"Chiến tranh thương mại" Mỹ - Trung Quốc sẽ tác động nhiều mặt đến Việt Nam

ANTD.VN - Cuộc "chiến tranh thương mại" Mỹ- Trung Quốc vừa bùng nổ có thể tạo ra những ảnh hưởng theo hướng tiêu cực tới kinh tế Việt Nam.

Việt Nam có thể tăng nhập siêu từ Trung Quốc trong các tháng tới

Chiều 11-7, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý II-2018.

Nên theo đuổi chính sách mềm dẻo

Báo cáo đưa ra nhận định, Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác thương mại đặc biệt quan trọng với Việt Nam. Trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với khoảng 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu, Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc với khoảng 1/4 tổng kim ngạch nhập khẩu.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành- Viện trưởng VEPR cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và sự mất giá của đồng CNY thời gian qua có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tính tới cuối quý II-2018, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm khoảng 30 tỷ USD so với quý I. Điều này có thể phản ánh thế bị động của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) trong sự kiện đồng CNY mất giá mạnh so với USD. Khả năng lớn là khối ngoại đã bắt đầu rút vốn khỏi Trung Quốc khiến PBoC phải giảm dự trữ ngoại hối để giữ giá đồng CNY.

"Hiện nay, đồng VND đang được "neo" giá theo đồng USD. Khi đồng CNY mất giá mạnh, cán cân thương mại của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do hàng hóa Trung Quốc giá rẻ ồ ạt chảy vào thị trường nội địa"- ông Nguyễn Đức Thành nói.

Để đối phó với tình huống này, VEPR đưa ra gợi ý: "Chính sách giảm giá đồng VND đối với USD ở mức vừa phải và thấp hơn mức giảm giá của đồng CNY so với USD. Với đặc thù là một nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc để chế biến và xuất khẩu, việc điều chỉnh tỷ giá như vậy khiến các nhà nhập khẩu nguyên liệu có lợi từ thị trường Trung Quốc, đồng thời các nhà nhập khẩu có lợi thêm từ việc xuất khẩu sang Mỹ. Việc tận dụng hai thị trường lớn này có thể cải thiện sản xuất và cán cân thương mại".

Lý giải cụ thể hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thành cho biết, đồng CNY giảm giá, hàng Trung Quốc có thể nghẽn và đẩy sang Việt Nam. Việt Nam phải chủ động trong việc này do hàng Trung Quốc có thể cạnh tranh.

Tiền Trung Quốc giảm giá, tiền Mỹ tăng càng làm hàng hoá rẻ hơn. Nếu như mổ xẻ cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam, đa số ta nhập từ Trung Quốc hàng tiêu dùng và nguyên liệu sản xuất. Nếu Việt Nam vẫn có thể xuất khẩu sang Mỹ vẫn với giá như vừa qua, nguyên liệu rẻ mà hàng bán ra vẫn giữ giá như vậy chúng ta vẫn có có lợi.

"Việt Nam nên theo đuổi chính sách mềm dẻo, giảm giá VND so với USD nhưng không giảm mạnh bằng CNY. Ví dụ, CNY giảm 10%, Việt Nam có thể giảm 5%. Tuy nhiên, trên thực tế, mức giảm giá của VND có thể chấp nhận được từ mức 2-3%. Đặc biệt, nửa cuối năm nay, cần quan tâm đến tỷ giá và lãi suất, vì rủi ro rất nhiều"- ông Nguyễn Đức Thành nêu quan điểm. 

Nhập siêu và thị trường chứng khoán sẽ biến động

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung chắc chắn tác động đến Việt Nam. "Dòng đầu tư vào Việt Nam có thể chịu tác động và khó tính toán. Có thể có những dòng đầu tư sang để biến Việt Nam thành "bia đỡ đạn", né tránh việc Mỹ đánh thuế"- bà Phạm Chi Lan nói. 

Chuyên gia tài chính, ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu lại cho rằng, mặc dù CNY đã xuống giá mạnh trong những tháng đầu năm nay nhưng Trung Quốc vẫn còn nhiều room để phá giá đồng CNY và dùng chính sách đồng CNY rẻ để phá giá với Việt Nam.

"Tôi e rằng việc nhập siêu với Trung Quốc sẽ mạnh hơn. Từ nay đến cuối năm, cuộc chiến tranh thương mại tiếp tục và biện pháp đáp trả của Trung Quốc mạnh mẽ hơn, tôi e rằng Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng CNY và ảnh hưởng rất nhiều đến Việt Nam"- ông Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng cho rằng, đồng CNY giảm cũng lập tức ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Khi thị trường chứng khoán tăng điểm ở thị trường truyền thống, nhà đầu tư sẽ đổ vốn vào thị trường cận biên, mới nổi như Việt Nam nhưng ở chiều ngược lại khi thị trường truyền thống rớt giá họ đã bán tháo ở các thị trường cận biên. Nhà đầu tư tại Mỹ rút tại thị trường chứng khoán Mỹ nhiều. 

Ông Nguyễn Trí Hiếu cho hay: "Mỗi lần có tuyên bố của Mỹ và đáp trả của Trung Quốc thì thị trường chứng khoán lại rung lắc. Khi thị trường chứng khoán thế giới giảm điểm thì thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm, nên VN- Index có liên quan chặt chẽ với chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc".

Đây cũng là một trong những lý do khiến chỉ số VN-Index tại Việt Nam những ngày qua giảm quanh mức 900 điểm, trong khi tăng trưởng vượt bậc trong quý I-2018 và kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định.