Cẩn trọng với thuốc giải rượu, bia

(ANTĐ) - Trong các cuộc rượu không ít người coi thuốc giải rượu như một thứ “vũ khí tối thượng”, giúp uống rượu bia “tới bến” mà vẫn không say, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên trên thực tế, những loại thuốc này chỉ có chức năng hỗ trợ chứ không thể giải được rượu. Thậm chí nếu lạm dụng còn gây ra những tác hại xấu với hậu quả lâu dài...

Cẩn trọng với thuốc giải rượu, bia

(ANTĐ) - Trong các cuộc rượu không ít người coi thuốc giải rượu như một thứ “vũ khí tối thượng”, giúp uống rượu bia “tới bến” mà vẫn không say, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên trên thực tế, những loại thuốc này chỉ có chức năng hỗ trợ chứ không thể giải được rượu. Thậm chí nếu lạm dụng còn gây ra những tác hại xấu với hậu quả lâu dài...

Các loại thuốc giải rượu phổ biến trên thị trường hiện nay bao gồm: Voskyo, RU-21, ME-21, Mewo-21, Tylenol, Pamin, Aspirin, Paracetamol… có chứa vitamin B1, B6, PP và một số a-xít như glutamic, fumaric, succinic… Đây là những chất cơ thể thiếu do phải sử dụng để chuyển hóa rượu. Đa số các loại thuốc này được đăng ký lưu hành là “thực phẩm chức năng”.

Xét về mặt tác dụng, nó chỉ hỗ trợ dinh dưỡng chứ chưa có tài liệu nào chứng minh tác dụng bảo vệ hoặc phục hồi gan bị rượu làm tổn hại. Ngoài ra, ở liều lượng cho phép, những thuốc này với thành phần Paracetamol có thể giúp bớt nhức đầu, mệt mỏi. Vì thế, trước hay sau khi uống rượu mà dùng loại thuốc này, người uống sẽ thấy không nhức đầu, dễ chịu. Song nếu dùng thường xuyên, quá liều sẽ dẫn tới tăng các men gan như AST, ALT, Gamma-GT, làm giảm chất bảo vệ gan, làm tăng tổng hợp a-xít béo là Triglyceride trong tế bào gan, làm gan nhiễm mỡ, hoại tử tế bào gan, viêm loét đường tiêu hóa…

Hai cơ quan phải chịu đựng nhiều nhất tác hại của rượu chính là hệ thần kinh trung ương và gan. Đối với gan, rượu là chất độc và gan phải làm việc cật lực để chuyển hóa rượu nhằm loại thải chất độc này. Rượu được chuyển hóa qua nhiều giai đoạn, trong đó chuyển thành Acetaldehyd là chất độc, trước khi thành thán khí (CO2) và hơi nước để được loại ra khỏi cơ thể.

Nếu uống rượu kéo dài, gan làm việc giải độc quá sức sẽ bị nhiễm độc. Vì Aspirin, Paracetamol là loại thuốc có ảnh hưởng rất xấu đến chức năng gan, khi phối hợp với rượu sẽ gây kích ứng niêm mạc dạ dày, chảy máu đường tiêu hóa. Mặt khác, nếu nồng độ Paracetamol trong máu quá cao, vượt quá khả năng khử độc của gan, chất độc sẽ tích lũy lại, gây hoại tử tế bào gan. Do vậy, khi lạm dụng các loại thuốc giải rượu có chứa chất này sẽ dẫn đến việc giữ lại chất độc trong cơ thể bởi gan không thể lọc kịp, gây tổn hại nghiêm trọng tới gan, lâu ngày sẽ dẫn tới xơ gan và ung thư gan.

Đối với hệ thần kinh trung ương, khi được uống vào trong cơ thể, rượu sẽ xâm nhập hệ thần kinh rất nhanh và làm thay đổi chuyển hóa cơ bản các tế bào não ở những vùng não chịu trách nhiệm về nhân cách, phán đoán, nhận thức, ngôn ngữ, thị giác... người uống rượu sẽ bị sa sút về nhận thức, thể hiện bằng sự hung hăng, kích thích, rối loạn hành vi... Việc lạm dụng thuốc giải rượu vào lúc này sẽ làm tăng gánh nặng cho não. Người liên tục dùng rượu và thuốc giải rượu sẽ nhanh chóng bị sa sút về nhận thức, rối loạn hành vi.

Thực chất của thuốc giải rượu là làm giảm biểu hiện của say rượu, mang tính hỗ trợ trong những trường hợp cấp bách chứ không thể làm giảm tác hại của rượu đối với cơ thể, không có chức năng bảo vệ, phục hồi cơ thể, quá lạm dụng thuốc sẽ dẫn tới nhiều tác hại. Nếu phải uống rượu bia nên uống vừa phải, biết điểm dừng.

 Để hạn chế việc say rượu, nên áp dụng những phương thức chống say dân gian như trước và trong khi uống nên ăn ít cơm, bún và tránh ăn nhiều đồ mỡ. Cố gắng nói chuyện thật nhiều khi uống rượu, việc này làm hơi rượu được đẩy bớt ra ngoài và tiến trình giải phóng rượu trong cơ thể cũng xảy ra nhanh hơn. Uống kèm nước suối hoặc húp canh nếu có thể để làm loãng nồng độ rượu trong cơ thể. Người bị say có thể giải rượu bằng cách cho uống nước vắt từ củ sắn dây thêm ít muối; hoặc dùng bột sắn dây khuấy với nước sôi, thêm ít muối ăn.             

Duy Minh