Chuyên gia không hiểu vì sao đa phần các bộ ngành đồng ý tăng kịch khung thuế BVMT xăng dầu

ANTD.VN - Các chuyên gia cho rằng việc tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng dầu cần có sự đánh giá tác động toàn diện, vì đây là “đầu vào” của cả nền kinh tế.

Vì sao các bộ, ngành “nhất trí cao”

Mới đây, Bộ Tài chính vừa công bố Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến dự thảo Nghị quyết biểu thuế BVMT, cho biết có tới 40/60 bộ ngành, địa phương nhất trí hoàn toàn với đề xuất tăng kịch khung thuế BVMT với mặt hàng xăng khoáng và một số loại dầu.

Như vậy, nếu dự thảo Nghị quyết được thông qua, từ 1/7 tới đây thuế BVMT áp dụng với các mặt hàng xăng dầu sẽ tăng như sau: xăng từ tăng 3.000 đồng/lít lên kịch khung hiện tại là 4.000 đồng/lít. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu mazut và dầu nhờn từ 900 đồng/lít lên kịch trần là 2.000 đồng/lít; mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/kg lên 2.000 đồng/kg; dầu hỏa từ 300 đồng lên 2.000 đồng/lít.

Cũng theo tính toán của Bộ Tài chính, việc tăng giá xăng dầu sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Cụ thể, với việc tăng này sẽ khiến CPI tháng 7/2018 sẽ tăng khoảng 0,27-0,29% so với tháng 6/2018; CPI bình quân năm 2018 tăng khoảng 0,11-0,15%.

Bình luận về bản báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Tài chính, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng Bộ Tài chính nói đa phần các ý kiến ủng hộ tăng thuế BVMT với mặt hàng xăng dầu là “không sai”. “Họ công bố như vậy thì chắc chắn phải có bằng chứng, có con số thống kê. Còn đây chỉ là các cơ quan mà họ lấy ý kiến, chứ không phải ý kiến của người dân hay các chuyên gia” – TS Nguyễn Minh Phong nói.

Đồng ý với ý kiến trên, nhưng PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) lại vẫn bày tỏ băn khoăn về sự “nhất trí cao” của các bộ ngành, địa phương trong vấn đề này. “Tôi được biết trước kia rất nhiều bộ ngành không đồng tình, nhưng không hiểu sao trong dự thảo lần này lại tới 2/3 đồng tình” – ông Long nói.

Việc tăng thuế BVMT sẽ tác động đến nhiều mặt của nền kinh tế

Cũng theo vị chuyên gia này, khi cần ra một chính sách mới thì đơn vị xây dựng chính sách sẽ phải xin ý kiến các bộ ngành, đơn vị, nhưng không phải bộ ngành nào cũng chuyên sâu về lĩnh vực đó. “Họ đồng ý thì ít nhất phải nêu lý do tại sao đồng ý, cơ quan được xin ý kiến phải thấy được đây là vấn đề cực kỳ quan trọng chứ không phải đồng ý theo cảm tính. Vì vậy, theo tôi ngoài hỏi ý kiến các cơ quan chức năng thì đơn vị soạn thảo còn cần phải hỏi ý kiến của người dân, các chuyên gia chuyên sâu về các lĩnh vực đó” – ông Ngô Trí Long nêu quan điểm.

Chưa đánh giá hết hệ lụy

Về ý kiến cá nhân, chuyên gia Ngô Trí Long cho biết ông không đồng tình với đề xuất của Bộ Tài chính và cho rằng lý lẽ của Bộ này là phiến diện, chưa thuyết phục. “Giá xăng tăng chắc chắn sẽ tác động đến CPI, lạm phát rồi. Nhưng Bộ Tài chính mới chỉ tính một mặt là giá xăng dầu tăng thôi, còn hệ lụy của nó đã tính đến chưa. Xăng dầu là “đầu vào” của cả nền kinh tế, tác động đến mọi mặt đời sống. Giá xăng tăng thì tác động đến người tiêu dùng ra sao, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế như thế nào... Bộ Tài chính đã đánh giá chưa?” – vị chuyên gia đặt câu hỏi.

Cùng quan điểm này, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng đánh giá tác động đến CPI mà Bộ Tài chính nêu chỉ đơn thuần là “đánh giá về mặt kỹ thuật”. “Bộ Tài chính chưa đánh giá được những cái tăng vòng vòng kiểu “té nước theo mưa”. Từ trước đến nay, tăng giá xăng dầu không chỉ tác động lên giá xăng dầu mà còn ảnh hưởng đến nhiều thứ khác” – TS Phong nhận định.

Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng nếu thực sự cần tăng thuế BVMT thì thuế này phải được sử dụng đúng mục đích, cùng với đó là kết hợp giảm thuế TTĐB với xăng E5 để tạo sự cân bằng lợi ích.