Có "marketing xấu", cũng có trách nhiệm của truyền thông

ANTD.VN - “Cần phải nói rõ sự việc đang “nóng” gần đây liên quan tới cà phê, cụ thể là “phế phẩm cà phê trộn lõi pin”, chứ không phải “cà phê” như cách gọi trên một số tờ báo. Dù vô tình hay cố ý, việc không gọi đúng bản chất sự việc sẽ khiến mọi người quen với cụm từ đó, rồi mặc nhiên coi bê bối này gắn với cà phê...” - Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long khẳng định.

Có "marketing xấu", cũng có trách nhiệm của truyền thông ảnh 1Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long 

Bản chất sự việc không được gọi đúng tên

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long khẳng định: Cần phải nói rõ sự việc đang “nóng” gần đây liên quan tới cà phê, cụ thể là “phế phẩm cà phê trộn lõi pin”, chứ không phải “cà phê” như cách gọi trên một số tờ báo.

“Dù vô tình hay cố ý, việc không gọi đúng bản chất sự việc sẽ khiến mọi người quen với cụm từ đó, rồi mặc nhiên coi bê bối này gắn với cà phê. Điều đó làm cho chính những người viết, người đọc vô hình trung trở thành cái phao đẩy thông tin không rõ ràng nổi lên, và ảnh hưởng tiêu cực tới những người làm cà phê chân chính” - chuyên gia Nguyễn Ngọc Long phân tích - “Nhiệm vụ của marketing là “giáo dục” thị trường, để truyền thông cho mọi người biết về một sản phẩm, dịch vụ có gì tốt. Nếu càng truyền thông tới nhiều người, cơ hội bán hàng sẽ càng tăng lên. Không thể coi nhiệm vụ này là một thứ xấu xa. Đặc biệt, khi chương trình marketing được “đạo diễn” bởi những tập đoàn lớn, các đơn vị marketing chuyên nghiệp… thì chúng ta cảm thấy nó mới mẻ, song chốt lại, nó chỉ là cách thức bán hàng, và nếu ở trong giới hạn, điều đó bình thường. Giới hạn này như thế nào, thì lại là chuyện cần bàn kỹ hơn”.

Phi sự thật là vô đạo đức

Giả sử vụ việc “pha trộn phế phẩm cà phê với lõi pin” vừa qua, nếu chứng minh được đó là “chiêu trò” marketing, chuyên gia Nguyễn Ngọc Long chỉ rõ rằng đạo đức trong marketing được thể hiện qua việc thông tin có đúng sự thật hay không, nếu phi sự thật thì đó là vô đạo đức. “Việc nhấn vào ưu điểm của sản phẩm, dịch vụ là điều chấp nhận được khi marketing để bán hàng. Nhưng nếu đưa ra những ưu điểm thổi phồng, không chính xác, và cố tình lờ đi tác hại có thể ảnh hưởng tiêu cực tới người dùng, cung cấp thông tin sai lệch, thì đó là cách làm vô đạo đức”, chuyên gia Nguyễn Ngọc Long cho biết.

Trong rất nhiều trường hợp, việc phân định vô đạo đức hay không là rất khó, vì nó còn phụ thuộc cách sử dụng, liều lượng… của người dùng. Ở vụ việc “pha trộn phế phẩm cà phê với lõi pin”, nếu sự thật là phế phẩm đó bị nhuộm lõi pin nhưng không dùng trong mục đích ăn uống thì đó là cách thức marketing vô đạo đức của những người đứng sau (nếu có).

Có "marketing xấu", cũng có trách nhiệm của truyền thông ảnh 2Lực lượng công an kiểm tra tại cơ sở bị nghi ngờ sản xuất “cà phê trộn lõi pin” 

Trách nhiệm của truyền thông? 

Khi bàn về việc những người làm marketing đưa ra thông tin về thực phẩm bẩn khiến dư luận hoang mang, rồi khiến người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm truyền thống, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng, cần phải nhìn nhận vai trò của cả marketing và truyền thông.

“Nếu truyền thông không góp sức như một công cụ giúp lan truyền những thông tin thổi phồng, dàn dựng thì đã không có những bê bối liên quan đến hàng hóa, sản phẩm Việt, cụ thể như vụ việc đang gây nghi ngờ là “pha trộn phế phẩm cà phê với lõi pin” vừa qua” - chuyên gia Nguyễn Ngọc Long phân tích - “Nếu thực sự cà phê của các tập đoàn lớn có quy trình sản xuất sạch sẽ, đảm bảo, trong khi cơ sở sản xuất nhỏ lẻ lại chế biến mất vệ sinh, thì việc người làm marketing đẩy câu chuyện này lên là không có tội lỗi gì, vì họ nói sự thật. Nhưng thực tế là câu chuyện phế phẩm cà phê, qua một số phương tiện truyền thông đại chúng bỗng dưng gây hoang mang, đánh đồng với cà phê tiêu dùng, thì đó là trách nhiệm của truyền thông”.

