Giữ ổn định tỷ giá:
Cần huy động USD trong dân và doanh nghiệp
(ANTĐ) - Để làm dịu những biến động mạnh về tỷ giá USD/VND, những ngày vừa qua, Thường trực Chính phủ đã có thông báo sẽ giữ ổn định tỷ giá từ nay đết Tết Nguyên đán. Trao đổi với PV ANTĐ, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng, cần thực hiện thêm một số biện pháp khác để giữ ổn định tỷ giá.
- Theo ông Lê Đức Thúy - Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, 3 giải pháp lớn để giữ ổn định tỷ giá là: tăng cường tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp có niềm tin vào chính sách; Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải bán ngoại tệ ra và bãi bỏ ngay khuyến nghị giảm lãi suất VND. Ý kiến của ông về các giải pháp trên như thế nào?
- TS Nguyễn Minh Phong: Tôi cho rằng biện pháp thứ nhất và thứ ba rất tốt, nhưng tôi nghi ngờ biện pháp bán ngoại tệ ra. Kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng ở Thái Lan năm 1998 cho thấy, khi đó, mỗi ngày họ bán ra 20 tỷ USD để giữ tỷ giá thấp. Trong 6 ngày, họ bán hết 120 tỷ USD sau đó tuyên bố phá sản. Mà “buộc” tỷ giá không nổi thì Nhà nước phải thả nổi; thả nổi sẽ gây ra khủng hoảng.
Việt Nam đã tung ra lượng tiền lớn để kích thích kinh tế, vậy ngoại tệ của Việt Nam giờ còn bao nhiêu? Nhu cầu ngoại tệ thì vô cùng. Ngoài nhu cầu thực tế cần có USD để trả nợ và nhập khẩu, còn có nhu cầu buôn bán, đầu cơ. Nếu NHNN chỉ bán thông qua một số ngân hàng thôi thì dứt khoát sẽ có đầu cơ. Các ngân hàng được mua giá rẻ, nhưng họ bán ra giá cao, tạo điều kiện cho họ hưởng chênh lệch về giá.
Để ổn định tỷ giá, theo tôi ngoài các biện pháp trên, cần mở cửa tối đa cho luồng tiền từ nước ngoài vào nhưng không phải thông qua vốn gián tiếp. Ví dụ họ gửi vào để hưởng chênh lệch giá thấp trong nước và ngoài nước, xong rút ra đột ngột. Nên mở kênh kiều hối. Ngoài ra, cần gia tăng các biện pháp kích thích doanh nghiệp bán USD với cơ chế họ sẽ có lợi. Ví dụ, doanh nghiệp bán cho ngân hàng bằng này USD, sẽ nhận được cam kết từ ngân hàng sẽ bán ra số lượng tương ứng khi doanh nghiệp cần theo tỷ giá thị trường, thay vì việc ngân hàng chỉ dễ khi mua vào, đến khi doanh nghiệp cần lại không bán. Với người dân cũng như vậy.
- Có ý kiến cho rằng, giá vàng và USD tăng đột biến trong thời gian qua phần nhiều do tác động của yếu tố tâm lý. Các biện pháp nêu trên có giải quyết được vấn đề này?
- TS Nguyễn Minh Phong: Phải làm rõ nguyên nhân vì sao tỷ giá tăng. Thứ nhất, lâu nay, đồng tiền Việt Nam vẫn thuộc diện có giá cao so với giá trị thực của nó. Vì thế mà trong bối cảnh đồng USD hạ giá thì VND không thể giữ được. Thứ hai, trong bối cảnh giá vàng tăng vọt, giá đồng tiền khác trên thế giới cũng hạ liên tục thì không có lý gì VND lại đứng lại. Thứ ba, cung cầu USD của Việt Nam trong năm 2010 tương đối khó khăn. Bằng chứng là việc các ngân hàng công bố tỷ giá chính thức nhưng doanh nghiệp không mua được theo giá đó, tất cả theo giá chợ đen. Thứ tư, cuối năm, các khoản nợ đến hạn, nhu cầu USD tăng lên để nhập khẩu… khiến lượng cầu USD tăng vọt. Cuối cùng, do Thông tư 22 khiến đồng USD tăng, việc săn lùng đồng USD tăng, tạo sức ép tăng tỷ giá.
Cần huy động thêm ngoại tệ trong dân để tránh tình trạng khan hiếm |
Theo tuyên bố, NHNN sẽ bán USD ra. Như vậy thì quá tốt bởi doanh nghiệp và người dân sẽ yên tâm về giá trị VND. Các hợp đồng kinh doanh cũng được ký kết có thời hạn rõ ràng. Nhưng có thể không tốt ở chỗ, lượng USD nhập không đủ để đáp ứng cầu, bán không theo kênh phổ biến rộng rãi để đến đúng người cần, có thể dẫn đến đầu cơ ngoại tệ và làm giảm nhanh chóng lượng ngoại tệ quốc gia. Doanh nghiệp vẫn phải mua giá cao, tiền Nhà nước sẽ chui vào túi một vài người. Hai là, khi thế giới có hiện tượng đột biến về giá, ví dụ gắn với việc Mỹ vừa tung ra 600 tỷ USD gần đây, đồng USD càng hạ giá nhanh, có thể làm tăng nhập siêu. Khan hiếm USD lại tiếp tục bởi USD đã bán ra không quay về ngân hàng (ngân hàng không thể mua với tỷ giá đó).
- Hiện tại, nhiều doanh nghiệp có ý định tăng giá các mặt hàng do biến động tỷ giá. Theo ông, giá tăng có hợp lý?
- TS Nguyễn Minh Phong: Cần có quan điểm phân biệt rạch ròi. Xưa nay mình suy nghĩ một chiều, cứ giá nhập đắt lên là doanh nghiệp dồn vào giá đầu ra. Tôi cho rằng không nên như vậy. Cứ để các doanh nghiệp nhập với giá đắt, họ lên giá mà hàng không bán được thì buộc họ phải chuyển sang dùng hàng trong nước để sản xuất. Doanh nghiệp kêu kệ họ. Họ cần biết thị trường có chấp nhận hay không. Việc bám vào tỷ giá thay đổi để tăng giá hàng hóa là lý do doanh nghiệp đưa ra thôi, còn thực chất thì vấn đề là cơ chế cạnh tranh. Các doanh nghiệp cứ giá nhập tăng, giá xuất tăng theo, rất hành chính mà không có cạnh tranh.
Hà Linh - Anh Tú
(Thực hiện)