“Chết” trên sàn vàng ảo

ANTĐ - Sân bay Tân Sơn Nhất ngày 29-9 đông nghịt người. Máy bay từ Singapore vừa hạ cánh. Một ông trung niên với đôi mắt buồn, vai khoác một túi du lịch nhỏ. Vừa ra khỏi cửa cách ly, một nhóm người ùa ra đón. Những câu hỏi tới tấp: Có tìm được không? Có gặp không? Bên ấy có văn phòng không?... Lắc đầu chán nản, người đàn ông nói như không ra hơi: Không có, không có gì cả. 

Sau gần một năm đầu tư tại Việt Nam, sàn vàng và ủy thác đầu tư ETC, theo hồ sơ giao dịch đến thời điểm trước khi bỏ trốn, số tiền người chơi đóng vào sàn ETC đã xấp xỉ 3 triệu USD. Khi tiền vào đầy túi, cuối năm 2012, sàn ETC bất ngờ đóng hệ thống và ngưng kết nối với tất cả các tài khoản. Không còn văn phòng, điện thoại tắt... Vừa rồi, nhận được tin văn phòng của ETC mở lại ở Indonesia, các nạn nhân góp tiền cử một người sang tận nước bạn tìm những kẻ lừa đảo, ai ngờ tìm không thấy, đến các cơ quan quản lý doanh nghiệp hỏi cũng không ai biết. Nhưng đó cũng chỉ là số nhỏ những nạn nhân cũ.

Ngày 26-9-2014, Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an đã thi hành lệnh bắt khẩn cấp, khám xét đối với Vũ Đức Hiếu (trú ở ngõ 35 đường Láng, Hà Nội), Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư VGX và Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (kế toán trưởng, phụ trách toàn bộ hoạt động thu, chi của Công ty VGX) vì có hành vi “Kinh doanh trái phép”. 700 người chơi mất bay tổng số tiền 110 tỷ đồng.

Tiếp theo đó, ngày 1-10-2014, Cục cảnh sát hình sự bắt giữ toàn bộ lãnh đạo Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Khải Thái. Chiều 3-10, trước sự giám sát của đại diện Viện kiểm sát, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã mời cán bộ ngân hàng đến mở niêm phong, kiểm đếm toàn bộ số tiền thu được từ Công ty Khải Thái, kiểm đếm diễn ra từ chiều đến gần tối, tổng số tiền thu được là khoảng 56 tỷ đồng, ngoài ra còn một số ngoại tệ chưa kiểm đếm. Con số này quá nhỏ so với số tiền Công ty Khải Thái đã huy động của người chơi, ước tính hàng nghìn tỷ đồng.

Vâng, các sàn vàng lừa đảo là chuyện ai cũng biết, nhưng những thiêu thân vẫn lao tiếp vào lò lửa, bất kể hiểm nguy. Tại sao? Câu hỏi rất dễ trả lời. Các thủ đoạn mời gọi, lừa đảo quá tinh vi và thiêu thân thì vốn cả tin, cứ thấy ánh sáng là lao vào, bất kể ánh sáng đó có phải mồi câu trước bẫy, có phải độc dược có thể làm tan cửa nát nhà, thân bại danh liệt hay không.

“Chết” trên sàn vàng ảo ảnh 1
Minh họa: Internet 

Mồi ngon nhưng trả giá đắt

 Hãy nghe một đoạn rủ rê đầu tư thường có trên mạng internet: “Các mẹ gửi ủy thác vào Công ty Khải Thái đi. Lãi suất 3%/ tháng với kỳ hạn 3 tháng và 3,5%/ tháng với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên! Tiền lãi được trả hàng tháng vào tài khoản ngân hàng cho các mẹ. Các mẹ cứ gửi 3 tháng 1 cho nhanh và yên tâm. Các mẹ có nhu cầu thì liên hệ với em nhé...”.

Với lãi suất này, 36%/năm và 42%/năm, gấp 5-6 lần lãi suất huy động của ngân hàng. Không ai không bị quyến rũ. Nhưng cũng chưa phải là hay nhất. Công ty V.T còn mời người ta đến giao dịch không cần vốn, hàng tuần tính sổ: lời thì công ty chuyển tiền cho khách, lỗ thì khách nộp tiền cho công ty. Lại có công ty sẵn sàng cầm cố tài sản, vay tiền giúp người đầu tư, giúp người chơi sàn vàng. Khách đến văn phòng sàn vàng được chiêu đãi như vào casino hạng sang, đàn ông rượu ngoại, đàn bà rượu vang, đồ nhắm đều nhập khẩu từ Úc, Anh hoặc Mỹ. Thậm chí có sàn còn mời khách VIP, nghĩa là khách nộp nhiều tiền, khách đầu tư nhiều tiền đi du lịch nước ngoài. Cùng với chiêu “huy động vốn đầu tư”, nhiều sàn còn tung ra chiêu trò “mạo danh thương hiệu” để thu hút khách. Một trong những sàn lớn đang dùng chiêu thức này là sàn P.N, khiến nhiều người lầm tưởng đến tên một ngân hàng. Cũng với chiêu thức này, sàn DFX đã lừa được hàng ngàn khách hàng tham gia sàn. Theo số liệu chiều ngày 30-9 và ngày 1-10 thì sàn này đã thu hút được gần 2.000 khách hàng tham gia mua và bán trên hệ thống của mình.

