Chống vi phạm pháp luật môi trường trong xuất nhập khẩu

(ANTĐ) - Việt Nam có hệ thống giao thông đa dạng và thuận tiện cho việc vận chuyển và lưu thông hàng hóa với các nước trên thế giới với  khoảng 60 cửa khẩu quốc tế, quốc gia, 49 cảng biển các loại, 5 cửa khẩu quốc tế hàng không và 1 cửa khẩu quốc tế đường sắt. Hàng năm, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam với số lượng rất lớn và đa dạng về chủng loại, trong đó có một số mặt hàng nhập khẩu trái phép có nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người như: máy móc cũ, rác thải công nghiệp, phế liệu bẩn, thực phẩm chưa qua kiểm dịch, các sinh vật lạ… Những mặt hàng này có mức lợi nhuận rất cao nên đã được các doanh nghiệp triệt để lợi dụng những sơ hở của pháp luật và những tác động tiêu cực của các cơ quan chức năng liên quan, bằng mọi thủ đoạn, ngụy trang dưới nhiều hình thức khác nhau với danh nghĩa hợp pháp để thu lợi bất chính. 

Chống vi phạm pháp luật môi trường trong xuất nhập khẩu

(ANTĐ) - Việt Nam có hệ thống giao thông đa dạng và thuận tiện cho việc vận chuyển và lưu thông hàng hóa với các nước trên thế giới với  khoảng 60 cửa khẩu quốc tế, quốc gia, 49 cảng biển các loại, 5 cửa khẩu quốc tế hàng không và 1 cửa khẩu quốc tế đường sắt. Hàng năm, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam với số lượng rất lớn và đa dạng về chủng loại, trong đó có một số mặt hàng nhập khẩu trái phép có nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người như: máy móc cũ, rác thải công nghiệp, phế liệu bẩn, thực phẩm chưa qua kiểm dịch, các sinh vật lạ… Những mặt hàng này có mức lợi nhuận rất cao nên đã được các doanh nghiệp triệt để lợi dụng những sơ hở của pháp luật và những tác động tiêu cực của các cơ quan chức năng liên quan, bằng mọi thủ đoạn, ngụy trang dưới nhiều hình thức khác nhau với danh nghĩa hợp pháp để thu lợi bất chính. 

Một container nhập khẩu rác, ảnh hưởng môi trường bị cơ quan chức năng phát hiện
Một container nhập khẩu rác, ảnh hưởng môi trường bị cơ quan chức năng phát hiện

Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát môi trường đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng như Hải quan, Bộ đội biên phòng, Quản lý thị trường... đấu tranh có hiệu quả đối với một số hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, góp phần ngăn chặn và làm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Năm 2009, đã phát hiện xử lý trên 200 vụ việc, gần 3.000 container, trên 1.000.000 tấn hàng vi phạm về hoạt động xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất trái phép.

Các loại hàng xuất nhập khẩu gây ô nhiễm môi trường chủ yếu là phế liệu từ sắt, thép, nhựa, đồng, nhôm chưa được làm sạch; giấy, cao su, silicon, nilon, máy móc, thiết bị cũ lạc hậu hoặc có chứa chất thải nguy hại vượt tiêu chuẩn cho phép; thực phẩm đông lạnh đã hết hạn sử dụng, hư hỏng hoặc chưa qua kiểm dịch an toàn;  động vật hoang dã quý hiếm hoặc sản phẩm từ động vật hoang dã quý hiếm… Địa bàn được phát hiện và xử lý loại vi phạm này nhiều nhất là Hải Phòng (32 vụ), TP.HCM (23 vụ), Quảng Ninh (17 vụ).

Điển hình là vụ Công ty Cửu Long Vinashin núp dưới danh nghĩa nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng (Nam Định) đã nhập khẩu nguyên nhà máy điện cũ nát được sản xuất từ những năm 1960 ở Hàn Quốc về Việt Nam; trong đó có 1 máy biến thế còn chứa khoảng 4.000 lít dầu poly Chlorinated Biphennyls (PCB), đây là loại hợp chất hữu cơ bền, khó phân hủy rất độc hại đối với sức khỏe con người và môi trường. UBND tỉnh Quảng Ninh đã xử phạt 95 triệu đồng và buộc tái xuất về nước xuất khẩu.

