"Chỉ mặt, điểm tên" những thủ đoạn chuyển giá, trốn thuế tinh vi của doanh nghiệp lớn

ANTD.VN - Dù có những dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá, nhưng các cơ quan chức năng Việt Nam lại chưa thể “chỉ mặt, điểm tên” vì thủ đoạn chuyển giá ngày càng tinh vi, trong khi Việt Nam vẫn thiếu hành lang pháp lý, thiếu cơ sở dữ liệu.

"Chỉ mặt, điểm tên" những thủ đoạn chuyển giá, trốn thuế tinh vi của doanh nghiệp lớn ảnh 1

Càng lỗ càng mở rộng đầu tư

Với chủ trương mở cửa hội nhập khuyến khích, thu hút vốn đầu tư, trong những năm qua, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam ngày càng tăng, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Trong đó, các công ty đa quốc gia luôn chiếm một tỷ trọng đáng kể.

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, khu vực doanh nghiệp FDI đóng góp khoảng 20% GDP, khoảng 45% sản lượng công nghiệp và 1/4 tổng đầu tư xã hội hàng năm. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, khu vực FDI hiện chưa tạo được sức lan tỏa, mức độ động viên vào ngân sách Nhà nước còn thấp, kèm theo đó là các doanh nghiệp FDI luôn báo lỗ và có dấu hiệu lạm dụng chính sách giá chuyển giao nội bộ để chuyển giá quốc tế.

Việc “chỉ mặt, điểm tên” những doanh nghiệp chuyển giá, trốn thuế không dễ. Bằng chứng là hàng loạt “ông lớn” FDI, dù nghi vấn chuyển giá tới 20 năm nhưng không tìm được bằng chứng.

Số liệu phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp FDI từ 2012-2016 được cơ quan chức năng công bố cho thấy, số lượng doanh nghiệp FDI báo lỗ hàng năm từ 44-51%. Đặc biệt, năm 2015, có tới 51% và năm 2016 có tới 50% doanh nghiệp FDI báo lỗ. Tốc độ tăng của quy mô đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp báo lỗ và doanh nghiệp lỗ lũy kế cao hơn tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp báo lỗ và doanh nghiệp lỗ lũy kế cho thấy tình trạng chuyển giá của khu vực FDI ngày càng gia tăng và phức tạp.

Theo Thạc sĩ Trần Khánh Hòa, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kiểm toán Nhà nước, việc nhận diện và triển khai các giải pháp ứng phó với chuyển giá tại Việt Nam bắt đầu được xem xét vào đầu năm 2010 và trở thành vấn đề “nóng” trong dư luận xã hội từ khoảng năm 2012. Những nghi án chuyển giá lớn có thể kể đến các doanh nghiệp FDI như Coca-Cola, PepsiCo, hệ thống siêu thị Metro, BigC… Các dấu hiệu đặc thù như: Thường xuyên báo lỗ trong nhiều năm nhưng vẫn tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh; tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu không đáng kể; tỷ lệ đóng góp vào ngân sách Nhà nước thấp, trong khi tổng dự án và tổng kinh phí đầu tư khá cao…

Những nghi vấn chuyển giá 

Chỉ rõ những dấu hiệu, Thạc sĩ Trần Khánh Hòa cho hay, những doanh nghiệp dính nghi vấn chuyển giá thường có những dấu hiệu điển hình như: Lỗ trên 3 năm hoặc lỗ âm nguồn vốn chủ sở hữu nhưng vẫn hoạt động và tăng doanh thu, tăng quy mô doanh nghiệp; Có hiệu quả kinh doanh không đáng kể nhưng luôn có sự tài trợ từ các khoản vay của công ty liên kết, công ty mẹ hoặc các bên có góp vốn, đầu tư; Các công ty chỉ có một hoặc ít khách hàng trong nhiều năm liên tục thường bán sản phẩm chỉ bằng giá thành sản xuất; Cùng một hàng hóa dịch vụ trong doanh nghiệp nhưng giá bán thị trường nội địa cao hơn giá xuất khẩu; Công ty có các khoản phải thu, phải trả nhiều năm không thanh toán nhưng vẫn có giao dịch phát sinh; Xuất xứ hàng hóa có sự tham gia từ 3 nước khác nhau trở lên.

Minh chứng cho điều này phải kể tới Công ty Coca-Cola Việt Nam. Trong 20 năm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, Coca-Cola liên tục báo lỗ. Lỗ lũy kế tính đến 30-9-2011 của công ty lên tới 3.768 tỷ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỷ đồng. Vì lỗ liên tục nên doanh nghiệp này không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi doanh thu liên tục tăng từ 20-30% mỗi năm. Đáng chú ý là dù lỗ lớn nhưng doanh nghiệp này đã có kế hoạch đầu tư thêm 300 triệu USD tại Việt Nam.

