CN môi trường trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

(ANTĐ) - Mục tiêu mà Bộ Tài nguyên & Môi trường đưa ra là đến năm 2010, 100% cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải; trên 50% các cơ sở sản xuất kinh doanh phải đạt tiêu chuẩn về môi trường… Để đạt được mục tiêu này, ngoài sự quản lý, giám sát chặt chẽ của các cấp, các ngành; thẩm định kỹ các dự án, thì việc cần làm ngay là thúc đẩy nhanh ngành công nghiệp, dịch vụ môi trường.

CN môi trường trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

(ANTĐ) - Mục tiêu mà Bộ Tài nguyên & Môi trường đưa ra là đến năm 2010, 100% cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải; trên 50% các cơ sở sản xuất kinh doanh phải đạt tiêu chuẩn về môi trường… Để đạt được mục tiêu này, ngoài sự quản lý, giám sát chặt chẽ của các cấp, các ngành; thẩm định kỹ các dự án, thì việc cần làm ngay là thúc đẩy nhanh ngành công nghiệp, dịch vụ môi trường.

Cũng trong vấn đề này, Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam (do Bộ Công Thương chủ trì) đặt mục tiêu đến năm 2010, sẽ hoàn thiện quy hoạch phát triển công nghiệp môi trường. Đến năm 2020, ngành công nghiệp môi trường sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đáp ứng nhu cầu bảo vệ môi trường trong nước; tạo bước chuyển biến vững chắc và toàn diện trong công tác bảo vệ môi trường; cung cấp được các công nghệ, thiết bị, dịch vụ ở trình độ cao so với các nước trong khu vực.

Theo số liệu điều tra của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách công nghiệp (IPSI) tiến hành trong các năm 2006-2007 trên phạm vi 20 tỉnh, đã thống kê được trên 2.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực môi trường. Ngoài các công ty Môi trường đô thị URENCO của các tỉnh/thành phố còn có các doanh nghiệp tư nhân trong nước, nước ngoài, các hình thức liên doanh, liên kết. Quy mô của các công ty cũng tăng rất nhanh, trong đó một số công ty có doanh số lên đến 1.000 tỷ đồng/năm.

Hoạt động môi trường của Việt Nam đang dần trở nên chuyên môn hóa sâu, mang tính công nghiệp với các doanh nghiệp chuyên sản xuất và cung ứng dịch vụ trên tất cả 3 lĩnh vực: dịch vụ môi trường, sản xuất thiết bị công nghệ và quản lý tài nguyên. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường đã và sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Nguyễn Văn Tài, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT), hiện doanh nghiệp trong nước đang chiếm thị phần trên 50%. Cùng với lộ trình mở cửa theo cam kết gia nhập WTO, các doanh nghiệp môi trường nước ngoài sẽ thâm nhập thị trường Việt Nam nhiều hơn, do thị trường ngành này khá tiềm năng.

Chúng ta có quá nhiều vấn đề môi trường xuất hiện, yêu cầu giải quyết cấp bách. Do những quy định về môi trường còn chưa chặt chẽ nên Việt Nam là điểm đến của không ít công nghệ “bẩn” mà giá trị gia tăng chưa hẳn cao như: sắt thép, xi măng... Theo tính toán của IPSI, ước tính, nhu cầu đầu tư bảo vệ môi trường của 18 ngành và lĩnh vực có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao ở nước ta lên đến 124.000 tỷ đồng, chứng tỏ thị trường của ngành công nghiệp, dịch vụ môi trường là rất lớn.

Trong khi đó, thực lực các doanh nghiệp trong nước còn rất nhiều hạn chế, sự phát triển còn gặp nhiều trở ngại: Thứ nhất là nhận thức của doanh nghiệp về bảo vệ môi trường chưa cao, nhiều doanh nghiệp không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, do đó chưa tạo thành động lực để công nghệ, dịch vụ môi trường phát triển mạnh mẽ.

Thứ hai là hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nước ta chưa đầy đủ, chưa đồng bộ; các chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để bắt buộc mọi người dân, doanh nghiệp, tổ chức phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.

Thứ ba là các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia lĩnh vực kinh tế môi trường chưa rõ ràng, chưa đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp môi trường, Nhà nước chưa có định hướng cụ thể để phát triển lĩnh vực công nghiệp này. Thêm vào đó, doanh nghiệp trong nước còn gặp không ít khó khăn về công nghệ, nhân lực...

Nhằm hạn chế những khó khăn trên, rất nhiều giải pháp đang được nghiên cứu, trình Chính phủ phê duyệt. Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường do Bộ Công thương chủ trì đã hoàn thiện, bước đầu sẽ xúc tiến thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp môi trường trong năm 2009 nhằm tập hợp các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực, kiến nghị những chính sách bảo vệ lợi ích doanh nghiệp, thúc đẩy ngành công nghiệp môi trường ngày càng phát triển.

Đề án Phát triển dịch vụ môi trường của Bộ TN&MT cũng đang được trình Chính phủ phê duyệt, dự kiến có kinh phí lên đến 6.200 tỷ đồng, chủ yếu được lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước, đồng thời huy động các nguồn vốn khác như ODA, vốn từ các chương trình hợp tác quốc tế và các thành phần kinh tế. Nếu đề án này được phê duyệt, dự kiến trong giai đoạn 2009-2012, Tập đoàn Dịch vụ môi trường Việt Nam sẽ được thành lập với cổ phần chủ yếu của Nhà nước, đủ mạnh để giải quyết các vấn đề môi trường lớn của đất nước và cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc ra đời của một tập đoàn môi trường, có cổ phần chủ yếu của Nhà nước, được hưởng rất nhiều chính sách ưu đãi ngoài mặt tích cực là sẽ tham gia vào các lĩnh vực nhạy cảm mà các doanh nghiệp tư nhân không tham gia hoặc không giữ đúng cam kết thì nếu không tổ chức khéo sẽ làm giảm tính cạnh tranh đối với các doanh nghiệp khác.                            

Hà Loan