Chuyên gia VEPR: Nâng trần chi phí lãi vay được khấu trừ thuế lên 30% là không cần thiết

ANTD.VN - Chuyên gia Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng không nên nâng trần chi phí lãi vay được khấu trừ thuế lên 30%, mà nên có lộ trình giảm tỷ lệ này xuống thấp hơn nữa, và tiến tới loại bỏ hoàn toàn việc khấu trừ lãi vay giữa các công ty liên kết.

Vì sao các tập đoàn đa quốc gia "bình chân như vại"

Nghị định 20/2017/NĐ-CP ra đời với mục tiêu cao nhất là chống chuyển giá/chuyển nợ với mục đích trốn tránh thuế. Điều 3, Khoản 8 của Nghị định quy định: tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ chỉ được khấu trừ thuế nếu không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay và chi phí khấu hao trong kỳ (EBITDA).

Trong khi các tập đoàn đa quốc gia – vốn là những doanh nghiệp có nguy cơ chuyển giá, tránh thuế cao nhấn vẫn “bình chân như vại”, thì điều khoản trên lại gặp khá nhiều phản ứng từ các DN trong nước, đặc biệt là các DN đang đầu tư vào những ngành trọng điểm cần số vốn rất lớn. Nhiều DN cho biết bị giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ hàng trăm tỷ đồng vì quy định này.

Sau hàng loạt chỉ đạo của Chính phủ, mới đây, Bộ Tài chính đã có đề xuất sửa đổi đầu tiên với Nghị định 20, theo đó nâng trần lãi vay được trừ của doanh nghiệp từ 20% lên 30%.

Tuy nhiên, mới đây chuyên gia Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) lại có quan điểm cho rằng việc nâng trần này là không cần thiết. Cụ thể, PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR, cho rằng Nghị định 20 không có mục đích cản trở việc vay nợ để thực hiện sản xuất kinh doanh, mà chỉ hạn chế việc vay nợ giữa các bên có liên kết nhằm chống hành vi trốn tránh thuế.

PGS.TS Phạm Thế Anh

Theo thống kê của VERP, năm 2016, số DN có tỷ lệ lãi vay/EBITDA trên 20% của khu vực DN nhà nước (DNNN) là 396 DN (chiếm 16,5% tổng số DNNN), của khu vực FDI là 673 DN (chiếm 4,9% tổng số DN FDI), của khu vực ngoài nhà nước là 37956 DN (chiếm 8,2% tổng số DN ngoài nhà nước).

Như vậy, DN ngoài nhà nước là khu vực có tỷ lệ lãi vay/EBITDA lớn nhất. Tuy nhiên, đây lại là khối DN ít có quan hệ liên kết nhất, nên ít chịu sự điều chỉnh của Nghị định 20.

Thống kê trong giai đoạn 2013-2016, khu vực DNNN có hệ số nợ/ vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 và tỷ lệ lãi vay/EBITDA lớn hơn 20% lớn nhất (lần lượt là gần 20,5% và 19,4%), khu vực DN FDI là 5,5%, khu vực ngoài nhà nước là 5,3%.

Theo ông Phạm Thế Anh, DNNN cũng là nhóm DN có nhiều hoạt động liên kết nhất thông qua mô hình tập đoàn và tổng công ty. Đây chính là lý do tại sao Nghị định 20 gặp nhiều sự phản đối từ nhóm DN này.

Trong khi đó, khu vực FDI có chi phí lãi vay quốc tế/ lãi vay trong nước bằng khoảng 1,2 lần trong giai đoạn 2013-2016. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của nhóm DN này là thấp nhất nhưng không quá xa 2 khu vực còn lại (1,6 so với 1,8). Điều đó chứng tỏ khu vực FDI chủ yếu có vay nợ từ thị trường quốc tế, rất có thể là từ các công ty liên kết ở nước ngoài.

