Chủ mới của Metro tại Việt Nam là người Thái Lan gốc Trung Quốc

ANTĐ - Trong khi hàng loạt nhà bán buôn, bán lẻ nước ngoài như: Lotte, Parkson, BigC tiếp tục coi Việt Nam là thị trường màu mỡ liên tục đầu tư vào Việt Nam, mở rộng mạng lưới siêu thị thì Metro - một trong những nhà bán buôn lớn có mặt rất sớm lại quyết định nhượng cho nhà đầu tư Thái Lan. 

Metro đã có lãi trong vụ đầu tư tại Việt Nam

Khó tin kinh doanh thua lỗ

Tập đoàn Metro có mặt tại thị trường Việt Nam năm 2002 với lĩnh vực kinh doanh bán buôn. Theo kế hoạch ban đầu của tập đoàn này, họ sẽ mở 8 trung tâm phân phối tại Việt Nam song đến nay, Metro đã có 19 trung tâm bán buôn trên toàn quốc, vượt mục tiêu đề ra. Phương thức kinh doanh của Metro cũng chuyển từ bán buôn sang vừa bán buôn, vừa bán lẻ (khoảng 10%). 

Theo thông tin từ tập đoàn này, mặc dù doanh số tăng nhưng Metro luôn thua lỗ tại Việt Nam, chỉ có năm 2010 là có lãi 116 tỷ đồng. Năm 2011, doanh số của Metro Cash & Carry Việt Nam đạt 466 triệu euro (12,5 nghìn tỷ đồng) tăng 50 triệu euro (1,35 nghìn tỷ đồng) so với năm 2010. Năm 2012, lỗ lũy kế của Metro Cash& Carry Việt Nam là 254 tỷ đồng trên tổng vốn đầu tư ban đầu là 78 triệu USD.

Khi các nhà bán lẻ nước ngoài khác như: Lotte, BigC, Parkson… kinh doanh và mở rộng hệ thống bán lẻ tại Việt Nam, sức ép cạnh tranh với Metro càng lớn. Trong khi đó, mặc dù bán buôn nhưng giá cả hàng hóa tại Metro không rẻ hơn nhiều so với giá của các nhà bán lẻ khác nên sức hấp dẫn của siêu thị này không cao. Áp lực cạnh tranh cộng với việc kinh doanh thua lỗ đã khiến Metro Cash & Carry Việt Nam chính thức ký kết với Tập đoàn Berli Jcuker (BJC), chuyển nhượng mảng bán buôn tại Việt Nam. 

Theo đó, BJC sẽ tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh của Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam, bao gồm 19 trung tâm phân phối và danh mục bất động sản liên quan, tổng giá trị 655 triệu euro (tương đương 879 triệu USD). Thương vụ sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý và hoàn tất trong nửa đầu năm 2015.

Toan tính có lợi của đôi bên

Bên cạnh việc Metro được Tập đoàn BJC Thái Lan do 
tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi, người gốc Quảng Đông, Trung Quốc làm chủ mua lại, ngành bán lẻ Việt Nam còn có sự tham gia của 2 tỷ phú Thái Lan gốc Trung Quốc khác là ông Dhani 
Chearavanont, sở hữu CP Group và ông Chirathivat, ông chủ Tập đoàn Central Group. Hiện cả 3 tỷ phú này đều đã có liên doanh sản xuất với nhiều doanh nghiệp của Việt Nam.

Một chuyên gia trong lĩnh vực bán buôn bán lẻ phân tích, Metro lý giải kinh doanh thua lỗ là do đầu tư mở rộng mạng lưới. Nếu thông tin này xác thực thì một mặt chứng minh, thị trường Việt Nam đã không đáp ứng được kỳ vọng của Metro khi đầu tư vào đây. Bên cạnh đó, xét về thực chất thị trường, sức mua vẫn tiếp tục ở mức thấp trong nhiều tháng qua, cải thiện chậm thể hiện ở chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng tín dụng, giải quyết việc làm và lương chưa tăng, liệu nhà đầu tư mới có thể xoay chuyển tình hình kinh doanh ảm đạm của Metro mà dám mạo hiểm? Mặt khác cũng cần đặt vấn đề, tại sao thua lỗ kéo dài mà Metro vẫn tiếp tục mở rộng mạng lưới ra gấp hơn 2 lần dự kiến? 

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhìn nhận, việc Tập đoàn BJC của Thái Lan mua lại Metro là bình thường, đặc trưng của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Nhưng xét trên khía cạnh lợi ích, nhà đầu tư Thái Lan có lợi khi mua lại Metro bởi đây là hệ thống bán buôn nổi tiếng ở Việt Nam, có số lượng khách hàng lớn và tương đối ổn định. “Việc mua bán này rất có tính toán và nhà đầu tư đã nhìn thấy lợi” - ông Nguyễn Minh Phong cho hay. Nhà đầu tư có thể chỉ cần phát triển trên nền của chủ cũ, hoặc kết hợp đổi mới trong phương thức kinh doanh để đạt được lợi nhuận cao hơn. 

