Cần thực chất khi gỡ rào cản cho doanh nghiệp tư nhân phát triển

ANTD.VN - Nếu không có khu vực kinh tế tư nhân, sẽ không có nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa. Nhưng, kinh tế tư nhân tại Việt Nam muốn phát triển vẫn phải vượt qua rất nhiều rào cản.

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cả nước hiện có hơn 600 nghìn doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động. Hầu hết các doanh nghiệp này đều thành lập từ năm 2000 trở lại đây và đa số là doanh nghiệp siêu nhỏ, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, xây dựng và công nghiệp. Là chủ thể quan trọng nhất của nền kinh tế thị trường nhưng đội ngũ doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam còn quá yếu.

Cần thực chất khi gỡ rào cản cho doanh nghiệp tư nhân phát triển ảnh 1Môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng thúc đẩy doanh nghiệp lớn mạnh. Ảnh: LAM THANH

Doanh nghiệp “to” nhưng không “lớn”

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng: “Việt Nam có nhiều doanh nghiệp “to” nhưng đúng nghĩa “lớn” thì chưa có mà chỉ có một số doanh nghiệp “tập lớn”. Doanh nghiệp “lớn” phải có thương hiệu toàn cầu, công nghệ sáng tạo, chi phối được mạng phân phối” . Phân tích sâu hơn lý do doanh nghiệp Việt Nam còn nhỏ, yếu, ông Võ Trí Thành đánh giá, các nỗ lực gần đây của Chính phủ mới chỉ xử lý một vấn đề đó là gia nhập thị trường, còn lại cạnh tranh, chế tài thực thi hợp đồng kinh doanh, rút lui khỏi thị trường vẫn còn ở mức thấp nên doanh nghiệp Việt Nam khó có đủ năng lực cạnh tranh, khó tạo động lực.

Đồng quan điểm này, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận, các chính sách gần đây mới chỉ tập trung giải quyết một yếu tố là cắt giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, trong khi rủi ro cho doanh nghiệp ít được nhắc đến. Đặc biệt, việc thực hiện thủ tục hành chính dẫn đến tăng chi phí cho doanh nghiệp vẫn là rào cản chưa được phá bỏ triệt để. “Còn nhiều dư địa để cải cách nhưng chúng ta chưa nhắc tới” - ông Phan Đức Hiếu nói.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Đình Đoàn - Phó Chủ tịch Hội đồng Trung ương các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam vẫn mang tính “chữa cháy”, mà chưa “phòng cháy”.

Phải ngăn chặn chi phí không chính thức

Doanh nghiệp tư nhân muốn phát triển thì nhất thiết phải tháo gỡ các rào cản nêu trên. Theo ông Phan Đức Hiếu, gỡ nút thắt cho những vấn đề còn chưa được cải cách nêu trên sẽ mở cánh cửa cho doanh nghiệp tư nhân. 

Ông Phạm Đình Đoàn cho rằng, chi phí không chính thức là một trong những rào cản lớn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa: “Nếu làm ăn chân chính thì giàu chậm, nhiều doanh nghiệp phải chuyển hướng kinh doanh. Doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tốt thì lợi nhuận một năm chỉ 2-4%, trong khi đó theo khảo sát của VCCI chi phí không chính thức của doanh nghiệp lên tới 6-8%”. 

Do vậy, để doanh nghiệp tư nhân phát triển, cần ngăn chặn chi phí không chính thức. Bên cạnh đó, phải xóa bỏ sự phân biệt giữa doanh nghiệp Nhà nước với doanh nghiệp tư nhân để các doanh nghiệp được hưởng các điều kiện kinh doanh, các nguồn lực một cách bình đẳng. 

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban pháp chế VCCI, việc chi trả chi phí không chính thức khá phổ biến và tồn tại ở cả doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp  nhỏ, làm thị trường méo mó, cạnh tranh không sòng phẳng, môi trường kinh doanh không minh bạch. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính thuế, phí, lệ phí, đất đai, quản lý thị trường… vẫn là những khó khăn của doanh nghiệp tư nhân. Để khuyến khích đội ngũ này phát triển lớn mạnh, cần tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, đơn giản và hiệu quả.