Cần thiết cải tạo hệ thống chợ dân sinh Hà Nội

ANTD.VN - Liên quan đến đề xuất cải tạo toàn bộ hệ thống chợ của Hà Nội của Liên danh nhà đầu tư, các cơ quan liên quan đã tiến hành thẩm định và cho rằng, việc cải tạo chợ là cần thiết và cấp bách.

Dự án cải tạo, xây mới hệ thống chợ sẽ đáp ứng các yêu cầu về an toàn cháy nổ, vệ sinh môi trường

Báo cáo thẩm định của Sở Công Thương về Dự án đầu tư hệ thống chợ và thí điểm đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới một số chợ trên địa bàn Hà Nội của liên danh có tổng hợp ý kiến của liên ngành vào cuối tháng 4-2018 đánh giá: “Việc thực hiện dự án là cần thiết và cấp bách; phù hợp với chủ trương Sở Công Thương và các sở, ngành đã báo cáo UBND TP Hà Nội. Thực hiện thí điểm là cần thiết để đánh giá, triển khai đồng bộ trên toàn địa bàn thành phố”.

Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho rằng, dự án phù hợp với các quy định hiện hành và mang tính khả thi cao, đem lại lợi ích chung cho thành phố, cho tiểu thương và doanh nghiệp.

Việc rút ngắn thời gian thi công, đảm bảo vị trí kinh doanh, quyền lợi của tiểu thương là cần thiết và phù hợp, mang tính quyết định hiệu quả của dự án sau cải tạo, xây mới. Vì vậy, cơ quan thẩm định đề nghị UBND TP chấp thuận chủ trương lập Dự án theo đề xuất của Liên danh nhà đầu tư.

Tuy nhiên, để dự án khả thi, đại diện cơ quan thẩm định đề nghị liên danh nhà đầu tư lập 1 dự án toàn bộ các chợ có nhu cầu đầu tư xây dựng mới giai đoạn
2018-2022 (gồm 115 chợ) làm cơ sở để tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư theo quy định hiện hành.

Đối với các chợ đầu tư cải tạo, nâng cấp gắn với chuyển đổi mô hình quản lý chợ: Xây dựng từ 4 đến 6 phương án (mỗi phương án tương ứng gồm 20 đến 30 chợ, tổng số 120 chợ) làm cơ sở để tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Đối với dự án thí điểm đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây mới một số chợ trên
địa bàn thành phố, liên danh nhà đầu tư cần lập 1 dự án thí điểm đầu tư xây dựng mới chợ với tổng số 7 chợ, bao gồm 2 chợ do nhà đầu tư đề xuất gồm: Chợ Kiều Mai (phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm) và Chợ Dâu (xã Xuân Canh, huyện Đông Anh);

Bổ sung 5 chợ có nhu cầu cấp bách đầu tư tại huyện Sóc Sơn gồm: Chợ Nam Son - xã Nam Sơn; Chợ Tân Hưng - Xã Tân Hưng; Chợ Việt Long - Xã Việt Long; Chợ Đức Hòa - Xã Đức Hòa; Chợ Kim Lũ - Xã Kim Lũ làm cơ sở để tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Đồng thời, cần lập phương án chuyển đổi mô hình quản lý 7 chợ đang hoạt động theo danh mục nhà đầu tư đề xuất làm cơ sở để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định gồm: Chợ Phú Gia - phường Phú Thượng, quận Tây Hồ; Chợ Đại Từ- phường Đại Kim, quận Hoàng Mai; Chợ Vật liệu xây dựng Đại Mỗ - phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm; Chợ Trung tâm huyện Đông Anh - thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh; Chợ Tế Tiêu - thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức; Chợ Sêu – xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức; Chợ Chẹ - xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì.

Sở Công Thương sẽ là đầu mối để thực hiện các công việc tiếp theo khi triển khai dự án.