Cơ hội từ EVFTA: Đừng chỉ nghĩ đến dệt may, da giày, thủy sản

ANTD.VN - Ông Lương Hoàng Thái- Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, mua sắm Chính phủ của các nước tham gia Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- châu Âu (EVFTA) mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) Việt Nam.

Cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đến cơ hội từ EVFTA

Sáng 5-6, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị “Hỗ trợ doanh nghiệp SMEs tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA ”.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, trong các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết, EVFTA được đánh giá có tác động tích cực nhất đến Việt Nam. “Không phải chỉ về tầm vóc quan trọng khi EU có 27 quốc gia thành viên với GDP cao, lên tới 18 nghìn tỷ USD mà còn ở trình độ phát triển kinh tế, trình độ công nghệ, quy mô phát triển thị trường.

Đây là đối tác quan trọng hàng đầu của thế giới, đối với Việt Nam, với các quốc gia đang phát triển với các quốc gia xuất khẩu”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Thông tin cụ thể về các điều khoản cơ bản trong  hiệp định cũng như cơ hội với doanh nghiệp Việt Nam, ông Lương Hoàng Thái cho rằng, doanh nghiệp không nên nghĩ EVFTA chỉ mang lại lợi ích cho các ngành như: dệt may, da giày, thủy sản… mà còn rất nhiều cơ hội khác.

“Mua sắm chính phủ là một mảng lớn, các nước EU đang có nhu cầu cao. Tất nhiên ưu tiên của chúng ta là những lĩnh vực, hàng hóa mang tính truyền thống, nhưng còn lĩnh vực có thể khai thác.

Ví dụ, khi EVFTA đang được đàm phán, Tập đoàn FPT của Việt Nam đã mua lại 1 công ty phần mềm của Tiệp Khắc để gia công phần mềm, cung cấp các hợp đồng cho Chính phủ nước này. Các nước đang có nhu cầu số hóa lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có thể tiếp cận”- ông Lương Hoàng Thái gợi ý.

Theo ông Nguyễn Văn Thân- Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, EVFTA không chỉ mang lại lợi ích lớn cho người tiêu dùng, lao động… mà còn đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện nay, EU mới chỉ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 42% dòng thuế của hàng hóa Việt Nam vào EU nhưng ngay sau khi EVFTA có hiệu lực và đi vào thực thi, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

“Tiếp đó, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ sau một lộ trình ngắn (7 năm).

Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhìn nhận đây là một điều kiện vô cùng thuận lợi, một sự đột phá mới, mở ra cơ hội rất lớn đối với các doanh nghiệp, tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn về giá hàng hóa xuất khẩu khi so sánh với giá của các quốc gia trong khu vực, khi họ xuất khẩu các sản phẩm của họ sang thị trường EU”- ông Nguyễn Văn Thân nói. 

Là một doanh nghiệp nhỏ và vừa quan tâm đến thị trường EU, bà Đỗ Thị Kim Thông- Chủ nhiệm hợp tác xã thương mại dịch vụ du lịch và xuất nhập khẩu Kim Thông cho hay, doanh nghiệp này đã chuẩn bị để “bước” vào thị trường châu Âu nên chăm chút cho sản phẩm từ khâu gieo trồng đến thu hoạch, đảm bảo từ đất trồng, nước tưới theo quy định.

Tuy vậy, phía doanh nghiệp cho rằng cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa về thông tin thị trường cũng như cách thức quảng bá sản phẩm.