Chớ coi thường hiện tượng tê chân tay

(ANTĐ) - Tê chân tay là hiện tượng khá phổ biến, từ những dạng tê thông thường, nhất thời đến tình trạng nghiêm trọng kèm theo cảm giác đau buốt, khó chịu. Phát hiện sớm nguyên nhân, càng tránh được khả năng phải hứng chịu hậu quả lâu dài.

Chớ coi thường hiện tượng tê chân tay

(ANTĐ) - Tê chân tay là hiện tượng khá phổ biến, từ những dạng tê thông thường, nhất thời đến tình trạng nghiêm trọng kèm theo cảm giác đau buốt, khó chịu. Phát hiện sớm nguyên nhân, càng tránh được khả năng phải hứng chịu hậu quả lâu dài.

Những nguyên nhân chính

Với triệu chứng điển hình là tê chân, tay, có đến 30% số ca bệnh của viêm thần kinh ngoại vi là do bệnh đái tháo đường. Khoảng 2/3 số bệnh nhân đái tháo đường bị tổn hại về thần kinh từ mức độ nhẹ đến nghiêm trọng. Ngoài số người bị tê chân hoặc tay do mắc đái tháo đường, 30% khác là không rõ căn nguyên, còn lại 40% do các nguyên nhân chủ yếu như:

Đứng lâu không thay đổi tư thế.

Thiếu máu cung cấp cho vùng bị tê do mảng bám của chứng xơ vữa động mạch ngăn cản.

Hội chứng kẹt dây thần kinh bao gồm hội chứng ống cổ tay, liệt dây thần kinh trụ, dây thần kinh xương mác hay liệt dây thần kinh quay.

Bệnh thuộc về hệ thống các cơ quan như rối loạn thận, bệnh gan, bệnh về máu, rối loạn các cơ quan mô liên kết, viêm nhiễm mạn tính, mất cân bằng hormone, ung thư hay các u lành chèn lên dây thần kinh.

Thiếu vitamin. Vitamins E, B1, B6, B12 có ý nghĩa cốt yếu đối với chức năng của cơ quan thần kinh. Ví dụ, thiếu vitamin B12 có thể dẫn đến thiếu máu, một nguyên nhân quan trọng dẫn đến viêm thần kinh ngoại vi; trong khi quá nhiều B6 cũng có thể dẫn đến tê ngón tay ngón chân.

Nghiện rượu. Những người nghiện rượu thường thiếu vitamin thiết yếu do thói quen ăn uống thiếu chất, bản thân chứng nghiện rượu có thể gây thương tổn cho hệ thần kinh.

Độc tố. Những loại độc tố có thể có trong cơ thể là chì, arsen, thủy ngân, thallium hay một số hóa chất công nghiệp và môi trường. Chúng cũng bao gồm dược phẩm điều trị như hóa trị để chữa ung thư hay thuốc kháng sinh, kháng virus.

Lây nhiễm, chủ yếu là bệnh zona, herpes và HIV/AIDS.

Bệnh tự dị ứng bao gồm hội chứng Guillain-Barre, bệnh lupus hay thấp khớp.

Chấn thương liên quan đến việc dây thần kinh bị nén, ép dẫn đến đau thần kinh.

Chẩn đoán và điều trị

Nên khám sớm khi triệu chứng tê đi kèm với hiện tượng không thể nhấc nổi cánh tay hay chân; Lơ mơ, thiếu tỉnh táo dù thời gian ngắn, đi tiểu nhiều hơn, càng tê khi đi bộ, gặp các triệu chứng bất thường như mệt mỏi, hoa mắt, co cơ…

Việc đầu tiên là các bác sỹ sẽ tìm hiểu về tiền sử của bệnh, môi trường làm việc và xã hội của bệnh nhân, khả năng nhiễm độc tố, nguy cơ lây nhiễm bệnh cũng như tiền sử gia đình. Bệnh nhân có thể được hướng dẫn xét nghiệm máu (tìm ra bệnh đái tháo đường, thiếu vitamin, rối loạn chức năng gan hay thận cũng như rối loạn chuyển hóa và dấu hiệu bất thường của hệ miễn dịch), kiểm tra hoạt động của hệ thần kinh. Khi cần, có thể chụp CT, chụp cộng hưởng từ hay sinh thiết vùng da có sợi thần kinh để có chẩn đoán chính xác nhất.

Có thể giảm tình trạng tê tay bằng một số phương pháp như: Ngâm tay trong nước nóng có pha muối cho mạch máu nở ra sẽ đỡ tê; Nắm bàn tay lại xoè mạnh thẳng bàn tay và cánh tay ra; Dùng tay trái xoa bóp cho tay phải và ngược lại; Mua bàn  massage để lăn 2 bàn tay và chân hoặc dùng hai quả bóng nhỏ lăn đều trong lòng bàn tay cho khí huyết lưu thông. Lời khuyên khác là duy trì lối sống lành mạnh, trong đó giữ cân nặng ở mức vừa phải, tránh phơi nhiễm độc, có chế độ ăn uống cân bằng, tránh hoặc hạn chế uống nhiều rượu. Bên cạnh đó là bỏ thuốc vì hút thuốc làm siết lại nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho tế bào thần kinh ngoại vi.

Yến Chi

(Theo Webmd)