Cắt giảm điều kiện kinh doanh: "Không thể ngồi chờ công chức các bộ, ngành "nóng" lên"

ANTD.VN - Hội nghị quốc tế cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Ngân hàng thế giới (WB) tổ chức ngày 15-3 đã chỉ đích danh những việc đã làm được và những việc còn "nợ" trong việc cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam. 

Thủ tục giải thể doanh nghiệp vẫn ít được cải thiện

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến dự và chủ trì hội nghị.

Nhiều Bộ, ngành chưa chịu cắt giảm điều kiện kinh doanh

TS Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng CIEM cho hay, qua 4 năm Việt Nam thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh (2014-2017), nhiều chỉ số trong môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã có cải thiện vượt bậc như: tiếp cận điện năng, nộp thuế và bảo hiểm xã hội, đổi mới sáng tạo... 

"4 năm qua, nhiều khía cạnh đo năng lực cạnh tranh đều có cải thiện nhưng cải thiện này không đồng đều ở các tiêu chí và Bộ, ngành thực hiện. Nghị quyết 19 đặt ra yêu cầu cải cách toàn diện các điều kiện kinh doanh, mục tiêu giảm từ 1/3 đến ½ số điều kiện kinh doanh hiện hành nhưng đến nay, chỉ có Bộ Công Thương trình Chính phủ ban hành Nghị định 08/2018/NĐ- CP và đạt mục tiêu bỏ hơn 1 nửa số điều kiện kinh doanh.

Bộ Xây dựng cũng rất quyết liệt, không những đề xuất bãi bỏ 89 điều kiện kinh doanh (chiếm 41% điều kiện kinh doanh) mà bỏ cả ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Luật đầu tư 2014, đạt mục tiêu đề ra"- ông Nguyễn Đình Cung nói.

Tuy nhiên, một số bộ ngành còn thờ ơ với cắt giảm điều kiện kinh doanh. Chẳng hạn như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù đã có phương án, đề xuất bãi bỏ, sửa đổi điều kiện kinh doanh nhưng chưa đạt mục tiêu. Gộp cả 2 tiêu chí bãi bỏ và cắt giảm mới đạt, trong khi quy định là phải bãi bỏ được. 

Một số Bộ như: Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB và XH còn chưa thực hiện rà soát. Bộ Tài nguyên và môi trường đã rà soát nhưng chưa thấy kết quả về điều kiện kinh doanh.

"Nếu ví điều kiện kinh doanh như 1 đoàn tàu, thì có Bộ đã đến ga cuối cùng, còn có Bộ chưa vào vị trí xuất phát"- ông Nguyễn Đình Cung nhận xét. 

Bên cạnh đó, quy định về kiểm tra chuyên ngành cũng mới đạt được một số kết quả, chưa như kỳ vọng. Đa số các địa phương vẫn chưa quyết liệt với cải cách môi trường kinh doanh. 

Các địa phương đối thoại với các doanh nghiệp tương đối tốt, 1 số địa phương áp dụng sáng kiến mô hình kinh doanh hành chính công, Quảng Ninh sáng tạo đến cấp huyện, cấp sở…

Theo viện trưởng CIEM, kết quả đạt được còn khá xa so với mục tiêu là chưa đạt được trung bình ASEAN-4, số điều kiện kinh doanh loại bỏ thấp hơn mục tiêu đặt ra, hàng hóa chuyên ngành kiểm tra giảm chưa đạt mục tiêu đề ra. Đáng chú ý, điều kiện kinh doanh chỉ giảm ở những ngành, lĩnh vực, những chỉ số có vấn đề lớn được dư luận xã hội quan tâm, có áp lực thì mới có thay đổi.

 Phải đề ra tiến độ thực hiện cải cách

Đánh giá về môi trường kinh doanh dưới góc độ doanh nghiệp, bà Vũ Kim Hạnh- Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho hay, ngoài những vấn đề nêu trên, doanh nghiệp còn gặp phải nhiều vướng mắc khác như thiếu thông tin cập nhật về thị trường, còn nhiều chính sách gây khó khăn cho doanh nghiệp... cần được tháo gỡ.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc thực hiện Nghị quyết 19 càng ngày càng được thực hiện tốt hơn. "Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy nổi lên vấn đề rõ rệt là kỷ cương hoàn toàn không nghiêm, nên đến cả lãnh đạo cấp cao đều phải nói còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh". Tại sao ra nghị quyết mà chính bộ máy của mình không vận hành nổi, không buộc nổi bộ máy của mình phải làm"?- Bà Phạm Chi Lan đặt vấn đề.

Theo bà Phạm Chi Lan, trong việc rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh, Chính phủ không nên ngồi chờ các Bộ làm, Bộ nào làm được thì làm không thì thôi. Thay vào đó là nên đưa danh mục điều kiện kinh doanh còn lại, đặt ra tiến độ cụ thể. Đến thời điểm mà Bộ, ngành không tự cắt giảm được điều kiện kinh doanh thì Thủ tướng quyết định cắt, không chờ các Bộ và nơi nào không thực hiện, cần kỷ luật nghiêm khắc. 

Vị chuyên gia này góp ý: "Không có lý do gì người dân doanh nghiệp cứ phải nộp thuế để nuôi những người ngồi tại các bộ mà gây khó dễ cho họ. Cải thiện môi trường kinh doanh đem lại lợi ích quy ra được bằng tiền, thì người nào cản trở, không làm được nhiệm vụ ấy cũng phải phạt tiền, họ phải bù đắp vào phần lẽ ra nền kinh tế được hưởng". 

Bên cạnh đó, cần thực hiện công bằng, công khai thông tin trong đánh giá việc cải thiện môi trường kinh doanh giữa các bộ, ngành và địa phương để lấy động lực cải cách. 

Tại buổi ra mắt Sách Trắng của Hiệp hội Các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) ngày 15-3, các doanh nghiệp châu Âu đánh giá rất tích cực về các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm cải thiện môi trường kinh doanh trong thời gian vừa qua. Có tới 62,3% đại diện doanh nghiệp châu Âu đánh giá tình hình kinh doanh hiện tại của họ tại Việt Nam là "xuất sắc" và "tốt".

Có khoảng 70% doanh nghiệp châu Âu lạc quan về môi trường kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới. Trong đó 11,6% số doanh nghiệp phản hồi là "tuyệt vời" và 58% phản hồi là "tốt". Liên quan đến triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam trong năm nay, đa số các doanh nghiệp châu Âu đều tin tưởng rằng, sự ổn định kinh tế vĩ mô có khả năng tiếp tục, với 46,4% số lượng phản hồi là "ổn định và cải thiện". Từ những đánh giá tích cực trên, có khoảng 90% DN châu Âu cho biết sẽ duy trì và mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trong năm 2018.