Đặc biệt, chuyên gia Nguyễn Ngọc Long nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc phản ánh thông tin nhiều chiều, đa diện trên báo chí, để truyền thông không trở thành công cụ hỗ trợ cho “marketing vô đạo đức”. “Có nhà báo khi nắm thông tin về vụ “pha trộn phế phẩm cà phê với lõi pin” thì nghĩ đơn thuần rằng phải vào cuộc, cảnh báo quyết liệt, để người dân phòng tránh, điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng cách tác nghiệp của nhà báo đó lại có vấn đề, khi không tìm hiểu kỹ rằng “cà phê trộn pin” có uống được không? “Phế phẩm cà phê trộn pin” dùng để làm gì?... Vậy là, dù vô tình và tưởng rằng mình đang làm việc có ý nghĩa đã có thể vô tình tiếp tay cho những thông tin không xác thực, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng tới những người làm cà phê chân chính”, chuyên gia Nguyễn Ngọc Long chia sẻ.

“Marketing xấu” là có thật, nhưng nếu truyền thông, đặc biệt là báo chí làm đúng vai trò truyền tải thông tin khách quan, thì “marketing xấu” khó có cơ hội lan tỏa và gây ra sự hoang mang trong dư luận. “Tôi mong các thương hiệu Việt muốn phát triển thì hãy làm marketing đúng đắn, sự phát triển sẽ bền vững và có chiều sâu. Truyền thông và báo chí cũng luôn có trách nhiệm liên đới. Nếu báo chí làm đúng vai trò khách quan, marketing tốt thì sẽ hiệu quả, cái xấu sẽ bị vạch trần. Chúng ta không cần những chiêu trò vô đạo đức để nổi thật nhanh, rồi chìm cũng nhanh”, chuyên gia Nguyễn Ngọc Long khẳng định.

Chủ tịch Công ty NBN Media Nguyễn Bá Ngọc: Xem xét thông tin để nhận biết giá trị thương hiệu

- PV: Vì sao hàng Việt dễ bị “tổn thương” khi bị “ném đá” hay chơi xấu, thưa ông? 

- Chủ tịch Công ty NBN Media Nguyễn Bá Ngọc: Đại đa số thương hiệu Việt còn đầu tư rất ít cho thương hiệu nên thương hiệu Việt yếu, dễ bị “tổn thương”. Cách làm của các công ty là khi bán được hàng, đáng ra có tiền là phải hoạch định đầu tư cho thương hiệu, marketing..., song khi bán được thường các công ty lại không làm việc này. Kể cả các thương hiệu Việt lớn chủ yếu chỉ tập trung vào bán hàng, chưa xây dựng được lòng tin và chiếm được cảm tình của người tiêu dùng nên khi có chuyện lập tức bị nghi ngờ và “tổn thương”. Còn các công ty làm bài bản luôn đầu tư khoảng 10% doanh thu cho thương hiệu, marketing... nên rất vững mạnh dù thị trường thế nào.

- Theo ông, người tiêu dùng nên ứng xử thế nào với thông tin xấu liên quan đến hàng Việt? 

- Nên bình tĩnh xem xét thông tin và hãy làm người tiêu dùng thông minh nhận biết được giá trị thương hiệu. Song trên thực tế điều này khó vì đại đa số sẽ vẫn phản ứng theo số đông.

- Ông đánh giá thế nào về vai trò của các cơ quan quản lý trong các vụ việc thế này? 

- Chính quyền chỉ nên can thiệp khi có sai lệch ở mức cần can thiệp để giữ thị trường là sân chơi lành mạnh và công bằng.

Chị Ngô Thanh Hiền (xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội): Luôn tin tưởng và tin dùng hàng Việt

Có "marketing xấu", cũng có trách nhiệm của truyền thông ảnh 3

“Những ồn ào liên quan đến chất lượng một số sản phẩm thực phẩm, tiêu dùng trong thời gian gần đây khiến người dân cảm thấy hoang mang, lo ngại về các sản phẩm mang thương hiệu Việt. Tuy nhiên, là người tiêu dùng thông thái, ai cũng hiểu rằng, sự việc gây chấn động dư luận vừa qua chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Còn nhiều sản phẩm thương hiệu Việt đã tạo được chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng trong nước bởi chất lượng và độ uy tín. Đó là một quá trình lâu dài xây dựng thương hiệu được các doanh nghiệp Việt bỏ công, bỏ của xây dựng. Vì thế, tôi luôn tin tưởng và tin dùng hàng Việt”.

Ông Phan Nguyên Kỷ (Khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội): Không đánh đồng từ một vài hiện tượng xấu

Có "marketing xấu", cũng có trách nhiệm của truyền thông ảnh 4

“Để bảo vệ thương hiệu Việt thì việc đầu tiên cần làm là phải thanh lọc các sản phẩm “bẩn”, không đạt tiêu chuẩn để bán ngoài thị trường. Có làm được vậy mới đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, để người tiêu dùng có niềm tin vào thương hiệu Việt. Tuy nhiên bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải nhìn nhận thấu đáo vấn đề, tránh việc từ một vài hiện tượng xấu bị phát hiện mà đánh đồng thành bản chất vấn đề. Trong kinh doanh thì khó tránh khỏi những kẻ gian thương, lưu manh, bất chấp thủ đoạn để mưu lợi. Nếu như vậy mà có cái nhìn không hay về các sản phẩm hay thương hiệu khác của Việt Nam là rất phiến diện và nguy hiểm. Mong rằng mỗi chúng ta phải tỉnh táo để không “vơ đũa cả nắm”, tránh làm ảnh hưởng đến thương hiệu Việt nói chung”.