Hà Nội:

Chung cư, tái định cư chất lượng thấp

ANTĐ - Đó là thông tin được đưa ra chất vấn nhiều nhất trong buổi giám sát của đoàn giám sát Thường trực HĐND TP Hà Nội tại Sở Quy hoạch Kiến trúc ngày 25-9, về công tác quản lý nhà chung cư, đầu tư và quản lý nhà chung cư tái định cư trên địa bàn. Bà Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch HĐND TP làm Trưởng đoàn Giám sát.

Mô hình quản lý nhà chung cư không được nhất quán, thực hiện còn lúng túng

Tính đến thời điểm này, Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước về phát triển nhà ở, với tổng diện tích nhà ở đạt hơn 139 triệu m2, bình quân diện tích nhà ở đạt 20,8m2/đầu người, cao hơn bình quân diện tích nhà ở cả nước (18,6m2/ người). Trong đó, tỷ lệ nhà chung cư ở Hà Nội cao nhất cả nước, với tỷ lệ 16,64%.

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, hiện nay trên địa bàn Thủ đô có khoảng 40 khu đô thị mới (trong đó có hơn 10 khu đã hoàn thành và có dân cư sinh sống), còn khoảng 50 khu đô thị đang trong quá trình triển khai xây dựng, khoảng 80 dự án đầu tư nhà chung cư, tái định cư đã được triển khai đáp ứng khoảng 20.000 căn hộ tái định cư, góp phần giải quyết về chỗ ở cho người dân… Tuy vậy, cơ chế quản lý nhà chung cư, tái định cư trên địa bàn Hà Nội hiện vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, gây thiệt hại cho dân.

Cụ thể, việc áp dụng mô hình quản lý nhà chung cư nói chung không được nhất quán, thực hiện còn lúng túng. Dù đã có quy định về mức thu kinh phí và quản lý vận hành nhà chung cư nhưng mức thu kinh phí bảo trì lại không có và khó thực hiện trong thực tế, đồng thời chưa có chính sách về mức thu kinh phí phù hợp với tính chất của từng dự án nhà chung cư. Ngoài ra, việc quản lý các khu dịch vụ công cộng trong các khu chung cư chưa chặt chẽ, hiệu quả, mâu thuẫn với quyền lợi các hộ dân, thậm chí nhiều dự án nhà chung cư được bàn giao đưa vào sử dụng đã lâu nhưng trong quá trình đầu tư còn thiếu thủ tục dẫn đến chưa hoàn thành được việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho người mua nhà.

Với nhà chung cư tái định cư, hiện nay hầu hết các dự án đã được Sở Quy hoạch kiến trúc chấp thuận quy hoạch kiến trúc nhưng triển khai rất chậm. Đặc biệt, một số dự án được thành phố phê duyệt đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư nhưng sau đó lại được chuyển đổi mục đích xây dựng hoặc điều chỉnh quy hoạch, làm giảm tiến độ đầu tư xây dựng, chẳng hạn như: khu tái định cư số 1 Cổ Nhuế-Xuân Đỉnh, khu tái định cư Xuân La, khu tái định cư tập trung Phú Diễn… Cùng đó, việc xây dựng nhà tái định cư hiện nay đang bị coi nhẹ về chất lượng công trình, thiếu một nội dung quy định cụ thể như một sản phẩm xây dựng với các tiêu chuẩn, tiêu chí về chất lượng, diện tích, đơn giá, chẳng hạn như khu tái định cư Nam Trung Yên hiện bị dân “kêu” rất nhiều về chất lượng. Ông Tuấn thừa nhận, trên địa bàn Hà Nội hiện nay, có thể nhận thấy sự đối lập rõ ràng về diện mạo kiến trúc, mỹ quan đô thị và chất lượng công trình giữa các khu nhà ở chung cư thương mại và khu chung cư tái định cư.

Nhiều đại biểu trong đoàn giám sát đã phản ánh lại những bức xúc từ phía nhân dân rằng, hầu hết Ban quản trị các nhà chung cư ở thành phố hiện nay mới chỉ quan tâm đến khai thác, vận hành mà lờ đi khoản bảo trì, sửa chữa khi nhà có dấu hiệu xuống cấp, các hạng mục hư hỏng. Có đại biểu cho rằng quỹ nhà chung cư, tái định cư của Hà Nội hiện nay tuy nhiều nhưng việc quy hoạch chưa được quan tâm. Chẳng hạn có những hộ dân nằm trong dự án phải giải tỏa ở quận Hoàn Kiếm, Đống Đa nhưng lại bố trí đất chung cư tái định cư cho họ ở tận huyện Hoài Đức.

Lại có đại biểu thẳng thắn chỉ ra rằng, việc điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng phần 20% diện tích đất tái định cư trong các khu chung cư hầu hết đem lại lợi ích cho nhà đầu tư, chủ dự án, trong khi phần thiệt thuộc về dân. Từ đó dẫn đến một kẽ hở là các chủ dự án thường khi nộp hồ sơ lúc đầu thì “chuẩn chỉnh” nhưng sau khi hồ sơ thầu được duyệt rồi thì lại xin điều chỉnh để nâng tầng, nâng mật độ diện tích xây nhà nhằm tăng lợi nhuận, giảm diện tích vườn hoa, công viên…

Tại buổi giám sát, bà Ngô Thị Doãn Thanh đánh giá, tuy Hà Nội đã đạt được tỷ lệ nhà ở chung cư, tái định cư cao nhất cả nước nhưng khâu quản lý, thực hiện lại không quyết liệt, hiệu quả như TP Hồ Chí Minh, vấn đề điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích đất ở các khu chung cư còn hướng về cái lợi cho doanh nghiệp, chủ đầu tư, rồi tiến độ các dự án nhà tái định cư còn chậm, chất lượng còn hạn chế. Bà Ngô Thị Doãn Thanh gợi ý Sở Quy hoạch kiến trúc cần tham mưu cho UBND thành phố tiến hành sơ kết 10 năm xây dựng và đưa vào sử dụng khu chung cư tái định cư Nam Trung Yên để rút kinh nghiệm về quy hoạch và xây dựng khu nhà tái định cư, tránh mắc phải những sai lầm đáng tiếc.