Những ngày mới chơi sàn vàng, mới nộp tiền đầu tư, khách hàng luôn thắng và đi lĩnh tiền lãi như đi chơi Tết, vừa vui vừa sướng. Rồi cho đến ngày đùng một cái, khách được thông báo, tài khoản tự động hết tiền, hoặc phải khẩn cấp nộp thêm, nếu không sẽ mất hết. Và lúc đó, con thiêu thân đã say mồi, bao nhiêu chả xoay mà nộp. Và khi tiền đã đổ kha khá vào sàn, có một ngày, truy cập vào trang của sàn... Hỡi ơi không liên lạc được. Gọi điện thoại cho tư vấn thấy tò tí te, chạy đến văn phòng thì chủ nhà báo họ đã trả nhà, dọn đi đâu không biết. Kêu đâu bây giờ. Mới đây, đầu tháng 7-2014, 21 người dân tại TP.HCM vừa cùng ký vào đơn tố cáo để gửi lên Sở kế hoạch và đầu tư TP.HCM, cơ quan công an TP.HCM về hành vi lừa đảo và chiếm đoạt tài sản của Công ty Forex Toàn Cầu. Những người này đã dồn hơn 7 tỷ đồng gửi ủy thác cho Công ty Forex toàn cầu với mục tiêu hưởng lãi hàng tháng, nhưng có một ngày họ không tìm thấy Công ty này ở đâu, một cái tăm cũng không thấy nổi. 

Theo thống kê sơ bộ, trên thị trường hiện nay vẫn còn gần 40 sàn vàng, quỹ ủy thác đầu tư trái phép hoạt động. Mấy ngày đầu tháng 10-2014, trên hệ thống của nhiều sàn ở TP.HCM như DFX, IMMS, Availcapotal… luôn có hàng ngàn khách giao dịch. Dường như việc triệt phá các sàn vàng ảo của Bộ Công an ở khu vực phía Bắc vẫn chưa khiến thị trường miền Nam “chùn tay”. Chỉ sau vài ngày im ắng, những người chơi lại tiếp tục tìm đến những sàn mới để đầu tư. Nhiều sàn thậm chí còn đông người chơi hơn sau vụ VGX bị đánh sập. Theo bảng thống kê trên hệ thống của nhiều sàn lớn như DFX, IMMS, IRON FX, NATURE FX, số lượng người chơi đã tăng lên gần 10%. 

Và khi bẫy sập xuống 

Với vụ sập mạng của sàn vàng Ngân hàng Á Châu (ACB) năm 2008 gây kiện cáo giữa ACB và khách hàng, hay vụ đánh vàng xuống bị thua cháy túi của chủ tiệm vàng Tuấn Tài ở quận 5 lớn nhất TP.HCM năm 2009… Chính phủ đã mạnh tay quyết định đóng cửa sàn vàng từ tháng 3-2010. Sinh ra vội vàng và “chết” đột ngột, sàn vàng đã để lại những hậu quả nặng nề mà đỉnh điểm là vụ kiện kéo dài với nhiều uẩn khúc. Trong hai năm 2011, 2012, “hội những người đầu tư” trên sàn vàng một thời thường xuyên gặp nhau ở một nơi, đó là tòa án.

Từ những nhà đầu tư cao cấp bây giờ họ đã trở thành kẻ “đáo tụng đình” và cùng có “điểm chung” là thua kiện trong tức tưởi. Vàng ảo nhưng nhà, đất thì mất thật, vợ chồng ly dị, gia đình ly tán. Nhưng mọi việc không dừng ở đó. Ngay sau khi Nhà nước cấm hình thức kinh doanh vàng tài khoản, nhiều sàn nước ngoài đã dồn dập đầu tư vào Việt Nam nhằm trục lợi. Những sàn đình đám nhất trong những năm qua phải kể đến sàn ETC (Indonesia), TEC (Philippines) và BOL (Hồng Kông). Ba sàn trên đều nhận thấy tiềm năng của những nhà đầu tư Việt và coi đây là thị trường “màu mỡ” để lừa đảo.

Nhiều nhà đầu tư vào vàng tài khoản tại Việt Nam khẳng định “nỗi đau” đến giờ vẫn chưa thể nào quên được từ “cú lừa 3 triệu đô” đầu tiên của sàn ETC xảy ra vào năm 2012. Tưởng rằng “cú lừa 3 triệu đô” của ETC sẽ làm những người nuôi mộng làm giàu từ vàng tài khoản sẽ “tỉnh giấc”, tuy nhiên, nhiều người vẫn bất chấp để lao vào. Chỉ 6 tháng sau thị trường vàng tài khoản tại Việt Nam lại chứng kiến những vụ tương tự. Lần này là sàn BOL và TEC. Vẫn là bỏ trốn, hai sàn này đã “bốc hơi” cùng khoảng 6 triệu USD của nhà đầu tư Việt.

