Căng thẳng bình ổn giá
(ANTĐ) - Sáng 16-2, Sở Công Thương Hà Nội đã họp bàn về công tác bình ổn giá năm 2011 trên địa bàn thành phố. Nhận định về tình hình bình ổn giá năm 2011, ông Nguyễn Văn Đồng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng: “Công tác bình ổn giá năm nay còn khó khăn hơn cả năm 2010”.
Giá cả biến động nhanh
Giá cả biến động nhanh khiến công tác bình ổn giá gặp nhiều khó khăn(Ảnh minh hoạ) |
Bà Mai Khuê Anh - Giám đốc Điều hành Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết: “Tình hình giá cả biến động rất nhanh, tỷ giá, giá điện, các nguyên vật liệu dùng cho sản xuất tăng. Chương trình bình ổn giá nên triển khai sớm để doanh nghiệp chủ động nguồn hàng. Hiện có những mặt hàng dù ký hợp đồng, đặt cọc tiền rồi nhưng giá tăng, nhà cung cấp vẫn tăng vì họ không kham nổi những biến động của thị trường”.
Theo bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam (đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart), thời điểm hiện tại, hàng bình ổn còn tồn trong kho chỉ đủ để bán đến hết tháng 2 này. Hàng hoá đã nhập theo giá mới do tỷ giá VND/USD tăng, giá dầu ăn đã phải nhập tăng nên siêu thị này sẽ bán theo giá mới. Giá thịt bò tại cơ sở bán cho Fivimart đã tăng 4% sau tết, nhưng doanh nghiệp vẫn tiếp tục bán với giá trước tết, chấp nhận lỗ để thực hiện bình ổn giá.
Bà Hậu cho biết, trước đây, giá bán sản phẩm được căn cứ vào giá của nhà cung cấp cộng thêm 7% chi phí. Đại diện Fivimart cũng đề nghị UBND thành phố và Sở Công Thương Hà Nội cân nhắc hỗ trợ vốn thực hiện hàng bình ổn từ cơ sở sản xuất hàng, đặc biệt với mặt hàng thịt tươi sống, rau củ. “Ngoài ra, cần quy định ngay việc đăng ký mặt hàng bình ổn phải là mặt hàng doanh nghiệp có doanh thu cao. Nếu đăng ký mặt hàng doanh thu thấp mà lại được vay nguồn vốn hỗ trợ lớn là sự bất hợp lý” - bà Hậu nói.
Đại diện doanh nghiệp giết mổ và cung cấp thịt cho các siêu thị cho hay, năm nay, nguồn hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đang diễn ra tại nhiều địa phương. Vị đại diện này cũng cho rằng, cơ quan chức năng cần xem xét để đầu tư vào khâu sản xuất nhằm tạo ra nguồn hàng nhiều hơn.
Sở Công Thương dự báo, sắp tới, giá điện, giá xăng dầu tăng có thể kéo theo nhiều mặt hàng khác tăng giá nên năm 2011 này, sở sẽ nghiên cứu cơ chế giá hợp lý hơn cho doanh nghiệp.
Khắc phục hạn chế năm 2010
Theo ông Nguyễn Văn Đồng, năm 2010, số tiền UBND thành phố Hà Nội hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện bình ổn giá cao gấp đôi so với năm 2009, số điểm bán hàng cũng tăng gấp đôi nhưng kết quả công tác này vẫn chưa được như ý muốn. Ví dụ, vai trò điều tiết giá cả và hàng hoá của chương trình bình ổn trong lúc giá hàng biến động còn hạn chế, chưa kịp thời; số điểm bán hàng tập trung chủ yếu ở nội thành, nơi người dân cần hỗ trợ là ngoại thành lại ít. Bên cạnh đó, có sự trùng lặp nên một mặt hàng được vay cả quy mô sản xuất và phân phối, làm tăng số tiền vốn vay nhưng lại giảm hiệu quả lượng hàng hóa.
Về việc niêm yết giá, ngoại trừ một số đơn vị thực hiện tốt, vẫn có một số nơi bán giá cao hơn 10 - 16%. Không ít điểm bán hàng bày bán hàng bình ổn lẫn với hàng không thuộc nhóm bình ổn gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng… Ông Đồng cho rằng: “Năm 2011, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm những tồn tại thực hiện trong năm 2010 nêu trên; chấn chỉnh cả việc treo biển hiệu không đúng, bán hàng chưa niêm yết hay có bày hàng nhưng không thấy có người bán… Các quận, huyện cũng cần giúp sức nhiệt tình hơn để số điểm bán hàng bình ổn được mở rộng”.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Văn Đồng cho biết thêm, chậm nhất ngày 30-4-2011, thành phố sẽ thu hồi ngân sách hỗ trợ bình ổn năm 2010 để triển khai chương trình bình ổn cho năm mới. Sở Công Thương kiến nghị thành phố tiếp tục bán hàng bình ổn giá và đưa hàng về nông thôn trên cơ sở xây dựng, tính toán phương án, kế hoạch triển khai cụ thể.
Luẩn quẩn “chuẩn giá” Cũng trong cuộc họp sáng qua, Bà Mai Khuê Anh cho rằng, còn thiếu chuẩn về giá để xác định mức giá bình ổn. “Cơ chế điều tiết giá cả bình ổn là không được cao hơn giá thị trường nhưng phải lấy giá ở chợ hay ở BigC để làm chuẩn? Hàng hoá ở chợ không phải đóng thuế, linh hoạt nên nếu dựa vào giá chợ thì không ổn!” - Bà Khuê Anh phân tích. Đại diện một doanh nghiệp khác cho rằng, có thể tham khảo giá hàng của Metro, BigC và các hệ thống khác để làm giá thị trường, từ đó xác định mức giá bình ổn. Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Văn Đồng cũng đưa ra vấn đề: “Khi nào thị trường được coi là biến động giá? Bộ Tài chính hướng dẫn là khoảng 15 ngày giá tăng cao liên tục thì coi là biến động nhưng căn cứ từ ngày nào, cơ sở thống kê là gì… còn vướng mắc”. Hà Linh |
Vân Hằng