượng nhất của Tổng thống Mỹ.

Lúc ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc đua căng thẳng vào chiếc ghế ông chủ Nhà Trắng, đã có không ít hoài nghi về vị tỉ phú  “bốc đồng”, dù ông đã khẳng định được thành công trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và truyền thông.

Thế nhưng... không!

Vị Tổng thống có vóc dáng cao lớn và kiểu bắt tay độc nhất vô nhị đã chứng tỏ ông giữ lời như thế nào đối với những gì đã hứa trong chiến dịch tranh cử. Và những tư liệu được khai thác lại cho thấy, những điều mà ông Donald Trump nói ra hoàn toàn không có chút  “bốc đồng” nào như người ta vẫn tưởng. Đó là quan điểm và tư duy chiến lược chắc chắn được vị tỉ phú này kiên định ngay từ khi còn trẻ: Làm nước Mỹ trở nên giàu mạnh, cắt giảm chi phí bảo trợ dành cho đồng minh, đàm phán cứng rắn với những đối thủ chính trị và kinh tế gây ảnh hưởng tới quyền lợi của Mỹ...

Bên cạnh đó, giới phân tích cũng chỉ ra những con số biết nói sau 2 năm ông Trump làm Tổng thống Mỹ. Báo cáo hôm 16-10-2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy, lần đầu Mỹ trở lại vị trí là nền kinh tế cạnh tranh nhất toàn cầu trong 10 năm qua, có nghĩa kinh tế đã phát triển nhanh kể từ khi ông Trump lên nắm quyền.

Trong khi ở thời điểm một tháng trước khi cuộc bầu cử Tổng thống 2016 diễn ra, tờ Washington Post có bài viết: “Tổng thống Trump có thể phá hủy kinh tế thế giới”. Khi chiến thắng đến gần với ông Trump, nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel, Paul Krugman, viết trên New York Times cảnh báo về một “cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu”. Một nhân vật có tầm ảnh hưởng khác là cựu Bộ trưởng Tài chính Larry Summers thì dự đoán suy thoái kéo dài sẽ bắt đầu sau 18 tháng đầu tiên của nhiệm kỳ của ông Trump. Nhưng 2 năm đã trôi qua và tất cả những con số đều cho thấy điều ngược lại.

Tăng trưởng GDP của nền kinh tế Mỹ trong quý II-2018 đạt 4,2%, gần gấp đôi so với 2,2% của quý I, và là mức tăng trưởng quý tốt nhất trong vòng 4 năm. Dự báo tăng trưởng cho quý III cũng đã được đưa ra ở mức cao hơn 3%. Điều này cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang hướng đến mục tiêu tăng trưởng 3%/năm ông Trump đưa ra khi tranh cử. Và tính đến tháng 9, tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ giảm xuống còn 3,7%, con số thấp nhất kể từ năm 1969. Nền kinh tế cũng được dự báo sẽ tạo ra thêm 2,5 triệu việc làm trong năm nay, cao hơn so với 2016 và 2017.

Cũng cần phải nói thêm rằng, trước khi trở thành người quyền lực nhất nước Mỹ, ông Donald Trump từng phải vượt qua vô số khó khăn, thất bại để xây dựng cơ ngơi bất động sản và truyền thông. Trong những thất bại đó, có thể kể đến mảnh đất bỏ hoang chạy dọc sông Hudson mà ông Trump dự tính sẽ đầu tư tới 4,5 tỉ USD để xây dựng khu đô thị Trump City. Nhưng do bất đồng với Thị trưởng New York khi đó, kế hoạch này không thể thành hiện thực, khiến ông Trump đành quyết đáp bán thanh lý tài sản của công ty mình, trong đó một lượng lớn cổ phiếu đã lọt vào tay các nhà đầu tư Hồng Kông, để trả khoản nợ 1 tỷ USD đã đầu tư vào dự án.

Hay vào năm 1990, do tác động của sự suy giảm kinh tế, các doanh nghiệp của ông Trump làm ăn thất bát và kéo ông vào cảnh nợ nần. Hãng hàng không Trump Airlines tuyên bố phá sản, bán toàn bộ máy bay và nhân lực trị giá 55 triệu USD để trả nợ. Taj Mahal nối tiếp đà phá sản của Trump Airlines ngay sau đó. Điều đó khiến ông Trump chấp nhận bán sòng bài của mình để trả được 2/3 tổng khoản nợ các công ty mình sở hữu xuống còn 2,5 tỷ USD.

Áp lực vẫn chưa dừng lại ở đó. Tới năm 1995, ông Trump tiếp tục bán khách sạn Plaza với mức giá 325 triệu USD, chịu lỗ 80 triệu USD. Nếu cộng với các khoản nợ trước đó, tổng tài sản của ông và công ty bị tụt xuống mức âm 1,4 tỷ USD. Nhưng sau tất cả những sóng gió đó, người đàn ông cao lớn đầy cá tính vẫn không nản chí, kiên định và quyết đoán bắt tay vào xây dựng đế chế của mình lớn mạnh hơn, thậm chí vị tỉ phú Mỹ còn dấn thân vào chính trị và trở thành ông chủ Nhà Trắng ở tuổi 70.