Không chỉ xảy ra tình trạng các chủ sàn ôm tiền bỏ trốn, ngay những sàn có vẻ uy tín, người đầu tư sàn vàng cũng khó mà kiếm được lợi nhuận. Đã có rất nhiều người lỗ hàng trăm ngàn USD đến cả triệu USD, tỉ lệ người chơi thắng rất ít. Không đợi đến khi vào “đánh” vàng tài khoản người chơi mới thiệt, chỉ cần đăng ký tài khoản tham gia nhà đầu tư phải chịu hai phí gồm: phí giao dịch 10-40 USD/100 lượng tùy sàn và phí chênh lệch mua bán, phổ biến 50 USD/100 lượng. Nghĩa là ngay từ đầu, nhà đầu tư đã mất ít nhất 60 USD/100 lượng cho chủ sàn. Các chuyên gia đã khẳng định, quá nhiều các rủi ro từ hình thức ủy thác đầu tư như rủi ro về pháp lý, về mục đích sử dụng vốn ủy thác, về năng lực của người nhận ủy thác, tài chính của bên nhận ủy thác không đảm bảo… Đặc biệt, trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, các công ty lớn, có nhiều năm kinh nghiệm cũng dễ dàng thua lỗ thì việc đầu tư để có được lãi suất 2 - 3%/tháng là chuyện không tưởng.

Bên cạnh những rủi ro pháp lý khi tham gia sàn vàng, các nhà đầu tư còn gặp rủi ro từ chính chủ sàn. Có chuyên gia tiết lộ các công ty kinh doanh đều có thiết bị điều chỉnh can thiệp quá trình giao dịch của người chơi. Chỉ cần giữ lệnh khớp giá trễ hoặc sớm hơn một chút là nhà đầu tư có thể mất trắng. Trong khi đó, hợp đồng giữa nhà đầu tư các chủ công ty này rất sơ sài, không có ràng buộc trách nhiệm nên nếu xảy ra kiện tụng gì nhà đầu tư chắc chắn sẽ chịu thiệt thòi. Đã có rất nhiều người lỗ hàng trăm ngàn USD đến cả triệu USD, tỉ lệ người chơi thắng rất ít. Đối với các “chủ sàn vàng, sếp các quỹ đầu tư ảo”, họ không trốn cũng không được. Tiền ngân hàng cho vay có lãi suất 7% /năm, chạy khắp nơi còn chưa cho vay được, lý do gì họ nhận gửi tiền với lãi suất khủng khiếp. Với công ty cho chơi sàn vàng không vốn mới là lạ. Họ có vốn, có tài kinh doanh có thể tư vấn cho người khác, tại sao lại phải dúi tiền vào tay người khác để kinh doanh hộ? Chuyện trên trời. Vậy mà người ta vẫn tin.

Sau khi “chóp bu” Công ty Khải Thái bị bắt, nhiều nhà  đầu tư tìm đến Cục Cảnh sát hình sự để trình báo thông tin. Có người đầu tư vào Khải Thái tiền tỷ, thậm chí chục tỷ, thậm chí nhiều người vay thêm cả bạn bè, người thân để nộp, nhiều người đã giấu gia đình, thậm chí vay lãi suất cao để nộp. Hài hước nhất là khi chúng tôi hỏi có biết Công ty Khải Thái đầu tư gì để có lãi suất lớn đến mức ấy hay không? Tất cả đều ngớ người ra vì chưa bao giờ tìm hiểu công ty trên thực tế làm gì, mà có muốn tìm hiểu cũng không được bởi không biết phải hỏi ở đâu ngoài những lời tư vấn có cánh của các nhân viên. 

Phải tự chịu trách nhiệm

Mọi hành vi lừa đảo trước hết đánh vào sự tham lam của nạn nhân. Các môi giới sẵn sàng thổi: tham gia sàn vàng một vốn bốn lời, có người một tuần kiếm mấy chục tỷ… cứ làm như kiếm tiền dễ như ăn kẹo. Nhưng thực tế, có tới 95% nhà đầu tư bị thua lỗ nặng. Hàng chục ngàn tỷ đồng đã bốc hơi trong các sàn vàng ảo. Còn hiện nay, khi Việt Nam đã cấm giao dịch sàn vàng ảo thì mọi rủi ro sẽ thuộc về nhà đầu tư. Mọi hành vi đầu tư, mua bán trên sàn vàng ảo, mua bán vàng tài khoản, đầu tư ủy thác trái phép đều là đồng phạm với chủ sàn với tội danh: Kinh doanh trái phép. Mọi khoản tiền đầu tư đều có thể bị tịch thu. Kể cả khi vụ việc bị triệt phá, bắt giữ như hai vụ sàn vàng ảo vừa qua, nhà đầu tư cũng không có căn cứ để tìm đến luật sư hay cơ quan pháp luật để khiếu kiện, lấy lại tài sản của mình.