Chuyển mạng giữ nguyên số: "Cuộc đua" giành thị phần của doanh nghiệp viễn thông?

ANTD.VN - Mặc dù chỉ có tối đa khoảng 5% số thuê bao được dự báo sẽ chuyển mạng giữ nguyên số, song các doanh nghiệp viễn thông cho rằng, không nên bỏ lỡ cơ hội này để gia tăng thị phần.

Chuyển mạng giữ nguyên số:  "Cuộc đua" giành thị phần của doanh nghiệp viễn thông? ảnh 1

Chuyển mạng giữ số sẽ giúp doanh nghiệp nào gia tăng thị phần?

Cơ hội để hoàn thiện chất lượng

Theo kế hoạch, từ ngày mai (16-11), các thuê bao trả sau của 3 nhà mạng là: Viettel, MobiFone, VinaPhone sẽ được chuyển mạng giữ nguyên số. Đại diện MobiFone cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, MobiFone đã hoàn thiện các hệ thống hạ tầng kỹ thuật như phần mềm tính cước, kênh bán hàng, hoàn thành các khai báo định tuyến với các nhà mạng trong nước, quốc tế để sẵn sàng phục vụ các thuê bao trả sau có nhu cầu chuyển mạng theo kế hoạch.

Khách hàng có thể đăng ký chuyển sang mạng MobiFone theo các cách sau: (1) tại cửa hàng/đại lý; (2) tại website chuyenmang.mobifone.vn, (3) gọi đến tổng đài 1800 1090.

Trong khi đó, đại diện của Viettel cũng cho hay, bên cạnh việc chuẩn bị kỹ lưỡng về kỹ thuật nhằm rút ngắn thời gian liên lạc bị gián đoạn khi thực hiện chuyển đổi, Viettel đẩy mạnh công tác chăm sóc khách hàng.

Theo đó, tổng đài 18008098 đã có nhánh riêng 198 để phục vụ giải đáp về chuyển mạng giữ số. Trung tâm Chăm sóc khách hàng Viettel đã thành lập một đội ngũ riêng “happy call”. 20 nhân viên happy call này đã được tập huấn các tình huống cần chăm sóc cho khách hàng.

Có quan điểm tương tự, ông Nguyễn Trường Giang- Phó Tổng giám đốc VinaPhone cho biết: “Nếu khách hàng không hài lòng với các nhà mạng, họ sẽ chuyển sang nhà mạng khác. VinaPhone cam kết sẽ hỗ trợ tốt nhất với tất cả khách hàng. Đây là cơ hội để các nhà mạng hoàn thiện tốt hơn chất lượng và tinh thần đối với dịch vụ của mình”.

Cơ hội gia tăng thị phần?

Mặc dù việc chuyển mạng giữ nguyên số dường như chưa gây được chú ý nhiều từ khách hàng như đợt chuyển đổi mã mạng vừa mới diễn ra, song tính chất 2 cuộc chuyển đổi này lại khác nhau hoàn toàn. Từ góc nhìn của doanh nghiệp, việc chuyển đổi mã mạng ít ảnh hưởng đến thị phần hơn là chuyển mạng giữ nguyên số nên nhà mạng nào cũng muốn giới thiệu về năng lực phục vụ khách hàng.

Nhà mạng nào có hạ tầng tốt, gói cước phù hợp, chăm sóc khách hàng chu đáo sẽ có chiều hướng thu hút được nhiều khách hàng về mình hơn sau khi được phép chuyển mạng giữ nguyên số và ngược lại.

Đại diện một doanh nghiệp viễn thông lớn cho biết, chuyển mạng giữ nguyên số được coi là một chiến dịch lớn đối với doanh nghiệp, mà ở đó không chỉ gói gọn ở vấn đề kỹ thuật thao tác khi chuyển đổi để ít gây phiền hà đến khách hàng, mà còn quyết định xem khác hàng có “ở lại” với mình hay rời đi. Vì vậy, chăm sóc khách hàng được đẩy mạnh để doanh nghiệp không mất điểm.

Đại diện Viettel cho rằng, nhà mạng lớn vẫn có thể tăng thị phần từ chuyển mạng giữ nguyên số. Kèm theo nhận định này, vị này lấy dẫn chứng từ một số quốc gia đã thực hiện việc này. Chẳng hạn, tại Tây Ban Nha, sau 5 năm triển khai dịch vụ này, Vodafone có 105.000 thuê bao chuyển ra nhưng có 129.000 thuê bao chuyển vào, nghĩa là Vodafone tăng được 24.000 thuê bao từ việc chuyển đổi. Tại Ấn Độ, Airtel tăng 38 triệu thuê bao, Vodafone tăng 44 triệu thuê bao.

Tuy nhiên, chuyển mạng giữ số ở một số nước cũng không làm thay đổi quá nhiều thị phần của các nhà cung cấp dịch vụ. Tại Brazil, Malaysia tỷ lệ khách hàng sử dụng dịch vụ là rất thấp, chỉ 1,3% và 3,6%.

Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Hồng Hải, chuyển mạng giữ số được xem là cơ hội cho các doanh nghiệp gia tăng thị phần trong bối cảnh thị trường đã bão hòa. Trên thế giới, tỷ lệ thuê bao chuyển mạng khoảng dưới 5%, nhưng ở Việt Nam sẽ cần thời gian để đánh giá chính sách này.

Cục Viễn thông cho biết, hiện dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số được triển khai trong bối cảnh các doanh nghiệp di động đang cung cấp dịch vụ cho trên 120 triệu thuê bao nên phải thực hiện từng bước chắc chắn để không có tác động tiêu cực đến hoạt động của toàn bộ mạng viễn thông.

Cục Viễn thông và các doanh nghiệp di động đã thống nhất sẽ triển khai dịch vụ đối với các thuê bao trả sau (khoảng 5%) để đánh giá tác động của dịch vụ đối với thị trường, kịp thời có các biện pháp để loại bỏ tác động tiêu cực nếu có trước khi triển khai trên diện rộng.