“Chiêu” làm sạch tai bằng nước

(ANTĐ) - Phương pháp xối nước hay ôxy già vào tai để thanh toán ráy tai đang được phổ biến ở nhiều hàng cắt tóc, gội đầu gần đây khiến nhiều khách hàng lâm vào cảnh khóc dở mếu dở. Vấn đề đặt ra là nếu nước chảy vào tai có gây bệnh gì cho tai không và biện pháp phòng tránh như thế nào?

“Chiêu” làm sạch tai bằng nước

(ANTĐ) - Phương pháp xối nước hay ôxy già vào tai để thanh toán ráy tai đang được phổ biến ở nhiều hàng cắt tóc, gội đầu gần đây khiến nhiều khách hàng lâm vào cảnh khóc dở mếu dở. Vấn đề đặt ra là nếu nước chảy vào tai có gây bệnh gì cho tai không và biện pháp phòng tránh như thế nào?

Làm sạch tai nên đến chuyên khoa, không nên tự ý ngoáy tai thường xuyên tại nhà

Làm sạch tai nên đến chuyên khoa, không nên tự ý ngoáy tai thường xuyên tại nhà

Hoảng vì “bơm nước” thủ công

Sau khi lấy ngón tay còn nguyên bọt dầu gội đầu xoa vào lỗ tai, cô nhân viên hàng gội đầu từ từ tia nước vào lỗ tai cho khách để rửa tai. Nhiều người rất thích “chiêu” này vì sau đó, nghiêng đầu cho nước chảy ra, lấy bông ngoáy nhẹ, ráy tai sẽ theo đó mà ra, cảm giác tai sạch sẽ và nhẹ nhõm hơn hẳn. Nhưng không thể ngờ, thói quen này đã khiến chị Thùy Chi ở Ba Đình, Hà Nội bị một phen hoảng hồn. Số là tự dưng thấy tai ngứa ngáy, ù tai, chị Chi không để ý đến nhưng tai ngày càng đau nhức dữ dội, không chịu nổi. Chỉ đến khi khám bệnh, chị mới được các bác sỹ chuyên khoa cho biết, ráy tai của chị thuộc dạng khô, trong quá trình phun nước vào tai, ráy tai gặp nước nở phồng ra, bịt kín tai, cùng với nước ẩm nó suýt trở thành một ổ dịch, may mà phát hiện kịp thời.

Anh Hải Nam, 30 tuổi ở quận Đống Đa lại có một bài học nhớ đời khác. Đó là tranh thủ mỗi lần cắt tóc, anh lại nhờ mấy bác phó cạo làm sạch tai. Được cạo rửa tai bằng nước ôxy già, anh nghe nó sôi xèo xèo thật đã. Thế là về nhà, anh cũng tăng cường dùng ôxy già rửa tai. Cũng từ đấy, tai ngứa ngáy kinh khủng, cứ vài bữa là ước gì có vật gì chọc vào cho đỡ ngứa. Lúc đầu không hiểu vì sao, sau mới biết là do ôxy già có tính sát khuẩn cao và "sát" luôn tế bào non trong tai, nghĩa là nó làm hoại tử vùng da non, ít ngày sau lớp da đó đóng vảy và gây ngứa. Sau khi ngưng hẳn cái trò dại dột kia, tai anh không bao giờ bị ngứa nữa và thầm nhủ, câu chuyện rửa tai bằng oxy già đúng là tối kiến của mấy bác phó cạo.

Mục tiêu bơm nước vào tai để làm sạch tai không còn xa lạ trong y khoa. Hầu như ai cũng có ráy tai. Đây là chất tự nhiên do cơ thể sinh ra để giữ độ ẩm, chống nhiễm khuẩn cho vùng tai ngoài và ngăn ngừa vật lạ lọt vào lỗ tai. Thông thường, ráy tai có cơ chế tự làm sạch, nhưng đôi khi, chúng bị đông cứng, làm bít tắc ống tai, gây điếc tạm thời và đau tai. Để tránh tình trạng này, bác sĩ sẽ dùng một ống tiêm bơm nước vào tai để đẩy ráy tai ra ngoài. Một nghiên cứu của các nhà khoa học Hà Lan về kỹ thuật "ngâm tai trong nước" mới đây cho rằng: Đổ nước ngập tai, dùng bông bịt chặt lại và ngồi im trong vòng 15 phút là giải pháp tối ưu để thanh toán ráy tai. Tuy nhiên, theo chỉ định, chỉ rửa tai khi ống tai bị lấp kín bởi mủ khô, bởi ráy tai, bởi dị vật và tốt nhất là do giới chuyên khoa thực hiện.

Cẩn thận khi nước vào tai

Thực tế trong cuộc sống, nước rất có thể lọt vào tai khi tắm gội hay bơi lội. Với nhiều người, nước vào ống tai sẽ gây cảm giác cứ nghe thấy cái gì xạo xạo trong tai, ù tai làm cho khó chịu. Sau khi bị nước vào tai mà lau chùi nhiều, lớp biểu bì bảo vệ ống tai bị tổn thương làm vi khuẩn xâm nhập vào ống tai ngoài gây viêm ống tai, dẫn đến ngứa rồi đau nhức. Không kể ráy tai nhiều, đang khô gặp nước sẽ nở ra chèn ép ống tai ngoài gây ù tai, nghe kém và đau tai. Nếu màng nhĩ bị thủng sẵn do viêm tai giữa, khi tắm nước vào tai sẽ gây viêm tái phát, biểu hiện bằng chảy mủ tai vàng xanh, ù tai, giảm mức độ nghe.

Nếu nước vào tai ít, chỉ cần nghiêng đầu, kéo vành tai xuống lắc lắc là nước sẽ ra ngoài, phần nước còn lại sẽ được hấp thu bởi tổ chức dưới da của ống tai ngoài. Nếu dùng biện pháp đó mà vẫn cảm thấy nước vẫn còn trong ống tai, dùng một miếng bông khô đặt ở cửa tai để hút nước từ ống tai ra, tuyệt đối không được lau hay ngoáy tai. Cần chú ý không để nước lọt vào tai, nhất là những người đang bị viêm nhiễm bên trong lỗ tai. Nếu vẫn thấy khó chịu phải đến bác sĩ tai mũi họng khám.

Về vấn đề chăm sóc tai hàng ngày, khi có quá nhiều ráy tai, bạn có thể nhỏ vào tai vài giọt thuốc lấy ráy tai (hiện khá phổ biến ở các cửa hàng thuốc), nếu không bạn cũng có thể dùng nuớc khử trùng hay nước muối cũng được. Các giọt thuốc nhỏ vào tai chỉ có công dụng làm lỏng ráy tai mà thôi, còn thường ra tai sẽ làm tiếp công việc đẩy ráy tai ra ngoài. Các bác sĩ khuyên không nên dùng bất cứ vật gì để ngoáy và lấy ráy tai bởi ngay cả các que bông mềm cũng có thể làm thủng màng nhĩ.

Yến Chi