Các nhà đầu tư Nga không muốn chậm chân
(ANTĐ) - Tại Hà Nội, cuộc gặp gỡ giữa gần 100 doanh nghiệp Nga và doanh nghiệp (DN) Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư đã thêm khẳng định sức hút ngày càng mạnh mẽ của thị trường Việt Nam, đồng thời, hứa hẹn sự hợp tác mới của hai nước Việt Nam - Liên bang Nga.
Lợi thế so sánh của Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT cho biết, các DN Nga đến Việt Nam lần này đã củng cố thêm niềm tin vào một làn sóng đầu tư mới ở Việt Nam.
Sự nỗ lực cải cách mạnh mẽ nền kinh tế theo cơ chế thị trường của Việt Nam đã xóa bỏ những “hoài nghi, băn khoăn” trước đây của các doanh nghiệp FDI về sự “độc quyền” của các DN Nhà nước, tạo một môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh.
Ông Nguyễn Văn Phạm - Tổng Giám đốc Ngân hàng Liên doanh Việt Nga nói, sức hấp dẫn của Việt Nam có thể nhận thấy qua sự nổi lên của thị trường tài chính Việt Nam.
Nếu như năm 2006, chỉ có 19 quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với tổng vốn gần 2 tỷ USD thì 10 tháng năm nay, đã có 30 quỹ đầu tư nước ngoài, với tổng vốn vào thị trường nội địa là 3 tỷ USD.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng trung bình 60% trong 3 năm liên tiếp. Nếu năm 2006, quy mô giao dịch chỉ khoảng 43 triệu USD thì đến nay, đã ở mức trên 100 triệu USD.
23 dự án thuộc danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư FDI của Việt Nam đã được giới thiệu với nhà đầu tư Nga như dự án Tổ hợp Tháp đa năng, dự án phát triển khu đô thị mới Linh Đàm của Công ty HUD, dự án thủy điện Hủa Na của Lilama, khu đô thị mới Thịnh Liệt của Licogi....
Đặc biệt, hai dự án Trung tâm thương mại Hà Nội - Matxcơva và Trung tâm thương mại TP Hồ Chí Minh - Matxcơva tại Matxcơva, Liên bang Nga được chú ý quan tâm có thể góp phần tạo điều kiện kinh doanh ổn định cho Việt kiều tại Nga.
Sẽ có nhiều cơ hội giao thương giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước Việt - Nga |
Liên bang Nga - người bạn truyền thống
Tại cuộc gặp gỡ, ông Hoàng Thọ Thái - Trưởng ban Kiểm soát Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam đã bày tỏ, có thể hợp tác với các nhà đầu tư Nga trong các công trình trọng điểm của VNPT như dự án xây dựng mạng cáp biển trong nước và quốc tế, dự án mở rộng, hiện đại hóa mạng nội hạt, khai thác, kinh doanh hiệu quả vệ tinh viễn thông VINASAT, các dự án phát triển công nghệ mới như Wimax, NGN...
Trong lĩnh vực truyền thống là dầu khí, ông Nguyễn Văn Minh - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng cho biết, từ nay đến 2025, ngành sẽ cần khoảng 30 tỷ USD vốn đầu tư, trong đó, mong muốn sẽ có khoảng 14 tỷ USD từ các đối tác.
Nga đã rất thành công trong thăm dò, khai thác dầu khí ở Việt Nam và Xí nghiệp liên doanh Vietsopetro ra đời trên 20 năm là một điển hình. Gần đây, hợp đồng dầu khí với hai đối tác Nga là Zarubejhneft và Gazprom đang rất khả quan.
Petrovietnam mong muốn DN Nga có thể đầu tư tiếp tại khu vực nước sâu, xa bờ, có điều kiện địa chất phức tạp, các điểm mỏ nhỏ, có hàm lượng CO2 lớn và khẳng định, sẽ có những điều khoản hấp dẫn cho đối tác Nga trong hợp đồng.
Và, Nga còn là một cửa ngõ tốt, để các DN Việt Nam xúc tiến thương mại với cộng đồng các nước thuộc Liên Xô cũ, vốn là thị trường quen thuộc.
Phạm Huyền