Cổ đông Ngân hàng Quân đội MB thông qua đề án sáp nhập Tài chính Sông Đà SDFC

ANTĐ - Đại hội đồng cổ đông bất thường 2015 của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã diễn ra hôm nay 6-10 tại Hà Nội. Các cổ đông MB đã thông qua phương án sáp nhập Công ty Tài chính cổ phần Sông Đà (SDFC) vào MB và thành lập công ty con hoạt động trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, có vốn điều lệ 500 tỷ đồng.

Tổng số cổ đông tham dự và biểu quyết tại Đại hội là 236 cổ đông, nắm giữ tương đương với 1.195.146.875 cổ phần, chiếm 74,70% cổ phần có quyền biểu quyết.

Ông Lưu Trung Thái - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị MB chủ trì Đại hội đồng cổ đông bất thường 2015 sáng nay 6-10

Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường 2015, một số nội dung quan trọng cũng đã được biểu quyết thông qua với sự nhất trí cao. Cụ thể, Đại hội đồng cổ đông cũng đã thông qua với tỷ lệ nhất trí cao với phương án tăng vốn điều lệ Ngân hàng TMCP Quân đội lên 16.311 tỷ đồng, bằng việc phát hành cổ phiếu MBB để hoán đổi cổ phiếu thực hiện giao dịch sáp nhập SDFC vào MB và lưu ký, niêm yết bổ sung số cổ phiếu phát hành thêm.

Theo đó, toàn bộ số cổ phiếu MBB phát hành (31.181.818 cổ phần) được phân phối cho các cổ đông của các bên, như sau: 2,2 cổ phần của SDFC sẽ được hoán đổi ngang bằng 1 cổ phần của MB tại thời điểm phát hành cổ phiếu, tương đương 59,8 triệu cổ phần của SDFC của các cổ đông ngoại trừ MB sẽ hoán đổi thành khoảng 27.181.818 triệu cổ phần của MB.

Bên cạnh đó, 1 cổ phần của cổ đông hiện hữu MB sẽ được nhận bổ sung thêm 0,0025 cổ phần của MB tại thời điểm phát hành cổ phiếu, tương đương 8,8 triệu cổ phần của SDFC mà MB sở hữu được hoán đổi thành 4 triệu cổ phần của MB. Thời gian thực hiện dự kiến vào quý IV-2015 và thời gian thực hiện cụ thể sẽ do HĐQT MB quyết định trên cơ sở Giấy phép, Chấp thuận của Cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

MB tham gia tái cơ cấu SDFC nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, góp phần ổn định và phát triển nền kinh tế đất nước, cũng như mục tiêu phát triển dài hạn của ngân hàng. Sau giao dịch sáp nhập, quy mô vốn điều lệ của MB tăng thêm và giúp cho MB kiện toàn mô hình tập đoàn, hướng tới việc cung cấp các giải pháp tài chính trọn gói cho khách hàng, góp phần tăng trưởng doanh thu, thu nhập, từ đó tối đa hóa lợi ích cho các cổ đông, đối tác, khách hàng trong tương lai.

Ông Lưu Trung Thái - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị MB chia sẻ: “Giao dịch sáp nhập với SDFC được tính toán kỹ với sự tư vấn của các công ty tư vấn mua bán sáp nhập có uy tín và nhiều kinh nghiệm, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật và hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước. Qua quá trình là cổ đông sáng lập SDFC, MB nắm rõ tình hình hoạt động của SDFC và bên cạnh đó là sự đồng thuận của các cổ đông còn lại trong quá trình triển khai tiếp theo trong giai đoạn hậu sáp nhập".
"Đây là một lợi thế để đảm bảo cho thương vụ sáp nhập này nằm trong tầm kiểm soát của MB. Hoạt động này cũng nhằm hiện thực hóa Quyết nghị của Đại hội cổ đông thường niên hồi tháng 4-2015, về việc giao cho HĐQT triển khai mua lại, mua cổ phần, nhận sáp nhập với một tổ chức tín dụng khác phục vụ cho mục đích phát triển mảng tín dụng tiêu dùng của MB” - ông Lưu Trung Thái khẳng định.

Tham dự Đại hội cổ đông, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã nhận định: Giao dịch sáp nhập SDFC vào MB đã thể hiện sự quyết tâm lớn của MB đối với chủ trương tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 của Chính phủ. Hoạt động này nhận được sự hỗ trợ và quan tâm của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh những khó khăn, thách thức khi thành lập một công ty mới, thì MB sẽ có cơ hội mở rộng mạng lưới khách hàng, kiện toàn mô hình tập đoàn tài chính đa năng.

Nhìn về dài hạn, triển vọng của lĩnh vực tài chính tiêu dùng là rất lớn. Đối với MB nói riêng và các ngân hàng thương mại nói chung, đây là thời cơ rất tốt để thành lập công ty tài chính tiêu dùng. Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn ủng hộ và sẽ sớm có chấp thuận thông qua giao dịch sáp nhập và thành lập công ty con trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ có những kiến nghị với Bộ Tài chính, cơ quan thuế để xem xét và sớm giải quyết các đề xuất mà MB đưa ra đối với các vấn đề về miễn giảm thuế đối với công ty mới thành lập, phù hợp với quy định của pháp luật.

Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2015 của MB đã thành công với tỷ lệ nhất trí cao với các nội dung được đưa ra tại Đại hội. Cụ thể, thông qua giao dịch sáp nhập và thành lập công ty tài chính mới với tỷ lệ 84,89%; Thông qua phương án tăng vốn điều lệ bằng việc phát hành cổ phiếu MBB để hoán đổi cổ phiếu thực hiện giao dịch sáp nhập SDFC vào MB và lưu ký, niêm yết bổ sung số cổ phiếu phát hành thêm với tỷ lệ 85,03%; Và, thông qua sửa đổi Điều lệ MB sau sáp nhập với tỷ lệ 85,04%.

Thành công của đại hội là cơ sở và nền tảng để MB tiếp tục kiện toàn mô hình tập đoàn tài chính đa năng, mang lại lợi ích tối đa cho cổ đông.