Chính sách thuế thay đổi chóng mặt, nhiều văn bản ban hành nhưng doanh nghiệp... không biết!

ANTD.VN - Những thay đổi nhanh chóng của chính sách, pháp luật thuế khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc cập nhật thông tin để tuân thủ. Nhiều nghị định, thông tư về thuế vừa ra đã chỉnh sửa bổ sung; văn bản ra lúc  nào doanh nghiệp cũng không biết.

Đây là một trong những khó khăn được ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu ra tại Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2017 do VCCI phối hợp Bộ Tài chính tổ chức sáng nay, 28-11 tại Hà Nội.

Cải cách quá nhanh, doanh nghiệp không nắm bắt kịp

Theo đó, cùng với việc ghi nhận những cải cách thủ tục hành chính đi đầu của Bộ Tài chính trong cả hai lĩnh vực thuế và hải quan thì qua các chương trình lấy ý kiến khảo sát, tập hợp các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, VCCI cho biết, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, về chính sách, pháp luật thuế, dù những thay đổi trong thời gian gần đây đã theo hướng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhưng bản thân những thay đổi nhanh chóng cũng khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc cập nhật thông tin để tuân thủ.

“Nhiều doanh  nghiệp cho biết “có nhiều nghị định, thông tư về thuế vừa ra đã chỉnh sửa bổ sung; văn bản ra lúc  nào doanh nghiệp cũng không biết”. Đ

iều đó khiến cho nhiều doanh nghiệp nắm bắt không kịp các thay đổi về thủ tục, chính sách thuế nói riêng và thay đổi pháp luật liên quan đến sản xuất kinh doanh nói chung” – ông Đoàn Duy Khương cho biết.

Bên cạnh đó, các thông tư hướng dẫn về thuế của Bộ Tài chính cũng thường được ban  hành chậm hơn so với thời hạn hiệu lực thi hành quy định tại các văn bản Luật, Nghị định làm cho các doanh nghiệp phải điều chỉnh nhiều nghiệp vụ kinh tế đã phát sinh, theo đó phải điều chỉnh hóa đơn, chứng từ làm mất thời gian và gây khó khăn trong thực hiện.

Nhiều vướng mắc về thủ tục thuế đã được doanh nghiệp nêu ra tại Hội nghị đối thoại

Để áp dụng cho một tình huống cụ thể, doanh nghiệp phải tìm hiểu quá nhiều thông tư, nghị định để biết những quy định về thuế hiện tại. Do quy định, hướng dẫn về các loại thuế còn dàn trải ở nhiều thông tư, nghị định của các năm khác nhau, trong khi đó, một số lĩnh vực lại chưa rõ ràng cụ thể hoặc lại chồng chéo dẫn đến khó thực hiện cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cho biết một số chính sách có liên quan chưa phù hợp. Cụ thể như giá thuê đất tăng quá nhanh, gây ảnh hưởng lớn tới doanh thu và chi phí của doanh nghiệp. “Tăng giá tiền thuê đất thì phải báo trước cho doanh nghiệp, đằng này năm 2016 doanh nghiệp nhận được quyết định tăng giá tiền thuê đất nhưng lại bắt đầu tăng từ ba năm về trước” – đại diện VCCI nêu ví dụ.

Cần linh hoạt trong xử phạt doanh nghiệp vi phạm

Việc cơ quan thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế niêm phong hóa đơn cũng được đại diện các doanh nghiệp kiến nghị cần có sự điều chỉnh linh hoạt. “Khi doanh nghiệp nợ thuế, cơ quan thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế niêm phong hóa đơn, doanh nghiệp không có hóa đơn để xuất thu hồi được tiền của khách hàng đang nợ, không có tiền nộp thuế, không có tiền trả tiền vay ngân hàng. Ngân hàng kiện ra tòa, thi hành án kê biên hết tài sản, đẩy đoanh nghiệp vào tình thế phá sản, trường hợp đó Nhà nước không thu hồi được thuế, người lao động mất việc làm” – báo cáo của VCCI cho biết.

Do vậy, đại diện doanh nghiệp đề nghị cơ quan thuế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan để tiến hành xác định nguồn thu của doanh nghiệp đang nợ thuế, nếu có nguồn thu thì cơ quan thuế phong tỏa tài khoản và cho phép doanh nghiệp xuất hóa đơn để thu hồi tiền từ các nguồn thu của bên thứ 3, yêu cầu bên thứ 3 cam kết chỉ chuyển tiền thanh toán cho doanh nghiệp đang nợ thuế vào tài khoản do cơ quan thuế đang phong tỏa, quản lý…

Về mức phạt khoản tiền chậm nộp hiện nay được cho là quá cao khiến doanh nghiệp gặp thêm khó khăn về kinh doanh. Vì vậy, VCCI kiến nghị cơ quan thuế nên xem xét, đánh giá tình hình của doanh nghiệp để có thể miễn, giảm khoản mức phạt khoản tiền chậm nộp để doanh nghiệp có thể vượt qua giai đoạn khó khăn. Cần bỏ mức phạt chậm nộp đối với các khoản thanh toán mà ngân sách nhà nước còn nợ doanh nghiệp.

"Cũng có một số doanh nghiệp cho biết, nhiều lỗi sơ suất nhỏ nhưng bị nộp phạt nặng. Cơ quan thuế có chức năng giám sát việc thực hiện nghĩa vụ thuế cua doanh nghiệp, nên gửi văn bản nhắc nhở doanh nghiệp, quy đinh thời gian thực hiện sau khi gửi văn bản, nếu gửi văn bản đủ 3 lần mới ra văn bản xử phạt.

Về thanh tra, kiểm tra thuế, các doanh nghiệp kiến nghị nên nhanh chóng, gọn nhẹ và đúng mục đích. “Trong một số trường hợp, thanh tra, kiểm tra thuế quá chậm, đến khi kiểm tra sau 5 năm thậm chí 10 năm mới kiểm tra thì tính phí nộp chậm/ngày của chi phí không hợp lý, khiến bị truy thu vừa tiền lãi chậm nộp lên hơn 100 triệu chẳng hạn thì doanh nghiệp chỉ còn nước phá sản” – VCCI cho biết.