Chứng khoán: Có thể chớp cơ hội khi thị trường rung lắc dữ dội

ANTD.VN - Chỉ trong vòng 1 tháng rưỡi, chỉ số VN-Index rơi từ đỉnh 1.200 điểm về sát ngưỡng 900 điểm, đẩy chứng khoán Việt Nam đang từ một thị trường tăng trưởng nhanh nhất trở thành thị trường giảm sâu nhất thế giới. 

Thị trường chứng khoán đã có 50 ngày để “thổi bay” những thành quả gây dựng suốt gần 5 tháng

Đặc biệt, trong tuần qua, các nhà đầu tư đã trải qua những cung bậc cảm xúc trái ngược nhau khi các chỉ số liên tục xuyên thủng các ngưỡng hỗ trợ nhưng đến giữa tuần thì sắc xanh lại bao phủ trên tất cả các sàn.

Khối ngoại bán ròng, nhà đầu tư nhỏ lẻ “hoảng loạn”

Từ mốc trên 900 điểm vào tháng 12 năm ngoái, chỉ số VN-Index đã có những phiên tăng điểm ngoạn mục để chinh phục mốc 1.200 điểm vào ngày 9-4-2018. Tuy nhiên, những thành quả này còn mất ít thời gian hơn để bị “thổi bay”. Chỉ trong vòng 1 tháng rưỡi, từ mốc 1.200 điểm, VN-Index đã “trôi tuột” về 931 điểm vào ngày 28-5 vừa qua, tức là mức giảm lên tới trên 22%. Không ít cổ phiếu có mức giảm mạnh hơn nhiều so với chỉ số, thậm chí giảm hơn 50% như LAF, HSG, TRA, DCL…

Thống kê từ các công ty chứng khoán cho thấy, số lượng cổ phiếu giảm giá trên 50% từ đỉnh hiện là hơn 50 mã. Số mã giảm từ 30-50% là gần 100 mã; những mã giảm từ 10-30% là khoảng 180 mã. Cùng với đà lao dốc về điểm số, chỉ số P/E của thị trường Việt Nam điều chỉnh mạnh và hiện đã giảm xuống dưới mức 18 lần, so với mức 22 lần trước khi diễn ra đợt sụt giảm (ngày 9-4-2018).

“Đây là lúc các nhà đầu tư theo trường phái đầu tư giá trị có cơ hội gia tăng tỷ trọng sở hữu những cổ phiếu cơ bản đang bị định giá thấp. Đó là những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản vững chắc, có bộ máy điều hành có thể xây dựng doanh nghiệp phát triển... để nhà đầu tư gắn bó và gặt hái thành quả”.

Ông Nguyễn Duy Hưng (Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Sài Gòn SSI)

Lý giải về đợt giảm điểm này, Giám đốc Phân tích khách hàng cá nhân một công ty chứng khoán cho biết, yếu tố bán ròng của khối nhà đầu tư nước ngoài chính là nguyên nhân kéo các chỉ số đi xuống. “Có thể thấy thời gian gần đây rất nhiều mã cổ phiếu đã được phát hành, trong đó nhiều mã có vốn hóa lớn. Do vậy, việc khối ngoại bán ròng chủ yếu là để cơ cấu lại danh mục, tái phân bổ các dòng vốn. Tuy nhiên, lượng cổ phiếu được bán ra quá lớn đã vượt quá sức hấp thu của nhà đầu tư nội, khiến mặt bằng giá bị kéo xuống” - vị chuyên gia cho biết.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Sài Gòn SSI cho rằng thị trường giảm điểm thời gian qua là do nguồn cung quá nhiều trong khi cầu không đáp ứng. “Thời gian qua nhiều cổ phiếu đã được phát hành để tận dụng cơ hội thị trường huy động vốn cho doanh nghiệp khiến dòng tiền không vào kịp để đáp ứng nguồn cung, dẫn đến các chỉ số bắt đầu đảo chiều. Việc đảo chiều của các cổ phiếu lớn khiến VN-Index giảm, trong khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ cứ nhìn VN-Index giảm thì tháo chạy để thu hồi tiền” - ông Nguyễn Duy Hưng phân tích.

Trong lúc tâm lý nhiều nhà đầu tư đang “hoảng loạn”, đại diện cơ quan quản lý, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phải lên tiếng trấn an. Theo đó, lý giải đợt giảm điểm mạnh này, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, thị trường đã có giai đoạn tăng trưởng mạnh trong năm 2017 và quý I-2018, vì vậy đợt giảm này nằm trong xu thế điều chỉnh. Cùng với đó, nhà đầu tư cũng có tâm lý chốt lời bán ra. “Bên cạnh đó, lượng cung hàng lớn lên niêm yết trên sàn chứng khoán cũng ảnh hưởng tới diễn biến chỉ số và cần phải có một khoảng thời gian để hấp thụ” - ông Phạm Hồng Sơn nói.

