Cần điều chỉnh phạm vi, hàm lượng chính sách

(ANTĐ) - Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi tương đối khả quan. Thời điểm này, Việt Nam nên làm gì để thúc đẩy phát triển kinh tế? Ông Đinh Văn Nhã - Phó Chủ nhiệm ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đã trao đổi với báo giới xung quanh vấn đề này.

Kinh tế có dấu hiệu phục hồi:

Cần điều chỉnh phạm vi, hàm lượng chính sách

(ANTĐ) - Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi tương đối khả quan. Thời điểm này, Việt Nam nên làm gì để thúc đẩy phát triển kinh tế? Ông Đinh Văn Nhã - Phó Chủ nhiệm ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đã trao đổi với báo giới xung quanh vấn đề này.

- Thưa ông, Việt Nam nên tiến hành công việc gì trước tín hiệu kinh tế dần phục hồi hiện nay?

- Ông Đinh Văn Nhã: Bối cảnh kinh tế của chúng ta đã khác so với 4 - 5 tháng trước. Chúng ta đang ở giai đoạn tăng trưởng trở lại và đòi hỏi có sự điều chỉnh về phạm vi, hàm lượng của các chính sách, nhất là chính sách tiền tệ, chính sách ưu đãi thuế. Nếu tình hình tăng trưởng tốt, sẽ phải rà soát, điều chỉnh lại các chính sách thuế, đặc biệt là vấn đề miễn giảm thuế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa phục hồi có điều kiện phát triển nhưng cũng không làm thất thu, giảm thu ngân sách. Đây là thời điểm phải xem xét nội dung và hàm lượng các chính sách một cách tỉnh táo, linh hoạt.

Kinh tế đang có tín hiệu phục hồi
Kinh tế đang có tín hiệu phục hồi

- Như vậy là chúng ta phải điều chỉnh các mục tiêu, chính sách, cơ cấu trong tăng trưởng?

- Ông Đinh Văn Nhã: Tôi cho rằng nếu có sự điều chỉnh về chính sách thì nên điều chỉnh các chính sách quan trọng như: tiền tệ, tài chính vì nó tác động rất lớn đến cơ cấu của nền kinh tế. Cơ cấu lại nền kinh tế là bài toán lớn và chúng ta không thể xử lý được trong một năm. Một số chuyên gia cho rằng, các chính sách chống suy giảm kinh tế của chúng ta trong thời gian qua chưa có tác động nhiều trong việc cơ cấu lại nền kinh tế. Chính sách được điều chỉnh phải có vai trò hỗ trợ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

- Sau khi xác định lại mục tiêu tăng trưởng thì cơ cấu tăng trưởng của nền kinh tế sẽ đi theo hướng nào?

- Ông Đinh Văn Nhã: Về xuất khẩu, năm nay chúng ta có thể không đạt được kim ngạch, mục tiêu. Kinh tế Việt Nam phát triển được, có tăng trưởng tốt nhưng vẫn phụ thuộc thị trường xuất khẩu. Tôi cho rằng, cần tiếp tục hỗ trợ cho công tác xúc tiến thương mại để tìm ra các thị trường mới.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ cho thị trường nội địa cũng là vấn đề quan trọng. Việc điều chỉnh chính sách phải có sự lựa chọn, gắn với tác động chuyển dịch cơ cấu, hỗ trợ sao cho doanh nghiệp tiếp tục sản xuất được.

- Theo ông, Việt Nam có nên triển khai gói kích cầu thứ hai?

- Ông Đinh Văn Nhã: Chúng ta đã triển khai gói kích cầu giải quyết vốn lưu động và hỗ trợ lãi suất vay vốn trung hạn, thời gian là 24 tháng. Trước tình hình hiện nay, với tác động của hàng loạt các giải pháp, các doanh nghiệp duy trì được sản xuất và có dấu hiệu tăng trưởng.

Một số chuyên gia cho rằng cần phải có gói kích cầu thứ hai về tiêu thụ, nhất là tiêu thụ nội địa, tiêu dùng trong sản xuất, tiêu dùng trong sinh hoạt. Tôi nghĩ là hệ thống các ngân hàng đã triển khai cho vay tiêu dùng. Nếu chúng ta tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất để kích thích tiêu thụ nội địa cũng là việc nên làm trong khi thị trường xuất khẩu chưa có dấu hiệu mở rộng trở lại.

- Theo ông, để tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần làm gì?

- Ông Đinh Văn Nhã: Theo tôi, Ngân hàng NN&PTNT có khách hàng phần lớn là nông dân nên tiếp tục thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất đến đối tượng này. Nguồn tín dụng của ngân hàng này cần thiết được nới lỏng để có thêm hàng triệu hộ nông dân tiếp cận được với nguồn vốn hỗ trợ lãi suất.

Phải có sự sáng tạo, linh hoạt, đặc biệt ưu tiên khu vực nông nghiệp, nông thôn. Quy mô các dự án vay ở khu vực này không lớn, vài trăm triệu đến vài tỷ đồng chứ không đến hàng mấy chục tỷ đồng nên không lo ngại là khu vực này sẽ có tác động lớn đến nguy cơ lạm phát.

Vân Hằng (Ghi)