Chớ coi nhẹ thị trường gần!

ANTĐ - Vậy là Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức thành lập cách đây ít ngày và chỉ cần dạo quanh các chợ, siêu thị thôi là chúng ta đã thấy rõ tác động của cộng đồng này đến thị trường hàng hóa của Việt Nam sẽ không còn ở đâu xa nữa. 

Hoa quả, nông sản bánh kẹo, đồ gia dụng của các nước ASEAN, đặc biệt là hàng Thái Lan, Malaysia xuất hiện ngày càng nhiều và đa dạng trên các kệ hàng hóa. Người tiêu dùng Việt thì đã rất hào hứng đón nhận những mặt hàng từ các quốc gia này vì tin tưởng chất lượng, mẫu mã đa dạng, bắt mắt trong khi giá thành lại rẻ hơn so với hàng hóa châu Âu hay Mỹ. Hơn 23.500 ôtô Thái Lan đã được nhập về trong 11 tháng đầu năm nay, đưa nước này thế chân Hàn Quốc trở thành quốc gia xuất nhiều ôtô nhất sang Việt Nam. Dự kiến trong thời gian tới, con số này sẽ tăng lên gấp nhiều lần.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy Thái Lan hiện đứng đầu trong khối về xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam với kim ngạch 11 tháng đầu năm đạt 7,5 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, nhập siêu từ thị trường này đạt 4,5 tỷ USD, tăng 40%. Tương tự, Malaysia 11 tháng năm nay nhập siêu 500 triệu USD, trong khi cùng thời điểm năm ngoái chỉ nhập siêu 140 triệu USD. Việt Nam nhập khẩu 5,5 tỷ USD từ các nước ASEAN, tăng 45% so với năm ngoái và đứng thứ ba trong các thị trường nhập siêu lớn, sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Những mặt hàng nhập khẩu chính từ các nước là hoa quả, bánh kẹo, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, sản phẩm điện tử & linh kiện, hàng điện gia dụng, ôtô, linh kiện và phụ tùng ôtô...

Từ ngày 31-12, khi AEC chính thức hình thành, kế hoạch gỡ bỏ thuế của các nước sẽ bắt đầu lộ trình để hướng tới thành lập một khu vực kinh tế chung với hơn 640 triệu dân, tổng kim ngạch thương mại hơn 2.500 tỷ USD. Trong khi đó, sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước thấp, nhận thức và khả năng tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại chưa cao. Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trong hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương đã bày tỏ lo ngại trước việc hiện nay các nước ASEAN rất quan tâm đến giao thương nội khối, trong khi đó doanh nghiệp của Việt Nam lại dành sự quan tâm đến các thị trường xa như EU, Mỹ. 

Không còn thời gian thờ ơ nữa nếu các doanh nghiệp Việt không muốn phải rời chính sân nhà. Thách thức không chỉ đặt ra với năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp mà ngay với năng lực của các cơ quan quản lý Nhà nước. Nếu không tăng cường bộ máy để giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan, chúng ta sẽ không thể bảo vệ thị trường trong nước.