Phương thức thủ đoạn hoạt động vi phạm của các cá nhân, doanh nghiệp luôn thay đổi, tinh vi và đa dạng, nhưng chủ yếu là lợi dụng một số sơ hở quy định của pháp luật. Một số doanh nghiệp lập hợp đồng giả với đối tác khống ở nước ngoài; mở tờ khai hàng hóa khi làm thủ tục thông quan không đúng với nội dung khai báo hàng hóa; ngụy trang sắp xếp hàng hóa trong các container (hàng không vi phạm xếp bên ngoài, hàng vi phạm xếp chứa ẩn bên trong); khai báo là mặt hàng thuộc diện miễn kiểm hoặc kiểm tra xác suất 5 - 10%, nhằm trốn tránh hoạt động kiểm hóa của hải quan khi quan sát bằng biện pháp trực quan.

Trường hợp vi phạm có dấu hiệu bị bại lộ, chủ hàng đã chủ động có văn bản từ chối nhận hàng hoặc khi vi phạm bị phát hiện, chủ hàng khai báo đó là gửi nhầm hàng, nhầm chủng loại... Các đối tượng vi phạm đã triệt để lợi dụng những sơ hở trong các qui định của pháp luật và trong việc kiểm tra, xử lý nên nhiều vụ việc vi phạm đã được trót lọt và được thông quan. Chỉ tính riêng Cảng Hải Phòng, là cảng nằm trong hệ thống 49 cảng biển Việt Nam, hiện nay còn khoảng gần 1.000 container với trên 4.000 tấn hàng có dấu hiệu vi phạm (rác thải, phế thải, ắc quy chì, phế liệu bẩn, bản mạch điện tử, màn hình các loại, thức ăn chăn nuôi, hàng đông lạnh, thậm chí có hàng là thực phẩm hiện không còn sử dụng điện lạnh để bảo quản đã bốc mùi hôi thối…) tồn đọng suốt từ năm 2003 tới nay được coi là hàng tồn, hàng vô chủ, các cơ quan có thẩm quyền không quy được trách nhiệm và xử lý hậu quả thuộc về cơ quan, cá nhân nào, gây thiệt hại rất lớn cho cảng, tốn mặt bằng và kho bãi. UBND thành phố Hải Phòng đã phải chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng tìm biện pháp xử lý, nhưng mới là giải pháp tình thế.

Theo Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an), trong thời gian tới, khi Việt Nam ngày càng hội nhập vào hoạt động kinh tế quốc tế thì hoạt động xuất nhập khẩu càng diễn ra sôi động, bọn tội phạm và các đối tượng cũng triệt để lợi dụng cơ hội này để thực hiện các hành vi xuất nhập khẩu, trong đó chủ yếu là nhập khẩu vào Việt Nam các mặt hàng vi phạm pháp luật về môi trường để trục lợi. Do vậy, các cơ quan chức năng cần thực hiện tốt các mặt quan hệ phối hợp, tiến hành rà soát các văn bản pháp quy có liên quan đến lĩnh vực này hiện đang có sơ hở và bất cập, tạo kẽ hở cho đối tượng vi phạm lợi dụng  gây khó khăn cho công tác phát hiện, xử lý vi phạm.

Cần chú trọng vào nội dung các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn; những điều kiện cần và đủ trong xác định “luồng xanh, luồng đỏ”; những quy trình và điều kiện bắt buộc để xác định trách nhiệm của tổ chức cá nhân trong kiểm hóa xác suất khi giải quyết thông quan hoặc được công nhận là từ chối nhận hàng, hàng vô chủ…; yếu tố làm sạch trong hàng hóa; vấn đề định tính, định lượng để làm căn cư xử lý vi phạm. Cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu bổ sung, sửa đổi các văn bản qui phạm pháp luật phù hợp, kịp thời đáp ứng thực tế công tác phòng chống và xử lý vi phạm pháp luật về môi trường.

Phạm Vũ