Chạy theo “cơn sốt” USD: Thua thiệt khó tránh
(ANTĐ) - Ngày 28-5, thị trường USD đã bất ngờ “đảo chiều”, tốc độ giảm cũng nhanh không kém khi “leo thang” trước đó. Những người chạy theo “cơn sốt” đã có thể tính ngay được tỷ lệ hao hụt vốn vì ... “mua đắt, bán rẻ”.
“Chóng mặt” vì “sốt”
Những ngày vừa qua, thị trường USD đã “leo thang” lên mức giá bất ngờ: vượt 17.000đ/USD. Đỉnh điểm là ngày 27-5, trên thị trường tự do, giá USD đã được đẩy lên mức 17.700đ/USD, một mức giá kỷ lục! So với thời điểm cuối năm 2007, giá USD đã tăng gần 7%.
Giống mọi “cơn sốt” khác trước đó như “sốt” vàng, “sốt” gạo, “sốt” xi măng..., người dân lại đổ xô đi mua USD. Tại Hà Nội, những điểm thu đổi ngoại tệ có tiếng như Quốc Trinh, khu phố Hàng Bạc, Hàng Bông, Bảo Tín-Minh Châu... lại diễn ra cảnh xếp hàng, chen lấn mua ngoại tệ.
Vậy nguyên nhân nào khiến cho USD bất ngờ tăng giá đến thế? Theo ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), tâm lý người dân và các doanh nghiệp đổ xô đi mua ngoại tệ dự trữ do lo sợ lạm phát tăng cao và sự mất giá của VND là một trong những tác động mạnh nhất làm tỷ giá USD/VND tăng đột biến. Bên cạnh đó, nguồn cung ngoại tệ khan hiếm, trong khi cầu ngoại tệ tăng mạnh.
Cụ thể, nhập siêu 5 tháng đầu năm 2008 đã lên tới 14,4 tỷ USD (do giá cả đại đa số nguyên vật liệu đầu vào tăng vọt, đặc biệt là giá dầu). Trong cùng thời kỳ, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt 14,7 tỷ USD nhưng đa phần mới chỉ ở dạng đăng ký dự án, còn vốn thực hiện chỉ ước đạt khoảng 5 tỷ USD. Còn nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam thì đang có dấu hiệu suy giảm do TTCK ảm đạm.
“Bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì cơn “sốt” USD chắc chắn có yếu tố đầu cơ”. Thông tin này đã được Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối NHNN, ông Nguyễn Quang Huy khẳng định với báo chí chiều 27-5. Quả thực, với tốc độ tăng “chóng mặt” như những ngày vừa qua thì việc thu gom USD đã mang đến một tỷ suất lợi nhuận không nhỏ, nhất là trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như BĐS, CK đang ảm đạm.
Mặt khác, sự hấp dẫn của kênh đầu tư này khiến cầu USD của các Ngân hàng (NH) càng trở nên căng thẳng bởi người dân có xu hướng “găm” USD thay vì gửi vào ngân hàng. Chính vì vậy, hàng loạt NH đã tăng mạnh LS huy động USD thời gian qua như NH TMCP á Châu (ACB) với mức tăng từ 0,45-1,55%/năm. Cụ thể, LS huy động USD của ACB ở kỳ hạn dưới 12 tháng dao động từ 6,65% đến 7,05%; kỳ hạn 12 tháng là 7,1%/năm. Tương tự là VPBank, Phương Nam, VIBBank... Đặc biệt, “đỉnh” về LS huy động USD đợt này lên tới 7,65%/năm.
Rủi ro khi đảo chiều
Cẩn trọng khi chạy theo "cơn sốt" USD |
Tuy nhiên, hôm qua (28-5), giá USD trên thị trường tự do đã có dấu hiệu dịu xuống. Cũng như khi tăng, giá USD đã liên tục được điều chỉnh giảm tới 4-5 lần trong một ngày. Tại cửa hàng Bảo Tín - Minh Châu, trưa 28-5, giá USD còn 16.900/17.200đ/USD (giá mua vào/bán ra), đến giữa buổi chiều còn 16.650/17.000đ/USD và cuối giờ chiều là 16.450/16.850đ/USD. Như vậy, tính từ phiên giao dịch buổi sáng đến phiên giao dịch buổi chiều, đồng USD được giao dịch tại đây đã giảm tới 550đ/USD giá mua vào, giảm 350đ/USD giá bán ra. Và nếu so với mức giá “đỉnh” của ngày 27-5, mỗi đồng USD đã mất giá gần 1.000đ.
Ghi nhận của phóng viên Báo ANTĐ tại một số điểm giao dịch ngoại tệ “có tiếng” tại Hà Nội trưa 28-5, lượng khách giao dịch vẫn chật kín. Tại “điểm” Quốc Trinh trên phố Hà Trung, gần chục máy đếm tiền vẫn hoạt động “hết công suất”, trong đó số khách giao dịch từ 30.000-50.000 USD khá phổ biến, thậm chí có trường hợp lên tới hàng trăm ngàn USD.
Tuy nhiên, xu hướng đã “đảo chiều” khi người bán ra có phần nhỉnh hơn người mua vào. Ông Nguyễn Hữu Đang, nhân viên kinh doanh của Bảo Tín - Minh Châu cũng xác nhận, trung bình 2 khách hàng bán ra thì 1 khách hàng mua vào trong phiên này. Chị Nguyễn Kim Hoa, khách giao dịch tại đây cho biết vừa bán ra hơn 30.000 USD vì phán đoán, sau khi lên mức giá “đỉnh” ngày 27-5, có khả năng thị trường USD này sẽ đảo chiều. Và số ngoại tệ này được chị thu gom ở mức giá “bèo” từ cuối tháng 2 vừa qua - khi mà đồng USD bị “ghẻ lạnh”.
Nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng có khả năng phân tích, phán đoán và kinh nghiệm như chị Hoa bởi thực tế, một số người sau khi hốt hoảng mua USD bằng được ngày 27-5 thì lại vội vã “đẩy” đi ngay ngày hôm sau vì lo giá lại tiếp tục giảm. Và hành động “buôn ngược” theo kiểu mua đắt bán rẻ tương tự như kinh doanh vàng, chứng khoán... đó không phải là hiếm.
Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối Nguyễn Quang Huy cũng đã lên tiếng cảnh báo, điều đáng lo ngại của “cơn sốt” USD vừa rồi là nguy cơ rủi ro thua thiệt của nhiều người dân bởi lúc thì đổ xô đi bán USD khi tỷ giá thấp và ngược lại, đổ xô đi mua đẩy giá USD lên cao.
Điều đó không phải không có cơ sở bởi trên thị trường thế giới, giá USD so với Euro tiếp tục đà đi xuống: 1,5792 USD/ Euro và có khả năng suy giảm thêm trước những thông tin xấu về tình hình kinh tế Mỹ. Về phía NHNN cũng vừa khẳng định đủ khả năng can thiệp để tỷ giá không có biến động lớn, gây xáo trộn hoạt động của các tổ chức tín dụng, các tổ chức kinh tế và doanh nghiệp.
Thảo Nguyên