Về phía Metro, ông Nguyễn Minh Phong cho rằng phần nhiều Metro bán lại vì họ đã hoàn thành “sứ mệnh” kinh doanh của mình tại Việt Nam, biểu hiện ở việc họ không đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng cho hệ thống siêu thị này. “Metro đầu tư hạ tầng rất đơn giản, không quá cầu kỳ và tốn kém. Qua đó thấy rằng họ không có ý định đầu tư dài tại Việt Nam, mà từ thời điểm có mặt đến nay đã hơn chục năm, trong khi họ chỉ cần dưới 10 năm là đã khấu hao hết tài sản”. Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, việc bán lại Metro cho nhà đầu tư mới cũng giúp doanh nghiệp này thu về hàng triệu euro lợi nhuận trước thuế trong năm nay.

Mối lo tràn ngập hàng Trung Quốc

Vậy trong vụ mua bán doanh nghiệp khá đình đám này, người tiêu dùng Việt Nam được hưởng lợi ích gì? Theo ông Nguyễn Minh Phong, hoạt động này sẽ giúp thị trường bán buôn, bán lẻ Việt Nam có thêm sung lực mới, kích thích thay đổi từ đó hoạt động tốt hơn và phát triển mạnh mẽ hơn. Cạnh tranh cao hơn thì người tiêu dùng có thêm lựa chọn mua hàng hóa giá rẻ, chất lượng tốt, dịch vụ hoàn hảo.

Tuy  nhiên trước thông tin mua bán này, đặc biệt là ông chủ của Tập đoàn BJC Thái Lan vốn là người gốc Trung Quốc, không ít người tiêu dùng Việt Nam lo lắng, hàng Thái Lan, hàng Trung Quốc sẽ thống lĩnh các siêu thị này, thay vì tỷ lệ hàng Việt Nam đạt từ 80-95% như hiện nay. Các chuyên gia kinh tế cũng nhận thấy đây là mối lo thực sự, nhất là khi hàng Thái Lan, Trung Quốc có nhiều lợi thế, vẫn tràn ngập thị trường Việt Nam và quyền tự do kinh doanh thuộc về doanh nghiệp. 

Chuyên gia Nguyễn Minh Phong cho rằng, để hạn chế hàng ngoại vào các siêu thị này, các cơ quan quản lý của Việt Nam cần sớm đưa ra hàng rào kỹ thuật, quy chuẩn cho hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam, đồng thời kiểm tra thường xuyên chất lượng hàng, kể cả hàng hóa được đánh giá là tốt, siêu thị làm tốt để đảm bảo cạnh tranh công bằng, đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt.

Tỷ phú Charoen là ai?

Chủ mới của Metro tại Việt Nam là người Thái Lan gốc Trung Quốc ảnh 2

Ông Charoen Sirivadhanabhakdi, sinh năm 1944, là một tỷ phú Thái Lan gốc Quảng Đông, Trung Quốc. Theo tạp chí Forbes, doanh nhân Charoen có tài sản ước tính khoảng 11,3 tỷ USD (cập nhật đến tháng 6-2014), là tỷ phú giàu thứ 2 Thái Lan. 

Tỷ phú Charoen hiện đang sống với vợ và 5 người con. Ông Charoen là con thứ 6 trong một gia đình bán hàng rong có 11 anh chị em, ông phải bỏ học từ năm 9 tuổi để kiếm kế sinh nhai. Tuy nhiên, trên con đường lập nghiệp của mình, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, ông đã được nhiều trường đại học, học viện trao tặng bằng tiến sĩ danh dự, đồng thời được Hoàng gia Thái Lan nhiều lần vinh danh. 

“Đế chế” kinh doanh của ông Charoen gồm 3 công ty ThaiBev hoạt động trong lĩnh vực đồ uống, Berli Jucker (BJC) hoạt động đa ngành và TCC Land trong lĩnh vực bất động sản. Trong đó, ThaiBev được coi là nhà sản xuất bia lớn nhất tại Thái Lan do chính tỷ phú Charoen sáng lập. Charoen cũng sở hữu nhiều bất động sản có giá trị khổng lồ Pantip Plaza ở Bangkok, khách sạn Plaza Athenee tại Manhattan (Mỹ), cùng hàng loạt chuỗi nhà hàng - khách sạn nổi tiếng khác ở Mỹ, Australia và châu Á. Tại châu Á, ông được biết đến như nhà tài phiệt sở hữu nhiều tòa nhà, thương mại và chung cư, đặc biệt ở Thái Lan và Singapore. Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi còn là Chủ tịch của Fraser & Neave, một cổ đông lớn của Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) với 9,5% cổ phần. Công ty TCC Land của ông Charoen còn nắm cổ phần chi phối của khách sạn Melia 5 sao tại Hà Nội, với 65%.