Các dự án BOT "đói vốn", ngân hàng liệu có "mở hầu bao"?

ANTD.VN - Chủ đầu tư kêu ca về việc ngân hàng "quay lưng" với các dự án BOT, còn phía ngân hàng cho rằng việc cho vay BOT tiềm ẩn nhiều rủi ro do số vốn vay lớn, thời gian vay dài trong khi hàng loạt vấn đề liên quan đến thu hồi vốn các dự án BOT vẫn đang chưa có lời giải...

Nhiều dự án “dài cổ” chờ vốn

Dự án BOT Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận do Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận làm chủ đầu tư, dù đã nhận được cái “gật đầu” tài trợ vốn của 3 ông lớn ngân hàng là Vietinbank, BIDV, Agribank nhưng bài toán về vốn vẫn là thách thức lớn.

Số vốn do 3 ngân hàng trên thống nhất cho vay tối đa 5.800 tỷ đồng, trong đó VietinBank cam kết cung cấp 3.300 tỷ đồng; BIDV cam kết cung cấp 1.500 tỷ đồng và Agribank cung cấp khoảng 1.000 tỷ đồng.

Cộng với phần vốn hỗ trợ của Nhà nước là 2.186 tỷ đồng, số vốn chủ sở hữu mà nhà đầu tư có thể huy động tối đa là 3.400 tỷ đồng, dự án này vẫn thiếu khoảng 1.282 tỷ đồng (tổng mức đầu tư vừa được điều chỉnh là 12.668 tỷ đồng).

Không chỉ dự án Trung Lương - Mỹ Thuận thiếu vốn mà hiện nay, hàng loạt dự án BOT cao tốc khác cũng đang gặp khó khăn trong việc thu xếp nguồn tín dụng như dự án Hữu Nghị - Chi Lăng; Vân Đồn - Móng Cái; Đồng Đăng – Trà Lĩnh; Hòa Bình – Mộc Châu…

Nhiều chủ đầu tư kêu ca về việc các ngân hàng “quay lưng” với các dự án BOT mà chỉ ưu tiên cho vay thương mại, bất động sản. Trong khi, mỗi dự án BOT vốn hàng chục nghìn tỉ đồng, doanh nghiệp sẽ phải vay khoảng 60-70% tổng vốn đầu tư dự án.

Các dự án BOT cần đến hàng nghìn tỷ đồng vốn ngân hàng với thời gian vay hàng chục năm

Mới đây, Chính phủ đã chỉ đạo đấu thầu rộng rãi trong nước đối với dự án Cao tốc Bắc - Nam. Nếu các nhà đầu tư trong nước có cơ hội tham gia các dự án này thì cũng đồng nghĩa đặt thêm “gánh nặng” đối với hệ thống ngân hàng về nguồn vốn cho các dự án BOT.

Ngân hàng sẽ vào cuộc, nhưng…

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, việc tham gia các dự án cao tốc, BOT giao thông “có thể nói quyết tâm cao và trách nhiệm của hệ thống ngân hàng”.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, vốn cho các dự án BOT giao thông là vấn đề rất nóng, vì thứ nhất là cơ cấu huy động vốn của các ngân hàng vẫn chủ yếu huy động ngắn hạn nhưng cho vay BOT thì dài hạn, ít nhất 15 – 20 năm.

Thứ hai là cho vay các dự án BOT thì số vốn rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng chứ không phải vài chục tỷ đồng.

Thứ ba là các chỉ số an toàn về vốn của các ngân hàng khi cho vay BOT cũng phải đặt ra: một làngân hàng không được cho vay vượt quá 15% vốn tự có với một đơn vị vay; hai là hệ số an toàn vốn (CAR), nếu các ngân hàng không được bổ sung kịp thời vốn điều lệ thì cũng hết sức khó khăn. Ngoài ra, chưa kể trách nhiệm tín dụng cung ứng vốn cho các lĩnh vực khác, đặc biệt là 5 lĩnh vực ưu tiên của các ngân hàng thương mại.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, dự án Trung Lương - Mỹ Thuận đã cơ bản được giải quyết về vốn. Ngoài ra, hàng loạt các dự án BOT cũng đang đề xuất tín dụng mà tới đây ngành ngân hàng cũng phải quan tâm như: tuyến cao tốc Lạng Sơn - Cửa khẩu Hữu Nghị cần hơn 8.000 tỷ đồng; Dự án đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh đề xuất 20.000 tỷ; tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu cần 22.000 tỷ đồng… Đây mới là các dự án BOT phía Bắc, chưa nói đến việc nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường cao tốc ở phía Nam.

Riêng với dự án cao tốc Bắc - Nam, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, chắc chắn hệ thống ngân hàng sẽ phải có trách nhiệm quan tâm.

“Tuy nhiên, mức độ quan tâm và xử lý bằng cách nào cho phù hợp. Ngành ngân hàng sẽ cố gắng trong điều kiện khả năng cân đối nguồn vốn đảm bảo an toàn, hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng. Mặt khác, các bộ ngành, địa phương cũng cần phải làm rõ chính sách liên quan đến BOT để không gây rủi ro như giá cả BOT, vị trí đặt trạm…” – Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.