Các ngân hàng đang nắm giữ bao nhiêu trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

ANTD.VN - Ngân hàng mua nhiều trái phiếu doanh nghiệp nhất 8 tháng đầu năm là MBBank (3.770 tỷ đồng), PVCombank (1.900 tỷ đồng), Techcombank (1.510 tỷ đồng), MSB (1.150 tỷ đồng)… Ngân hàng nắm giữ nhiều TPDN nhất vẫn là Techcombank với số dư là 60.663 tỷ đồng tại 30/6/2019.

Ước tính 8 tháng đầu năm 2019 tổng lượng chào bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là hơn 129.000 tỷ đồng và lượng phát hành là hơn 117.100 tỷ đồng, tỷ lệ phát hành thành công toàn thị trường là 90,8%, quy mô thị trường tăng mạnh lên mức khoảng 10,2% GDP.

Chủ thể phát hành lớn nhất vẫn là các ngân hàng thương mại (NHTM) với tổng giá trị phát hành là 56.000 tỷ đồng (chiếm 47,9%); tiếp đó là các doanh nghiệp bất động sản phát hành 36.946 tỷ đồng (chiếm 31,5%); các doanh nghiệp phát triển hạ tầng phát hành 9.207 tỷ đồng (chiếm 7,9%); các định chế tài chính phi ngân hàng phát hành 4.423 tỷ đồng (chiếm 3,8%); còn lại là các doanh nghiệp khác.

Về lãi suất, tính bình quân gia quyền theo giá trị phát hành trong 8 tháng đầu năm 2019, lãi suất trái phiếu trung bình là 8,3%/năm và kỳ hạn trái phiếu bình quân là 3,4 năm. Có tới 62.7% trái phiếu phát hành là lãi suất cố định (tức là 73.000 tỷ đồng), còn lại là lãi suất thả nổi. Tuy nhiên, nếu loại trừ trái phiếu ngân hàng thì cơ cấu này có sự đảo ngược với 66% là thả nổi và 34% là cố định.

Các ngân hàng đang nắm giữ lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Hầu hết trái phiếu ngân hàng có lãi suất cố định và trả lãi hàng năm. Lãi suất và kỳ hạn bình quân của nhóm ngân hàng là 6,75%/năm và 3,3 năm.

Nếu loại trừ nhóm ngân hàng, mức lãi suất bình quân các nhóm còn lại là 9,72%/năm trong đó cao nhất là lãi suất trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản (10,01%/năm), rồi đến nhóm phát triển hạ tầng (9,79%/năm); nhóm định chế tài chính (8,64%/năm).

Trong 8 tháng đầu năm 2019, bất động sản là lĩnh vực có các doanh nghiệp tham gia chào bán trái phiếu doanh nghiệp đông đảo nhất với 44/108 doanh nghiệp. Tổng lượng chào bán là 47.804 tỷ đồng nhưng chỉ có 36.946 tỷ đồng được phát hành, dư bán 10.858 tỷ đồng.

Lãi suất trái phiếu bình quân của tất cả các trái phiếu BĐS phát hành 8 tháng đầu năm 2019 là 10,01%/năm. Chỉ có 4 doanh nghiệp huy động được trái phiếu có lãi suất từ 8% trở xuống. Khoảng lãi suất từ 10% đến dưới 11%/năm chiếm tỷ trọng lớn nhất (41,5%). Tiếp theo là khoảng từ 11% đến dưới 12%/năm (21,5%). Như vậy, 94.3% trái phiếu bất động sản phát hành có lãi suất dưới 12%/năm.

Có 8 lô phát hành của 5 doanh nghiệp với tổng giá trị phát hành là 2.079 tỷ đồng trái phiếu có lãi suất từ 12%/năm trở lên (5,7%) trong đó cao nhất là 200 tỷ đồng phát hành ngày 8/4/2019 của CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt (PDR) với mức lãi suất 14,45%/năm.

Trong tổng số 36.876 tỷ đồng TPDN bất động sản được phát hành, có 7.410 tỷ đồng (20,1%) được mua bởi các ngân hàng thương mại, 3.250 tỷ đồng (8,8%) được mua bởi các công ty chứng khoán và 22.664 tỷ đồng (61.5%) chỉ có thông tin chung chung là do nhà đầu tư trong nước trong nước mua.

Bên cạnh BĐS, các ngân hàng cũng mua  3.750 tỷ đồng TPDN các lĩnh vực khác. Như vậy, có 9 ngân hàng thương mại đã mua vào 11.160 tỷ đồng, chiếm 9,6% lượng TPDN phát hành trong 8 tháng đầu năm 2019. Trong đó mua nhiều nhất là MBBank (3.770 tỷ đồng), PVCombank (1.900 tỷ đồng), Techcombank (1.510 tỷ đồng), MSB (1.150 tỷ đồng)…

Ngân hàng nắm giữ nhiều TPDN nhất vẫn là Techcombank (TCB) với số dư là 60.663 tỷ đồng tại 30/6/2019.