Vì vậy, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán khuyến cáo nhà đầu tư cần bình tĩnh, đầu tư chứng khoán theo giá trị dài hạn. “Thị trường có lên có xuống nhưng vẫn đảm bảo nhờ sự ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ tích cực. Các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả bởi có hơn 90% doanh nghiệp niêm yết 2 sàn đều có tăng trưởng tốt.  Hơn nữa, Chính phủ cũng đã có chỉ đạo quyết liệt cổ phần hóa để đưa hàng hóa chất lượng lên sàn” - ông Phạm Hồng Sơn khẳng định.

Không hẳn đã là thị trường “xấu”

Sau khi cơ quan quản lý phát đi thông điệp “trấn an”, cũng là lúc dòng tiền “bắt đáy” bắt đầu được bơm ra. Thị trường chứng khoán Việt Nam lại có những phiên tăng điểm mà VN-Index tăng trên dưới 20 điểm. Chỉ trong vòng 4 phiên, chỉ số này đã được kéo lên ngưỡng gần 1.000 điểm, chốt tuần ở mức 992,87 điểm.

Dù tâm lý vẫn còn thận trọng, xong nhiều người vẫn tin vào một sắc xanh hy vọng sẽ lan tỏa trong tháng 6. Theo các chuyên gia, có một số yếu tố có thể tác động mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 6. Thứ nhất là các yếu tố của thị trường, từ những thông tin ước tính về kết quả kinh doanh quý II-2018 của các doanh nghiệp niêm yết; việc Techcombank chào sàn vào ngày 4-6, cùng với đó là lịch chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của các doanh nghiệp lớn, một số công ty chứng khoán chào bán sản phẩm chứng quyền có bảo đảm…

Thứ hai là các yếu tố bên ngoài. Trong đó đáng chú ý là khả năng điều chỉnh lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được dự báo có xác suất xảy ra đến 90%. Điều này được dự đoán có thể sẽ dẫn đến làn sóng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi và có thể ảnh hưởng đến diễn biến trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cùng với đó, kỳ đảo danh mục quý II-2018 của các Quỹ ETF ngoại (MVIS và FTSE Vietnam) sẽ ảnh hưởng tới cung cầu của một số cổ phiếu, thị trường chứng khoán trong tháng 6, nhất là khi thị trường xuất hiện thêm một số “tân binh” khá “nặng ký”. “Tuần qua, thị trường đã có những phiên giao dịch tích cực, nhưng trên phương diện phân tích kỹ thuật, tôi cho rằng rất có khả năng đà giảm giá sẽ tiếp tục diễn ra trong những phiên đầu tháng 6. Tôi cho rằng sẽ có một vùng đáy ngắn hạn dưới mức 900 điểm” - Giám đốc Phân tích khách hàng cá nhân một công ty chứng khoán nhận định.

Dù thị trường được dự báo sẽ còn nhiều thử thách, song theo một số chuyên gia khi các chỉ số ở mức thấp không hẳn đã là thị trường “xấu”. Thậm chí đây có thể là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư theo trường phái giá trị khi có cơ hội tiếp cận các cổ phiếu cơ bản. Ông Nguyễn Duy Hưng, trên trang cá nhân của mình đã cho rằng đánh giá một thị trường chứng khoán “tốt” hay “xấu” không chỉ dựa vào sự tăng trưởng của các chỉ số.

“Không thể nói thị trường giảm là thị trường chứng khoán đang xấu, vì rõ ràng chúng ta đang huy động được lượng vốn lớn. Vì nhiệm vụ quan trọng nhất của thị trường chứng khoán là huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng. Nhiều phi vụ tỷ đô được hoàn thành trong thời gian vừa rồi, việc bán vốn của các doanh nghiệp Nhà nước đều đạt kết quả mỹ mãn. Đây là một trong những minh chứng cho rằng năm nay là năm thị trường chứng khoán rất tốt. Chỉ có thể nói do cung - cầu không phù hợp nên thị trường mới giảm điểm” - ông Nguyễn Duy Hưng nêu quan điểm. 

Còn đối với các nhà đầu tư cá nhân nếu đầu tư lướt sóng dựa vào dự đoán tăng giảm của thị trường, ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng, nếu lợi nhuận quá nhanh thì có lúc mất nhanh cũng là bình thường,  thị trường đã tăng sẽ có lúc giảm. Các nhà đầu tư này có thể tham gia đầu tư tại thị trường phái sinh. 

Dù tâm lý vẫn còn thận trọng, xong nhiều người vẫn tin vào một sắc xanh hy vọng sẽ lan tỏa trong tháng 6. Theo các chuyên gia, có một số yếu tố có thể tác động mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 6. Thứ nhất là các yếu tố của thị trường, từ những thông tin ước tính về kết quả kinh doanh quý II-2018 của các doanh nghiệp niêm yết. Thứ hai là các yếu tố bên ngoài, trong đó đáng chú ý là khả năng điều chỉnh lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được dự báo có xác suất xảy ra đến 90%.