Các nhà bán lẻ phản đối quy định "buộc siêu thị phải giao hàng tận nhà, bán hàng qua internet"

ANTD.VN - Theo Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), quy định buộc siêu thị phải giao hàng tận nhà, kinh doanh qua internet trong dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối do Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương soạn thảo là không thực tế. 

Không nên can thiệp quá sâu vào quyền kinh doanh của siêu thị, trung tâm thương mại

Là tổ chức hội của nhiều siêu thị lớn, liên quan trực tiếp đến hoạt động của các nhà bán lẻ, siêu thị, trung tâm thương mại, AVR cho hay, quy định siêu thị phải có "các dịch vụ giao hàng tận nhà, bán hàng qua internet, qua bưu điện, điện thoại", AVR đề nghị bỏ bởi lẽ, quy định "bắt buộc như vậy là không thực tế, không nhất thiết siêu thị nào cũng phải có mà còn tuỳ thuộc vào cách kinh doanh của từng siêu thị".

Về quản lý, điều hành siêu thị, trung tâm thương mại, quy định "sử dụng các công ty địa phương tại Việt Nam đối với các dịch vụ liên quan đến pháp lý hoặc chuyên môn khác" cũng bị phản đối do "không phù hợp với tinh thần hội nhập và hạn chế quyền của siêu thị, trung tâm thương mại". 

Tương tự, quy định về hàng hóa dịch vụ, kinh doanh tại siêu thị cần phải "ổn định và thường xuyên" cũng chưa rõ ràng. AVR đặt vấn đề: "Với những mặt hàng có tính chất mùa vụ thì sao?".

Đồng quan điểm với góp ý của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trước đó cho dự thảo này, AVR cũng không đồng tình với quy định về diện tích siêu thị, về thời gian đóng cửa, mở cửa siêu thị, trung tâm thương mại và quy định khuyến mãi.

AVR đề nghị không có quy định "cứng" mà cần linh hoạt, dành cho doanh nghiệp quyền tự quyết.

Trước đó, VCCI cũng góp ý với dự thảo Nghị định nêu trên. VCCI cũng thẳng thắn nêu ra những quy định bất hợp lý của dự thảo liên quan đến siêu thị, trung tâm thương mại và chợ. Theo VCCI, những quy định này có thể phát sinh thêm "giấy phép con".

Trước những góp ý này, Bộ Công Thương cho biết, dự thảo là bước đầu tiên để lấy ý kiến trước khi hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ xem xét.

Theo Bộ Công Thương, khi đề xuất xây dựng dự thảo này, mục tiêu Bộ Công Thương đưa ra là khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành, đồng thời đảm bảo tính kế thừa của các quy định còn phù hợp của các văn bản có liên quan. Từ đó, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng và trung tâm đấu giá hàng hóa cũng như các hoạt động kinh doanh bán buôn, bán lẻ, đại lý, nhượng quyền thương mại, mua bán sáp nhập có liên quan;

Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập kinh tế quốc tế; bảo vệ người tiêu dùng.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện đề xuất xây dựng dự thảo Nghị định.