Cải cách để duy trì tăng trưởng
(ANTĐ) - Sáng 7-4, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á-Thái Bình Dương. Các chuyên gia kinh tế của WB cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5% của Việt Nam là hoàn toàn khả thi.
Giá cả tăng khá mạnh khiến mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 7% trở nên khó khăn |
Khu vực “đầu tàu”
Theo nhận định của WB, khu vực Đông Á-Thái Bình Dương là khu vực đầu tiên phục hồi sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Các nước đang phát triển trong khu vực này có thể phát triển một cách nhanh chóng trong thập kỷ tới, ngay cả khi kinh tế thế giới có thể suy yếu. WB cho rằng, để phát triển mạnh các nước này cần tiến hành cải cách cơ cấu mạnh và hợp tác chặt chẽ hơn trong hội nhập kinh tế khu vực và biến đổi khí hậu. Với tư cách là “đầu tàu” kinh tế toàn cầu, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế ở các nước đang phát triển của Đông Á có khả năng tăng tới 8,7% trong năm 2010.
Theo bản báo cáo, việc tập trung cải tổ cơ cấu mang ý nghĩa khác nhau đối với từng quốc gia. Đối với các nước thu nhập trung bình trong khu vực như Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, ưu tiên là đầu tư vào cơ sở vật chất và nhân lực để khuyến khích sự di chuyển lên chuỗi giá trị cao hơn trong sản xuất và xuất khẩu. Các nước thu nhập thấp như Lào và Campuchia cần tập trung vào ngành công nghiệp sản xuất và trở thành một phần của mạng lưới sản xuất khu vực và toàn cầu.
Ông Ivailo Izvorski, chuyên gia kinh tế trưởng và là tác giả chính của Báo cáo cập nhật nhận định: “Thị trường khu vực cho hàng hóa và dịch vụ sẽ ngày càng tạo ra nhiều cơ hội cho việc mở rộng. Hội nhập sâu hơn sẽ thúc đẩy thương mại hậu công nghiệp trong mạng lưới sản xuất khu vực và toàn cầu, khuyến khích hội tụ các nền kinh tế, giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh quốc tế”.
Phục hồi kinh tế được củng cố
Theo đánh giá của WB, mặc dù có tỉ lệ xuất khẩu trong GDP cao và nền kinh tế mở nhưng Việt Nam đã chống chọi với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tốt hơn so với dự kiến. Sự phục hồi kinh tế đâ được củng cố trong những tháng gần đây, với GDP thực tăng 6,9% trong quý cuối năm 2009 so vói cùng kỳ năm trước. Và tốc độ tăng trưởng khoảng 6% vào quý I năm 2010 cũng rất đáng khích lệ.
WB cho rằng, Việt Nam có thể đạt được một cách dễ dàng mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2010 là 6,5%. Tuy nhiên, nhiệm vụ thách thức hơn là phải giữ cho lạm phát ở dưới mức 7%. Các chính sách tiền tệ thắt chặt hơn đã làm cho tỉ giá hối đoái trên thị trường tự do tiến gần với biên độ chính thức hơn và khiến thị trường chứng khoán đã có sự điều chỉnh đáng kể, nhưng chỉ là tạm thời.
Theo ông Vikram Nehru, chuyên gia kinh tế trưởng WB tại khu vực Đông Á Thái Bình Dương, đầu năm 2010 Việt Nam phải chịu sức ép lớn của lạm phát. Tăng lãi suất sẽ là một giải pháp nhằm làm nguội sức ép lạm phát, đồng thời tạo hiệu ứng tốt với các dòng vốn tài chính. Tuy nhiên, Chính phủ cũng chỉ có thể kiểm soát phần nào lạm phát vì có nhiều yếu tố tác động trong đó lạm phát còn phụ thuộc nhiều vào giá cả thế giới.
Vấn đề cán cân thanh toán, vẫn có thể thách thức đối với các cơ quan quản lý Nhà nước vào năm 2010 nhưng vì mới qua Tết nên khó có thể đoán định được xu hướng. Trong khi chờ đợi giá cả biểu hiện xu hướng rõ hơn, Chính phủ vẫn đang thực hiện một số biện pháp nhằm củng cố hệ thống ngân hàng.
Chính phủ cũng được kỳ vọng sẽ giảm dần thâm hụt ngân sách. Kế hoạch ngân sách năm 2010, trong đó dự tính thâm hụt khoảng 6,2% GDP, đòi hỏi thu hẹp chi đáng kể so với năm 2009, nhưng vẫn là chính sách mở rộng so với những năm trước đó. Nợ của Việt Nam có thể sẽ vẫn ở mức bền vững nếu duy trì được đà phục hồi kinh tế hiện nay.
Hùng Anh