Trong năm 2016, chỉ có khoảng 4,9% số DN trong khu vực FDI có tỷ lệ lãi vay/EBITDA lớn hơn 20%, khoảng 3,4% số DN có tỷ lệ lãi vay/ EBITDA lớn hơn 30%. Trong số những DN có tỷ lệ lãi vay/EBITDA  lớn hơn 20% thì không phải DN nào cũng có giao dịch liên kết. Do vậy, số DN thực sự chịu sự điều chỉnh của Nghị định 20 trong khu vực FDI còn thấp hơn nữa.

Trong khi đó, hiện tượng trốn tránh thuế thu nhập DN ở Việt Nam diễn ra với quy mô ngày càng lớn và hành vi ngày càng phức tạp, tinh vi. Vì vậy, muốn chống được hành vi trốn thuế rất phức tạp này, Chính phủ không nên nâng mức khống chế tỷ lệ lãi vay/EBITDA được khấu trừ thuế từ 20% lên 30% như đòi hỏi của một số DN.

Nên loại bỏ khấu trừ chi phí lãi vay?

Thêm nữa, theo vị chuyên gia, ngoài việc hạn chế hành vi trốn tránh thuế, việc hạn chế mức trần lãi vay được khấu trừ thuế còn làm tăng khả năng cạnh tranh của các DN trong nước với các DN FDI vốn có lợi thế hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn trên thị trường quốc tế hoặc từ các công ty mẹ ở nước ngoài. Tương tự, nó cũng giúp làm tăng khả năng cạnh tranh của các DN tư nhân với DNNN vốn có lợi thế hơn về khả năng tiếp cận các nguồn vốn.

“Rõ ràng, việc những tập đoàn lớn đứng ra vay nợ rồi cho các công ty thành viên vay lại sẽ dễ dàng và hưởng lãi suất ưu đãi hơn rất nhiều so với việc từng công ty thành viên đi vay, tạo ưu thế lớn so với các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Do vậy, việc thắt chặt trần lãi vay được khấu trừ thuế từ các giao dịch liên kết chính là góp phần làm giảm những lợi thế của FDI với DN trong nước, của DNNN với doanh nghiệp tư nhân, tạo sân chơi bình đẳng hơn giữa các loại hình DN”, PGS. TS Phạm Thế Anh nói.

Vì vậy, theo chuyên gia này, trong tương lai, Bộ Tài chính còn nên có lộ trình giảm tỷ lệ này xuống thấp hơn nữa, và tiến tới loại bỏ hoàn toàn việc khấu trừ lãi vay giữa các công ty liên kết. Việc này sẽ triệt tiêu động lực chống chuyển giá của DN.

Chuyên gia VEPR cho rằng nên giữ nguyên, thậm chí giảm trần chi phí lãi vay được khấu trừ thuế

Ngay với các khoản vay độc lập, tỷ lệ lãi vay được khấu trừ thuế cũng cần được khống chế ở một mức trần nào đó để đảm bảo cấu trúc tài chính lành mạnh của các DN.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều nước OECD hiện đã đưa ra quy định về vốn mỏng dựa trên một tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu nhất định (phổ biến là 3), bất kỳ DN nào có hệ số nợ/vốn chủ sở hữu vượt mức quy định thì phần lãi phải trả đối với phần vốn vay vượt quá quy định sẽ không được khấu trừ thuế.

“Thị trường chứng khoán không thể phát triển và DN không thể bớt phụ thuộc vào vốn vay tín dụng nếu Chính phủ không có những quyết sách và định hướng rõ ràng làm lành mạnh hệ thống tài chính”, PGS Phạm Thế Anh nêu quan điểm.

Vị chuyên gia cũng cho rằng Nghị định 20 có cả tham vọng chống chuyển giá lẫn chống mỏng vốn, tuy nhiên quan điểm của ông là Nghị định này chỉ nên giới hạn trong mục tiêu chống chuyển giá thông qua các giao dịch liên kết để đưa ra các quy định phù hợp.

Việc chống xói mòn cơ sở thuế và chống vốn mỏng nên được đề xuất trong một quy định khác để đảm bảo quy định đó bao phủ được mọi doanh nghiệp, bao gồm công ty trong các tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn trong nước, và các công ty độc lập.