Cấp phép điểm bán lẻ phải dựa trên nhu cầu
(ANTĐ) - Chiều qua, 25-12, Bộ Công Thương đã chủ trì cuộc họp báo về việc mở cửa thị trường dịch vụ phân phối từ 1-1-2009.
Năm 2008, thị trường bán lẻ Việt Nam đã được tổ chức AT.Kearney xếp hạng hấp dẫn nhất thế giới, vượt qua ấn độ, Nga và Trung Quốc |
- PV: Dư luận đang lo ngại khi Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ vào 1-1-2009 sẽ là nguy cơ lớn lấn át các doanh nghiệp (DN) bán lẻ Việt Nam. Ông có ý kiến gì về điều này?
- Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú: Theo tôi, nhìn nhận việc mở cửa này cần phải tránh suy diễn theo 2 khuynh hướng. Thứ nhất, cho rằng sau 1-1-2009, các DN nước ngoài (FDI) sẽ ồ ạt đổ bộ vào thị trường Việt Nam, đẩy các DN Việt Nam vào tình thế khó khăn, có nguy cơ phá sản.
Thứ 2 cho rằng, việc mở cửa này không tác động và ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của DN, từ đó có tư tưởng chủ quan, thiếu sự chuẩn bị cho việc hội nhập với khu vực và thế giới.
Cả 2 khuynh hướng nhìn nhận như vậy đều là tai hại. Đối với lĩnh vực này, dấu mốc 1-1-2009 cho phép nhà đầu tư FDI được thành lập DN 100% vốn nước ngoài chỉ là một bước tiếp theo trong lộ trình hội nhập WTO, về thực chất, chúng ta đã phải mở cửa ngay từ thời điểm Việt Nam chính thức gia nhập tổ chức này từ 11-1-2007.
Các DN FDI không được quyền phân phối lúa gạo, đường, thuốc lá và xì gà, dầu thô và dầu đã qua chế biến, dược phẩm, thuốc nổ, sách - báo - tạp chí, kim loại quý và đá quý, vật phẩm đã ghi hình trên mọi chất liệu (đĩa, băng)... Từ 1-1-2009, DN FDI được phân phối máy kéo, phương tiện xe cơ giới, ôtô con và xe máy, từ 1-1-2010 được phân phối rượu, xi măng và clinke, phân bón, sắt thép, giấy, lốp xe, thiết bị nghe nhìn. |
- PV: Vậy DN Việt Nam có thể tận dụng lợi thế như thế nào khi phải cạnh tranh bình đẳng với các DN FDI?
- Ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước: Điểm thuận lợi nổi bật là thị trường bán lẻ của nước ta có đặc điểm là tính phân tán cao, gắn với địa bàn dân cư cụ thể. Mạng lưới điểm bán lẻ dày đặc, phân bố khắp nơi phù hợp với hệ thống phân phối có quy mô vừa phải, với các DN Việt Nam có tiềm lực tài chính vừa phải.
Đặc biệt, so với các DN FDI, các DN Việt Nam am hiểu văn hóa, tập quán, nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam hơn ai hết nên sẽ biết cách phát huy được những tập quán ấy trong chiến lược kinh doanh của mình. Đúng là, có một bộ phận người dân Việt Nam thích hàng ngoại song nếu ta làm tốt dịch vụ phân phối, chuyên nghiệp thì vẫn lôi cuốn được người tiêu dùng. Đó là kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Bắc - Trung Quốc, Trung Quốc và họ đã làm được.
- PV: Thưa ông, việc lập cơ sở bán lẻ thứ 2 đối với DN FDI đòi hỏi phải xét trên cơ sở kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) còn nhiều điểm chưa cụ thể, rõ ràng?
- Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: Khi lập cơ sở thứ 2, chúng ta sẽ phải xem xét nhu cầu kinh tế trước khi cấp phép cho họ, ví dụ như xem xét có phù hợp với số lượng các nhà phân phối đã có mặt trên địa bàn đó, khu vực địa lý đó ra sao, mạng lưới bán buôn, bán lẻ của địa phương, mật độ dân số, sức mua của thị trường. Tuy nhiên, khi chúng ta đã phân cấp sâu tới các địa phương thì tự các địa phương phải thiết lập ENT vì mỗi địa phương có một nhu cầu đặc thù riêng.
Phạm Huyền (Thực hiện)