Cần lấp những kẽ hở trong thương mại điện tử

(ANTĐ) - Sự việc nào cũng có hai mặt, thương mại điện tử giúp người tiêu dùng và người bán hàng giao dịch được với nhau bất kể vị trí địa lý, nhưng sẽ rất khó khăn khi có tranh chấp xảy ra, bên cạnh đó, vấn đề về bảo mật thông tin cá nhân cũng hết sức quan trọng…
>>> Thương mại điện tử còn nhiều rủi ro

Cần lấp những kẽ hở trong thương mại điện tử

(ANTĐ) - Sự việc nào cũng có hai mặt, thương mại điện tử giúp người tiêu dùng và người bán hàng giao dịch được với nhau bất kể vị trí địa lý, nhưng sẽ rất khó khăn khi có tranh chấp xảy ra, bên cạnh đó, vấn đề về bảo mật thông tin cá nhân cũng hết sức quan trọng…
>>> Thương mại điện tử còn nhiều rủi ro

Thận trọng khi giao dịch điện tử để tránh mất tiền oan
Thận trọng khi giao dịch điện tử để tránh mất tiền oan

Điểm lại một số website thương mại điện tử (TMĐT) nổi tiếng trên thế giới như Amazon.com, Ebay.com… luôn duy trì được lượng khách hàng và doanh số lớn là bởi họ biết chú trọng đến việc bảo vệ lợi ích của khách hàng. Khi mua hàng trên các website này, chỉ cần khách hàng không vừa lòng với sản phẩm đã mua là có thể đổi sản phẩm khác hoặc được hoàn lại tiền một cách nhanh chóng. Thậm chí, người bán hàng nào vi phạm quy định sẽ bị đóng băng tài khoản vĩnh viễn, không được tiếp tục kinh doanh trên website này nữa. Không chỉ thế, nếu quá thời gian hẹn mà bạn chưa nhận được hàng, thì hàng sẽ được gửi trả lại và bạn cũng sẽ được hoàn lại tiền… Chính việc bảo vệ người tiêu dùng (NTD) một cách tuyệt đối như vậy đã tạo nên các thương hiệu TMĐT hùng mạnh nhất trên toàn cầu.

Trong khi đó, việc trao đổi mua bán trên đa số các website thương mại trực tuyến tại Việt Nam chủ yếu diễn ra giữa các cá nhân với nhau, các website chỉ có tính chất làm cầu nối, là nơi để đăng tin và một số website chỉ là địa chỉ để rao vặt. Những kiểu giao dịch này không đủ ràng buộc về mặt pháp lý và tạo nhiều kẽ hở cho nạn gian lận tung hoành.

TS. Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh cho biết: “Môi trường điện tử là môi trường mở, giao kết đa chiều và kết nối qua nhiều trung gian, nên thông tin cá nhân đã trở thành hàng hóa có giá trị đối với các đối tượng làm ăn phi pháp nhằm khai thác, sử dụng trái phép các thông tin này mưu lợi cá nhân”.

Năm 2005, ở nước ta đã có Luật Giao dịch điện tử. Tiếp đó, các văn bản hướng dẫn thi hành luật được ban hành như Nghị định về thương mại điện tử; Thông tư hướng dẫn Nghị định Thương mại điện tử về giao kết hợp đồng trên website thương mại điện tử, Nghị định số 26/2007/NĐ-CP quy định về Chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số ban hành ngày 15-2-2007 và Thông tư số 09/2008/TT-BCT quy định về cung cấp thông tin và giao kết hợp đồng trên website TMĐT. Tuy nhiên trên thực tế, khái niệm bảo vệ thông tin cá nhân và quyền riêng tư về thông tin cá nhân trên môi trường điện tử vẫn còn là một vấn đề mới mẻ tại Việt Nam. Hệ thống pháp luật hiện nay ở nước ta lại vẫn còn thiếu những quy định, chế tài cụ thể về bảo vệ thông tin cá nhân trên môi trường mạng. Điều này đã tạo nên kẽ hở cho những kẻ gian lận.

Theo ông Nguyễn Ngọc Điệp - Tổng Giám đốc Công ty CP Vật giá Việt Nam: “Hiện nay tại nước ta, các website mua bán, rao vặt mới chỉ có tính chất làm cầu nối giữa người mua và người bán. Những chế tài cần thiết để bảo vệ người mua hiện lại rất thiếu. Vì vậy để “giữ chân” khách hàng, yếu tố đầu tiên là phải xây dựng lòng tin cho khách hàng”.

Ông Điệp cho biết thêm, để làm được điều này, các website nên xây dựng các gian hàng an toàn cho khách hàng. Khách hàng mua hàng từ các gian hàng này nếu xảy ra gian lận như sản phẩm không đúng mô tả, hay đã thanh toán tiền mà không nhận được hàng… thì sẽ được hoàn lại tiền… “Vật giá đã thử áp dụng mô hình này, số tiền tối đa đền bù cho khách hàng là 5 triệu đồng. Hình thức này sẽ làm khách hàng yên tâm hơn khi mua hàng qua mạng”, ông Điệp nói.

Cũng tại hội thảo, ông Trần Hữu Linh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cho biết, tháng 12-7-2010, Thủ tướng chính phủ đã ra Quyết định số 1073/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2011-2015 với nội dung chính là bổ sung, sửa đổi và ban hành mới các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để hỗ trợ, tạo điều kiện cho sự phát triển của thương mại điện tử; Văn bản quy phạm pháp luật về quản lý ebsite TMĐT; Các chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật về TMĐT; Các quy định bảo vệ người tiêu dùng và bảo đảm cho người tiêu dùng khi tham gia giao dịch thương mại điện tử được bảo vệ về mặt luật pháp theo chuẩn mực quốc tế như trong giao dịch thương mại truyền thống…

TS. Vũ Thị Bạch Nga cho rằng: “Để thương mại điện tử phát huy tốt ưu điểm của mình, các doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử ngoài việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật còn phải xây dựng lòng tin đối với người tiêu dùng đặc biệt trong bảo mật thông tin, tôn trọng sự riêng tư của người tiêu dùng cũng như giao hàng đúng hạn, trả lời và giải quyết tốt khiếu nại của người tiêu dùng. Về phía người tiêu dùng cũng cần tăng cường việc giám sát các website bán hàng, nếu có nghi ngờ cần dừng ngay các giao dịch”.

Thu Hà