Cho vay nặng lãi núp bóng tín dụng tiêu dùng

ANTĐ - Ghi nhận của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho thấy, thời gian qua, số lượng người tiêu dùng phản ánh bị xâm phạm quyền lợi trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng đang gia tăng. Phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi với ông Phan Thế Thắng - Phó trưởng Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh xung quanh vấn đề này.

Cho vay nặng lãi núp bóng tín dụng tiêu dùng ảnh 1Ảnh minh họa

- PV: Tình trạng xâm phạm quyền lợi của người vay tín dụng tiêu dùng trong thời gian qua có dấu hiệu gia tăng. Xin ông cho biết một vài nguyên nhân?

- Ông Phan Thế Thắng: Tình trạng trên xảy ra do một số nguyên nhân sau: Nhu cầu vay tiền của người tiêu dùng đang rất cao, đặc biệt đối với các khoản vay có giá trị nhỏ, vay trả góp để phục vụ nhu cầu như mua sắm thiết bị điện tử gia dụng, máy tính xách tay, điện thoại… Người tiêu dùng có nhu cầu vay các khoản tiền nhỏ thường khó tiếp cận dịch vụ của các ngân hàng vì điều kiện, thủ tục phức tạp, không phù hợp với giá trị khoản vay.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng với tâm lý muốn vay nhanh và thủ tục đơn giản đã bỏ qua các bước kiểm tra, đối chiếu thông tin, không cẩn thận trong việc ký kết hợp đồng và lưu giữ các tài liệu… Để đáp ứng nhu cầu của nhóm người tiêu dùng nêu trên, hiện nay các công ty tài chính đã cung cấp các gói dịch vụ cho vay tiêu dùng với thủ tục và thời gian nhanh gọn, đơn giản. Tuy nhiên, hiện tại, các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng chưa chặt chẽ, dẫn đến hoạt động của các công ty tài chính chưa được kiểm soát.

Cho vay nặng lãi núp bóng tín dụng tiêu dùng ảnh 2

- Ông có thể cho biết thêm về những thiệt hại của người tiêu dùng khi ký hợp đồng vay tín dụng nhưng thiếu thận trọng? 

- Thiệt hại chủ yếu của người tiêu dùng được thể hiện qua 2 khía cạnh. Một là về tài chính: Khi ký kết hợp đồng vay vốn, do không nhận được thông tin hoặc sự tư vấn không đầy đủ nên khi trả nợ, họ bị phát sinh các tranh chấp về lãi phạt. Rất nhiều người đến lúc đó mới biết lãi suất và số tiền mà họ phải nộp định kỳ là rất lớn.Hai là thiệt hại về tinh thần: Nhiều người tiêu dùng cho biết họ liên tục bị các số điện thoại, tin nhắn với nội dung đe dọa, sử dụng từ ngữ mang tính thách thức, gây áp lực hoặc quấy rối với tần suất lớn để đòi nợ. 

- Trong lĩnh vực này, chế tài xử phạt đối với hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng sẽ như thế nào, thưa ông?

- Thời gian qua, khiếu nại của người tiêu dùng phản ánh tới Cục Quản lý cạnh tranh mới chỉ tập trung vào dịch vụ tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính. Theo tôi, hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động tín dụng này chưa được thống nhất và rõ ràng. 

Ví dụ, vấn đề lãi suất cho vay giữa công ty tài chính và người tiêu dùng hiện vẫn đang thiếu thống nhất. Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”. Trong khi đó, Luật Các tổ chức tín dụng lại quy định: “Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất”. Như vậy có nghĩa không có sự khống chế về mức lãi suất cho vay.

Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự quy định về tội cho vay nặng lãi là: “Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên, có tính chất chuyên bóc lột thì bị phạt tiền từ 1 đến 10 lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm. Với trường hợp phạm tội thu lợi bất chính lớn thì phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.

Như vậy việc cho vay nặng lãi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn 2 dấu hiệu: Một là lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên; Hai là có tính chất chuyên bóc lột, được hiểu là người phạm tội lợi dụng hoàn cảnh khó khăn, cấp bách của người đi vay để cho vay với lãi suất cao nhằm thu lợi bất chính.

Mặc dù pháp luật đã có sự quy định rõ ràng như vậy, nhưng thực tế xử lý vẫn còn nhiều khó khăn do hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, đặc biệt là trong hoạt động cho vay tín dụng tiêu dùng, cho vay trả góp.

Không chỉ riêng Việt Nam mà tại nhiều quốc gia, loại hình tín dụng tiêu dùng là một xu hướng phát triển cần thiết và đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, để đảm bảo sự phát triển bền vững, hiệu quả của dịch vụ này, bên cạnh các quy định chặt chẽ của pháp luật thì việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng là một trong những biện pháp quan trọng cần được thực hiện trong thời gian tới.

Trường hợp người tiêu dùng cần khiếu nại, thắc mắc liên quan đến dịch vụ tín dụng tiêu dùng có thể liên hệ Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng của Cục Quản lý cạnh tranh theo số điện thoại 1800.6838.

- Xin cảm ơn ông!