Chứng khoán 6-2: Lực mua "bắt đáy" giúp VN-Index "leo" qua ngưỡng 1.000 điểm

ANTD.VN - Phiên chiều nay 6-2, thị trường bắt đầu hồi phục mạnh hơn, lấy lại ngưỡng 1.000 điểm. Thanh khoản thị trường đạt hơn 16.600 tỷ đồng.

Hầu hết các cổ phiếu đều thu hẹp biên độ giảm giá, trên 2 sàn còn 117 mã giảm sàn (thay vì 216 mã trong phiên sáng). VN-Index chốt phiên hôm nay giảm 37,11 điểm (-3,54%), hiện đang ở mức 1.011,6 điểm. HNX-Index ở mức 224,37 điểm, giảm 8,29 điểm (-3.56%)

Một số cổ phiếu giảm sàn trong phiên sáng có sự hồi phục tương đối tốt. Lực mua bắt đáy đã nhanh chóng càn quét hàng triệu cổ phiếu lớn, đẩy giá nhiều cổ phiếu như VCB (Vietcombank), VIC (Vingroup), HPG (Hòa Phát)... tăng. VCB chốt phiên chỉ giảm 700 đồng (-1.1%), còn 62.000 đồng/cp; VIC lấy lại mức 81.100 đồng/cp...

VRE (Vincom Retail) vẫn chạm sàn nhưng khối ngoại đã đổ tiền mua tới 84 triệu cổ phiếu. VNM (Vinamilk) thu hẹp sắc đỏ về 2,6%.

Một số cổ phiếu lấy lại sắc xanh như HPG tăng 1.000 đồng (1,8%); STB (Sacombank) tăng 300 đồng (1,7%); MSN (MaSan) tăng 1.300 đồng (1,5%)...

Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm nay, trên 2 sàn có 442 mã giảm, trong đó 117 mã giảm sàn. Trên UPCoM có 143 mã giảm, 26 mã giảm sàn. Thanh khoản thị trường đạt hơn 16.600 tỷ đồng.

Trước đó, trong phiên giao dịch buổi sáng, VN-Index đã bị “bốc hơi” tới hơn 63 điểm. Có tổng số 448 mã giảm trên hai sàn, trong đó tới 215 mã giảm sàn, chỉ vỏn vẹn 36 mã tăng.

Nhóm 30 cổ phiếu có mức vốn hóa lớn nhất thị trường không một mã nào còn sức kháng cự VN30-Index mất 63 điểm, tương đương 6,08%, 19 trong số 30 mã giảm sàn.

VCB giảm 6,9% (4.300 đồng), chỉ còn 58.400 đồng/cp; GAS giảm 7.800 đồng (-6,9%) còn 104.800 đồng/cp; VJC giảm 12.900 đồng, còn 172.100 đồng/cp; VIC giảm 5.600 đồng còn 75.500 đồng/cp; BID (BIDV) giảm 2.200 đồng còn 29.200 đồng/cp; ROS (FLC Faros) giảm 11.400 đồng, chỉ còn 151.500 đồng/cp.

Đây được cho là những ngày đen tối nhất trong của thị trường chứng khoán Việt Nam khi ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục trong vòng nhiều năm trở lại đây.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, lý do thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm ngoài việc bị ảnh hưởng từ thị trường thế giới, thì còn có nguyên nhân là thị trường Việt Nam thời gian qua tăng điểm mạnh.

Theo đó, hàng loạt cổ phiếu tăng nóng, nhanh hơn so với hiệu quả kinh doanh thì việc thị trường điều chỉnh cũng là hợp lý. Cùng với đó, hàng loạt các công ty lớn Nhà nước thoái vốn, nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia đấu giá sắp đến ngày nộp tiền; nhiều người phải thoát danh mục trước Tết để giảm chi phí margin...

TS Bùi Quang Tín, CEO Trường doanh nhân BizLight thì cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc trong 2 ngày gần đây, mặc dù không ghi nhận nhiều thông tin tiêu cực trong nước chỉ có thể lý giải là do tình trạng margin căng thẳng và sự lao dốc của chứng khoán toàn cầu.

Cụ thể, chỉ trong ngày hôm qua và hôm nay, các sàn chứng khoán trên thế giới giảm trung bình từ 2-5%. Tác nhân chính được cho là đến từ kỳ vọng tăng lãi suất của Mỹ sẽ đến sớm hơn dự kiến, và không phải tăng 3 lần trong năm mà dự kiến sẽ tăng 4-5 lần. Khi lãi suất tăng thì sẽ làm cho giá vốn tăng lên.

Thứ hai, là tình trạng căng thẳng margin khiến nhiều nhà đầu tư phải “bán đổ bán tháo” để trả nợ ngân hàng. Cùng với đó là hiệu ứng Tết Nguyên đán, nhiều nhà đầu tư chốt lời để thu “tiền tươi”; và tâm lý đám đông của các nhà đầu tư Việt Nam, khi một người bán thì sẽ làm cho nhiều người bán theo.

Do đó, chuyên gia này khuyên nhà đầu tư nên hạn chế bán tháo cổ phiếu nếu không chịu áp lực margin. “Theo tôi trong những ngày tới thị trường có thể sẽ vẫn tiếp tục điều chỉnh nhưng biên độ sẽ hẹp dần. Triển vọng thị trường 2018 đến thời điểm này về cơ bản vẫn rất khả quan”, TS Bùi Quang Tín nhận định.

Còn theo ông Nguyễn Duy Hưng, đợt điều chỉnh này là “không lo ngại” vì nền kinh tế Việt Nam vẫn đang rất tốt. , và trong một chừng mực nào đó cũng có tác động tích cực, giúp nhà đầu tư thận trọng tỉnh táo hơn khi tham gia thị trường. Qua đó thị trường sẽ sớm ổn định trở lại và tăng trưởng có chọn lọc, phù hợp với tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.