Người sáng lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát bên gia đình

Kiên định trước mọi khó khăn của một “Donald Trump Việt Nam” 

Trong quá trình tác nghiệp báo chí, bên cạnh việc theo sát những tin tức thời sự, tôi còn tham gia viết về chủ đề khởi nghiệp. Nhờ vậy, tôi đã có không ít lần tham gia những sự kiện đào tạo, những buổi trò chuyện khích lệ tinh thần khởi nghiệp, trong đó có sự tham dự của ông Trần Quí Thanh - Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Lâu nay, những người lãnh đạo Tân Hiệp Phát vẫn luôn cố gắng khích lệ tinh thần khởi nghiệp, đặc biệt hướng tới những bạn trẻ.

Ấn tượng lần đầu khi gặp  “Dr. Thanh” - cách gọi quen thuộc mà mọi người dành cho ông Trần Quí Thanh - rất khó quên! Đó là một người đàn ông cao lớn, có cái bắt tay siết chặt, lòng bàn tay thô ráp và nụ cười rất dễ gần! Sau này, tôi mới biết ông từng luyện võ nên mới có kiểu bắt tay “nhiệt” như vậy. Khá trùng hợp khi một trong những điểm ấn tượng nhất trong phong cách của Tổng thống Mỹ Donald Trump là kiểu bắt tay nhiệt tình rất khác biệt. Trước khi bước chân vào giới kinh doanh, ông Trump cũng đã được “thử lửa” qua môi trường quân đội rèn luyện khắc nghiệt...

Khi tìm hiểu sâu về quá trình chèo lái  “con thuyền” Tân Hiệp Phát từ một phân xưởng sản xuất bia nhỏ bé hồi những năm 90 của thế kỷ trước, trở thành tập đoàn nước giải khát hàng đầu Việt Nam với trị giá hàng tỉ USD, tôi đã thấy được sự kiên định trong quan điểm và tư duy chiến lược của vị thuyền trưởng.

Nhờ sự kiên định, bình thản đến lạnh lùng vượt qua mọi giông bão của Dr. Thanh, Tân Hiệp Phát đã đi xuyên những giai đoạn khó khăn nhất trong hành trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, và sức ép cạnh tranh, sức ép truyền thông. Có thời điểm, khó khăn khủng khiếp tới mức tưởng như khủng hoảng có thể xóa tên tập đoàn này trên bản đồ doanh nghiệp. Tính cách kiên định và quyết đoán của Dr. Thanh đã giúp Tân Hiệp Phát khẳng định được vị trí ở thị trường nội địa và ngày càng định hình mục tiêu ở nhiều thị trường nước ngoài.

Nhưng sự trùng hợp giữa hai người đàn ông cao lớn không chỉ dừng lại ở đó! Còn có những duyên nợ thú vị giữa Tân Hiệp Phát với doanh nghiệp của Mỹ, mà chỉ gần đây mới được người trong cuộc tiết lộ.

Đó là khi nhà sản xuất nước giải khát của Việt Nam đối đầu với 2  “gã khổng lồ”  thế giới đến từ nước Mỹ: Coca-Cola và Pepsi. Có lẽ người lạc quan nhất khi đó cũng khó nghĩ tới một kết quả tích cực cho Tân Hiệp Phát, khi đối thủ của họ quá mạnh, và có bề dày kinh nghiệm cũng như tiềm lực về mọi mặt gấp rất nhiều lần. Song bằng chiến lược khôn ngoan và kiên định, Tân Hiệp Phát vẫn tiến về phía trước, và bỏ đối thủ cạnh tranh khổng lồ lại phía sau... để rồi khiến cho Coca-Cola phải đưa ra lời đề nghị mua lại trị giá tới 2,5 tỉ USD.

Câu trả lời của Tân Hiệp Phát như thế nào, có lẽ ai cũng đều đã biết! Ông Trần Quí Thanh đã lựa chọn con đường của riêng mình, khước từ thương vụ khổng lồ tỉ đô nói trên để kiên định tạo ra những giá trị mới cho doanh nghiệp Việt. 5 năm sau, câu chuyện nói trên được con gái ông, nữ doanh nhân Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát - tiết lộ trong cuốn sách “Competing with Giants” (tạm dịch là Vượt lên người khổng lồ). Đây là lần đầu tiên sách của một tác giả Việt Nam được ForbesBook lựa chọn xuất bản.

Nhắc tới ái nữ của Dr.Thanh, người ta cũng không thể không nhắc tới mối lương duyên của nữ doanh nhân Trần Uyên Phương với nước Mỹ: Từng tu nghiệp ở Đại học danh tiếng Harvard của Mỹ, ra sách tại ForbesBooks nơi tụ hội của các tỉ phú Mỹ cũng như các tỉ phú hàng đầu thế giới, và được lựa chọn làm đầu sách xuất hiện trong danh mục sách kinh tế của Harvard. Cho tới giờ, nữ doanh nhân Trần Uyên Phương vẫn thường xuyên lui tới Harvard - trường đại học được ví như  “chiếc nôi của kinh tế thế giới” - để giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức thực tế...

                                        *****

Tại sao lại nhắc tới những sự trùng hợp, duyên nợ lạ kỳ kể trên? Bởi tôi tin rằng, khi mong muốn tiến về phía trước với những giá trị tích cực, người ta cần được truyền cảm hứng. Câu chuyện về một vị tỉ phú Mỹ đang là Tổng thống Mỹ đương nhiệm và một chủ tập đoàn nước giải khát lớn nhất Việt Nam đã  “vượt lên người khổng lồ” để khẳng định vị thế trên thị trường và tiếp tục lan tỏa thương hiệu Việt ra thế giới, đều là những nguồn truyền cảm hứng mạnh mẽ và đầy ý nghĩa.