Canh cánh nỗi lo thương hiệu

ANTĐ - Theo ước tính của hãng tư vấn Brand Finance tại Việt Nam, giá trị thương hiệu Việt Nam (Vietnam Value) là 172 tỷ USD, xếp thứ 42/100 quốc gia xây dựng thương hiệu trên thế giới. Trong khi đó, chỉ tính riêng giá trị thương hiệu Apple của Mỹ đã lên tới 170 tỷ USD. 
Canh cánh nỗi lo thương hiệu ảnh 1

Các sản phẩm thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như thủy sản, nông sản chưa được doanh nghiệp quan tâm đầu tư thương hiệu

“Thua” nhiều nước ASEAN

Phát biểu tại diễn đàn “Thương hiệu Việt Nam 2015” do Bộ Công Thương tổ chức sáng 4-8, ông Lại Tiến Mạnh - đại diện Brand Finance tại Việt Nam cho biết, với giá trị 172 tỷ USD, ở khu vực ASEAN, thương hiệu Việt Nam xếp ở vị trí 6/8 (Myanmar và Lào không đủ tiêu chuẩn để được xếp hạng trên Bảng thương hiệu quốc gia), chỉ trước Campuchia và Brunei.

 Singapore là nước đứng đầu khu vực khi trị giá thương hiệu lên đến 460 tỷ USD; Thái Lan 409 tỷ USD; Indonesia 395 tỷ USD; Malaysia 385 tỷ USD; Philippines 260 tỷ USD. Ở khu vực châu Á, Việt Nam xếp thứ 15. Rộng hơn, trong 100 nước trên thế giới đang xây dựng thương hiệu quốc gia, Việt Nam ở vị trí thứ 42. Giá trị thương hiệu của Việt Nam chỉ cao hơn giá trị thương hiệu Apple của Mỹ 2 tỷ USD.

Theo ông Lại Tiến Mạnh, giá trị thương hiệu chưa mạnh ngay ở trong khu vực sẽ khiến Việt Nam phải chịu áp lực nhiều hơn các nước khác khi cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập. “Thương hiệu của các nước khác trong khu vực mạnh hơn, hàng hóa của họ có lợi thế cạnh tranh hơn” - đại diện Brand Finance nhấn mạnh. 

Trên thực tế, Việt Nam đã có những thương hiệu được thế giới biết đến. Chẳng hạn như Viettel, trị giá thương hiệu của doanh nghiệp này khoảng 500 triệu USD; VietinBank trị giá hơn 300 triệu USD. Trong khi đó, các sản phẩm thế mạnh xuất khẩu như: nông sản, thủy sản… lại chưa được doanh nghiệp quan tâm đầu tư thương hiệu, chủ yếu xuất khẩu rời, thô, giá trị thấp. Sản phẩm Việt Nam xuất khẩu sang nước ngoài rồi mang thương hiệu nước ngoài. Minh chứng cho việc đánh mất giá trị này là gạo Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan, đóng gói, ghi xuất xứ Thái Lan và có giá trị thương hiệu gạo Thái Lan. 

Chưa đủ tự tin bước ra thế giới 

Khảo sát quan điểm và thái độ của người tiêu dùng Việt Nam đối với việc lựa chọn thương hiệu Việt Nam với thương hiệu nước ngoài của Công ty nghiên cứu thị trường TNS Việt Nam cho thấy, thương hiệu Việt Nam cũng ngày càng khẳng định được vị trí đối với người tiêu dùng nội địa, khi có tỷ lệ lớn người Việt Nam cho rằng sử dụng hàng Việt là niềm tự hào. Bên cạnh đó, đa số người được hỏi đồng ý phương án lựa chọn hàng Việt Nam để ủng hộ doanh nghiệp Việt Nam.

 Vậy tiêu chí để người Việt lựa chọn thương hiệu Việt là gì? Ông Ashish Kanechan - Giám đốc điều hành TNS Việt Nam cho biết, 75% người tiêu dùng Việt Nam cho rằng giá cả hợp lý là yếu tố tiên quyết; 68% người được hỏi đánh giá cao tầm quan trọng của chất lượng để hàng Việt cạnh tranh với quốc tế. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng thích các sản phẩm luôn có sẵn ở cửa hàng, dịch vụ sau bán hàng tốt; thương hiệu thấy ở mọi nơi, bao bì bắt mắt… 

Các chuyên gia cho rằng, ngay từ bây giờ, Việt Nam có thể xây dựng thương hiệu cho nông sản xuất khẩu như: gạo, cà phê, thủy sản… để nâng giá trị. Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lưu ý: “Xây dựng thương hiệu để cạnh tranh toàn cầu, chứ không phải xây dựng rồi ngồi ngắm. Nỗi canh cánh của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập chính là thương hiệu chưa đủ tự tin bước ra thế giới. Cần biến thương hiệu quốc gia thành nguồn sức mạnh, giá trị tăng thêm cho sản phẩm, cho doanh nghiệp”.