Nói thêm về trường hợp Coca-Cola, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng về mặt kỹ thuật thì lẽ ra Coca-Cola Việt Nam đã phải phá sản. Nhưng thay vì đóng cửa hay thu hẹp quy mô hoạt động, năm 2014 Coca-Cola tiếp tục đầu tư thêm 210 triệu USD để mở rộng kinh doanh ở Việt Nam. Điều này đặt ra cho các cơ quan thuế Việt Nam về nghi vấn chuyển giá của công ty này. Tuy nhiên, về mặt bằng chứng để chứng minh Coca-Cola Việt Nam chuyển giá lại rất yếu. “Sau nhiều nỗ lực đấu tranh của phía Việt Nam, đến năm 2013 Coca-Cola Việt Nam đã bắt đầu báo lãi và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho Chính phủ Việt Nam”, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn cho biết. 

Tương tự Coca-Cola, PepsiCo Việt Nam cũng liên tục kê khai lỗ và không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp suốt 20 năm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Thế nhưng PepsiCo Việt Nam vẫn tiếp tục đầu tư thêm nhiều nhà máy mới ở các tỉnh/thành khác trong cả nước để mở rộng thị phần. Một số năm gần đây, doanh nghiệp này mới có lãi, nhưng tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu rất thấp, chỉ trên 2%. Việc tìm các bằng chứng để chứng  minh PepsiCo Việt Nam chuyển giá cũng khó khăn không kém so với Coca-Cola Việt Nam.

Giống như các trường hợp trên, hàng loạt các “ông lớn” FDI khác cũng nằm trong nghi vấn chuyển giá, như Metro Việt Nam, Adidas Group, Keangnam Vina, Công ty TNHH Sumitomo Bakelite Việt Nam, Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam...

Không dễ “chỉ mặt, điểm tên”

Theo TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, những nước phát triển như Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức chuyển giá hơn các nước phát triển. Thứ nhất là hành lang pháp lý chưa hoàn thiện nên không tạo được một cơ chế vừa khuyến khích tuân thủ thuế, vừa tạo sự chặt chẽ trong quy trình pháp lý để đấu tranh với hoạt động chuyển giá. Thứ hai là các nước đang phát triển thường rất muốn thu hút các nhà đầu tư, thậm chí thu hút bằng mọi giá, với rất nhiều ưu đãi về thuế, trong khi đó việc quản lý thuế bị buông lỏng, thiếu giám sát.

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng ở Việt Nam, địa phương nào cũng muốn cấp phép ưu đãi, tạo ra dạng “kéo nhau xuống đáy” ở cấp độ địa phương, còn ở cấp độ Nhà nước thì tạo ra tình trạng “da báo” trong môi trường thuế. Sự chênh lệch về thuế suất giữa các quốc gia, giữa những đối tượng khác nhau trong một quốc gia, những quy định về mức thuế suất ưu đãi, miễn giảm thuế... đã tạo động cơ tránh thuế, không chỉ với doanh nghiệp FDI mà cả các doanh nghiệp đầu tư trong nước. Tuy nhiên, việc “chỉ mặt, điểm tên” những doanh nghiệp chuyển giá, trốn thuế không dễ. Bằng chứng là hàng loạt “ông lớn” FDI kể trên, dù nghi vấn chuyển giá tới 20 năm nhưng không tìm được bằng chứng.

Theo TS. Lê Xuân Trường, Học viện Tài chính, những khó khăn đến từ cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Có thể kể đến như: cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho hoạt động quản lý Nhà nước lạc hậu không đáp ứng yêu cầu quản lý; Việc thu thập, sàng lọc thông tin doanh nghiệp khó khăn; Hành lang pháp lý về chống chuyển giá chưa hoàn thiện; Chưa xây dựng được hệ thống dữ liệu thông tin đầy đủ về người nộp thuế nói chung và phục vụ cho hoạt động chống chuyển giá nói riêng...

“Những năm gần đây, ngành thuế đã có nhiều nỗ lực trong việc thu thập, xử lý và lưu giữ hệ thống thông tin về người nộp thuế làm cơ sở cho hoạt động quản lý thuế. Bước đầu đã hình thành cơ sở dữ liệu về người nộp thuế, song kho dữ liệu này còn khá nghèo nàn. Nguồn thông tin có được chủ yếu từ lịch sử chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế và từ quá trình thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế, chưa có được nguồn thông tin đa dạng và cập nhật kịp thời từ các cơ quan quản lý Nhà nước và các nguồn cung cấp thông tin khác” - TS. Lê Xuân Trường cho biết.

Vì vậy, theo chuyên gia này, để đấu tranh với các thủ đoạn chuyển giá ngày càng tinh vi, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về kiểm soát chuyển giá. Cùng với đó là thu hẹp các ưu đãi thuế; hoàn thiện hệ thống thông tin dữ liệu về người nộp thuế.