Cảnh báo gia tăng hoạt động chuyển giá nếu ưu đãi thuế đặc khu kinh tế

ANTD.VN - Các chính sách ưu đãi thuế trong Dự thảo Luật Khu hành chính kinh tế đặc biệt sẽ tạo ra “vùng trũng” cho doanh nghiệp né thuế thông qua chuyển lợi nhuận, không chỉ các doanh nghiệp đa quốc gia mà chính các doanh nghiệp Việt Nam có thể chuyển lợi nhuận giữa trong và ngoài đặc khu.

Đây là nhận định chung của nhiều chuyên gia tại buổi Thảo luận về chính sách ưu đãi thuế tại các đặc khu kinh tế diễn ra chiều nay, 23-5.

Theo đánh giá của tổ chức Oxfam, hiện bất bình đẳng trong nghĩa vụ đóng thuế đang là một trong những nguyên nhân khiến vấn đề bất bình đẳng toàn cầu ngày càng nghiêm trọng. Người dân và doanh nghiệp nhỏ đang phải “cõng gánh nặng thuế” cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Tại Việt Nam, trong khi khối FDI chiếm 45,9% lợi nhuận nhưng đóng góp số thuế thấp nhất trong các thành phần kinh tế.

Nguy cơ gia tăng chuyển giá

Đánh giá về các chính sách ưu đãi thuế trọng Dự thảo Luật Khu hành chính kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu), đại diện Oxfam cho rằng các lĩnh vực ưu đãi không có gì mới so với các luật khác, ngành công nghiệp được đề xuất ưu tiên gần như trùng lặp với các ngành ưu tiên của các Khu công nghệ cao và Khu kinh tế đã được ưu đãi trong các luật khác.

Thứ hai, theo Oxfam, các ưu đãi thuế trong dự thảo có nguy cơ sẽ tạo ra kẽ hở cho doanh nghiệp né thuế thông qua chuyển lợi nhuận.

Cũng theo Oxfam, trên thực tế các ưu đãi thuế không phải yếu tố quan trọng nhất khi doanh nghiệp xác định đầu tư vào một khu vực nào đó.

“85% nhà đầu tư ở Việt Nam được khảo sát khẳng định các chính sách ưu đãi thuế là không cần thiết” – đại diện Oxfam nói và cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, thành công của các đặc khu hầu hết phụ thuộc vào vị trí, môi trường đầu tư, tính liêm chính, minh bạch và hiệu quả của bộ máy hành chính.

Nhiều chuyên gia lo ngại chính sách ưu đãi thuế đối với đặc khu kinh tế 

Cuối cùng, báo cáo của Oxfam cho rằng, Dự thảo Luật đặc khu đang đề xuất những chính sách ưu đãi thuế dựa trên lợi nhuận mà các quốc gia không còn sử dụng nữa. “Chúng tôi khuyến nghị Quốc hội và Chính phủ cần cẩn trọng xem xét lại các chính sách ưu đãi thuế trong dự thảo này” – Oxfam bày tỏ lo ngại.

Đẩy gánh nặng thuế sang khu vực không ưu đãi

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, ưu đãi về thuế không nên là ưu tiên hàng đầu tại các đặc khu kinh tế. Trong khi đó, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính quốc tế, Học viện Tài chính lại bày tỏ lo ngại vấn đề thâm hụt ngân sách.

“Chúng ta đang phải tái cấu trúc toàn bộ hệ thống thuế vì nhiều loại thuế đang giảm đi theo lộ trình hội nhập, nguồn thu ngân sách đang giảm đi. Nay xây dựng 3 đặc khu này, sẽ cần đầu tư lượng vốn rất lớn. Vậy nguồn tiền ở đâu? Ngân sách thì không có, nếu kêu gọi tư nhân cũng cần có vốn mồi… Đó là điều nên cẩn trọng xem xét tỉ mỉ việc có nên xác định xây dựng ngay hay không” – vị chuyên gia bày tỏ quan điểm.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đã bỏ những ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, mà cố gắng tạo ra một mặt bằng chung với cơ chế thông thoáng, để từ đó tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư.

Cùng chung quan điểm lo ngại về thâm hụt ngân sách, ông Henrique Alencar, Tư vấn chính sách về Thuế và Bất bình đẳng, tổ chức Oxfam Novib cho rằng, với những ưu đãi như trong Dự thảo, nếu Việt Nam không có những tính toán định lượng về những cái mất đi và những cái thu được thì sẽ rất khó để đánh giá cái lợi, không có lợi khi thực hiện những chính sách này.

“Những ưu đãi thuế với đặc khu dẫn đến giảm thu ngân sách, thậm chí dẫn đến thâm hụt ngân sách. Từ đó, có thể Chính phủ phải cắt giảm các chương trình đầu tư cho giáo dục, y tế, các chương trình phúc lợi hoặc phải cắt giảm ưu đãi ở những khu vực không được ưu đãi” – vị chuyên gia khuyến cáo.