Cần kiểm soát mua bán online

(ANTĐ) - Xu thế tìm kiếm thông tin về các sản phẩm hàng hóa đang trở thành một trong những nhu cầu thiết thân của người tiêu dùng. Tìm mua được một món đồ ưng ý với giá rẻ, lại chính hãng khiến rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ háo hức, ngày này qua ngày khác không ngừng tìm kiếm cơ hội. Nhưng thực tế, việc mua bán trên mạng ẩn chứa quá nhiều rủi ro.

Cần kiểm soát mua bán online

(ANTĐ) - Xu thế tìm kiếm thông tin về các sản phẩm hàng hóa đang trở thành một trong những nhu cầu thiết thân của người tiêu dùng. Tìm mua được một món đồ ưng ý với giá rẻ, lại chính hãng khiến rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ háo hức, ngày này qua ngày khác không ngừng tìm kiếm cơ hội. Nhưng thực tế, việc mua bán trên mạng ẩn chứa quá nhiều rủi ro.

Lê Mạnh Hùng - một doanh nhân trẻ ở Bát Tràng khá thỏa mãn khi mua được một chiếc ĐTDĐ Blackberry 8700 hàng “xách tay” mới 100% từ Mỹ với giá 3,5 triệu đồng. Anh Hùng cho biết, anh thích mua các mặt hàng điện tử, công nghệ thông tin: laptop, điện thoại, máy nghe nhạc trên mạng vì nhiều mặt hàng rẻ hơn nhiều so với chính hãng. Chị Đặng Hoàng Oanh, cán bộ Vụ Hợp tác quốc tế Bộ GD-ĐT cũng rất hồ hởi khi thông tin, chị thường xuyên mua quần áo, các đồ thời trang: ví, giày dép, cả quà tặng trên mạng.

Rất nhiều trang web cung cấp các loại hàng Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, cả hàng chất lượng cao của Việt Nam trên mạng với giá rất hợp lý. Trên mạng, nhiều địa chỉ tin cậy còn tư vấn cho khách hàng mua những sản phẩm như thế nào, chất lượng hàng loại 1, 2, hàng nhái... nên việc lựa chọn hoàn toàn do “thượng đế’, mua hay không mua, phản bác hay tranh luận, tất cả đều thực hiện thông qua diễn đàn, thư điện tử, tài khoản...

Ngoài các trang web chuyên về dịch vụ mua bán hàng trên mạng được phép hoạt động, những trang web “nghiệp dư” cũng nở rộ “chợ ảo” mua bán, trao đổi hàng hóa trên các diễn dàn (forum), PR sản phẩm bằng cách chụp ảnh nhiều góc độ, mô tả đặc tính, hình dáng, giá cả... sản phẩm và cách thức liên lạc... Sau khi thống nhất, người mua có thể gặp trực tiếp người bán, giao tiền hoặc chuyển tiền vào tài khoản người bán ở ngân hàng; người bán sau khi kiểm tra số tiền đã được chuyển sẽ chuyển hàng đến người mua qua đường chuyển phát nhanh hoặc trực tiếp mang đến.

Vì thế từ nhiều năm nay, nhu cầu mua hàng trên mạng phát triển mạnh. Khá nhiều người kinh doanh không cần mở cửa hàng, không cần đăng ký kinh doanh, không cần nộp thuế vẫn bán được hàng ngay tại nhà. Ông Trương Tiến Dương, giám đốc một công ty chuyên cung cấp I-phone cho biết, chính vì mua bán trên mạng không kiểm soát được nguồn hàng, chất lượng hàng hóa nên nguy cơ bị lừa là rất lớn, nhất là đối với ĐTDĐ.

Hiện nay hàng Trung Quốc nhái các hãng lớn khá nhiều. Chẳng bao giờ I-phone đã bẻ khóa có giá 2 triệu đồng, hay Blackberry chỉ 500.000 đồng. Đấy chưa kể nhiều trang mua bán còn công khai chỉ rõ hàng thật, hàng nhái đối với các dòng sản phẩm đồng hồ, thời trang cao cấp để người mua tự chọn lựa... Có nhiều địa chỉ còn bán các thiết bị cấm như dao kiếm, dùi cui điện, hàng nhập lậu, rất nguy hiểm.  

Theo số liệu tại Chi cục QLTT Hà Nội, ngày 21-5, Đội QLTT số 14 kiểm tra tại một địa chỉ trong ngõ 162 Thái Hà chuyên kinh doanh hàng qua mạng, đã thu giữ 41 ĐTDĐ hiệu Nokia, Vertu, Mobiado, Gucci, Gresso, Aaghever, Louis Vuitton có xuất xứ từ Nga, Phần Lan, Anh, Thụy Sỹ, Canada. Tuy nhiên theo đại diện của các hãng này tại Việt Nam, số hàng này đều là giả.

Trước đó, Đội QLTT số 6 cũng phát hiện Công ty CP Tầm nhìn Đại Việt kinh doanh dịch vụ thương mại trực tuyến ở xã Cổ Nhuế, Từ Liêm có dấu hiệu vi phạm, doanh thu của doanh nghiệp này đạt trên 2,7 tỷ đồng nhưng không kê khai vào tờ khai thuế GTGT và thu nhập doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Công San, đội trưởng Đội QLTT số 1 nhìn nhận, với việc Internet ngày càng được ứng dụng rộng rãi, người tiêu dùng phải tự trang bị kiến thức, cẩn trọng và tự bảo vệ mình, cảnh giác và không nên mua bán hàng hóa chưa được kiểm tra chất lượng, chưa xác định nguồn gốc hàng hóa để tránh mua phải những loại hàng giả, hàng kém chất lượng. Một đại diện Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương cũng cho biết, những địa chỉ kinh doanh qua mạng không có giấy phép của cơ quan chức năng đều vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý về tội kinh doanh trái phép.

Vì thế khi người tiêu dùng gặp sự cố mua phải hàng giả, hàng nhái, cần liên lạc trực tiếp với nơi mua bán hàng để khiếu nại, sau đó thông tin cho cơ quan QLTT để tiến hành kiểm tra, xác định nguồn gốc và tính hợp pháp của hàng hóa cũng như hoạt động kinh doanh của các website này. Bà Trần Thu Huyền, một người tiêu dùng cho rằng, mua bán trên Internet tạo thuận lợi cho người dân không mất thời gian và công sức lựa chọn từ thực phẩm, hàng tiêu dùng đến thời trang, mỹ phẩm, điện thoại, laptop... với giá khá rẻ, song có thể của rẻ là của ôi, hoặc bị lừa bán hàng giả, hàng lậu.

Trước thực trạng này, Chi cục QLTT Hà Nội đang đề xuất tiến hành kiểm tra toàn diện đối với hình thức kinh doanh hàng trực tuyến nhằm kiểm soát hàng hóa được mua bán qua mạng, tránh thất thu thuế, làm lành mạnh hóa thị trường, đảm bảo quyền lợi của Nhà nước và người tiêu dùng.                 

Bảo Lâm