Bùng nổ hoạt động cho vay ngang hàng: Có tiện nhưng… chưa lợi

ANTD.VN - Trước sự bùng nổ của hoạt động cho vay ngang hàng trong nước cùng với những rủi ro được cảnh báo trước từ những bài học quốc tế, cơ quan quản lý đang tính toán việc đưa hoạt động này vào khuôn khổ…

Bùng nổ hoạt động cho vay ngang hàng: Có tiện nhưng… chưa lợi ảnh 1

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

“Người đi vay có thể vay tiền siêu nhanh, thủ tục đơn giản, kín đáo, còn người cho vay có thể nhận được lợi nhuận siêu hấp dẫn” - đây là những thông tin quảng cáo đang được nhiều website, ứng dụng vay tiền trực tuyến (Peer to Peer - P2P) đưa ra. Theo đó, người vay chỉ cần cài ứng dụng trên điện thoại thông minh, đăng ký tài khoản, sau đó tải lên ảnh chụp một số giấy tờ liên quan là đã hoàn tất một bộ hồ sơ để vay tiền.

Khi khoản vay được phê duyệt, người vay sẽ nhận được tiền qua tài khoản ngân hàng hoặc điểm giao dịch của bên cho vay. Còn những người có tiền nhàn rỗi, họ chỉ cần tải ứng dụng, đăng ký tài khoản để trở thành nhà đầu tư. Khi có một khoản vay được phê duyệt, nhà đầu tư nhận được thông báo của ứng dụng. Nếu chấp thuận cho vay, khoản tiền sẽ được chuyển từ tài khoản của nhà đầu tư sang tài khoản ngân hàng của người vay.

Mô hình này vốn được các nhà cung cấp dịch vụ ví von giống như taxi Uber hay Grab (do cách kết nối trực tiếp giữa người bán và người mua thông qua ứng dụng) trong lĩnh vực tài chính và bắt đầu nở rộ tại Việt Nam. Tùy vào mô hình hoạt động mà người cho vay có thể được xác định cụ thể là một đối tác của công ty tư vấn (như mô hình của  ucash.vn; ATM online.vn, avay.vn, clickvay.vn, doctordong.com; monily.vn, olava.vn, fastdong.com, dongshopsun.vn…) hoặc không được xác định cụ thể, có thể là tổ chức, cá nhân bất kỳ có đăng ký cho vay trên hệ thống của công ty tư vấn (như mô hình của tima.vn; vaymuon.vn). Trên thị trường thế giới, tất cả các mô hình nói trên được biết đến với tên gọi là: mô hình cho vay ngang hàng.

Theo các chuyên gia, cho vay ngang hàng là hình thái tín dụng phi chính thức với những đặc điểm như: quy mô nhỏ, món vay nhỏ, ai cũng có thể tiếp cận, kể cả những người không đủ tiêu chuẩn tiếp cận các hệ thống tài chính chính thức. Tuy nhiên, dù được đánh giá là tiện lợi, đáp ứng nhu cầu tài chính của nhiều người, nhưng nó cũng bị các chuyên gia và cơ quan quản lý đánh giá là tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với cả người cho vay lẫn người đi vay. Tiến sỹ Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính, Ngân hàng BIDV cho rằng, hình thức cho vay ngang hàng thực chất được coi là một kênh đầu tư. “Đã đầu tư thì sẽ có rủi ro, mà rủi ro lớn nhất là mất tiền. Ngân hàng cho vay có tài sản bảo đảm còn khó đòi, tỷ lệ nợ xấu còn cao huống hồ vay không tài sản bảo đảm... Vì vậy, sẽ có nhiều tranh chấp xảy ra và rủi ro sẽ rất lớn” - vị chuyên gia cho biết.

Đã đầu tư thì sẽ có rủi ro, mà rủi ro lớn nhất là mất tiền.  Ngân hàng cho vay có tài sản bảo đảm còn khó đòi, tỷ lệ nợ xấu còn cao huống hồ vay không tài sản bảo đảm... Vì vậy, sẽ có nhiều tranh chấp xảy ra và rủi ro sẽ rất lớn.

Tiến sỹ Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính, Ngân hàng BIDV

Ngoài ra, hình thức tín dụng này do đôi bên thỏa thuận và không theo quy định nào của Ngân hàng Nhà nước, do vậy lãi suất cũng sẽ rất cao. Khi lãi suất cao dẫn tới hệ lụy là người đi vay không đủ thu nhập trang trải lãi suất đúng hạn, từ đó dẫn tiếp đến lãi chồng lãi, thậm chí có thể mất nhà cửa, tài sản, gây nên những hậu quả xã hội khác...

Đó là chưa kể đến những biến tướng của mô hình này như tín dụng đen trá hình hoặc lừa đảo. Trong khi đó, người cho vay lại không có khả năng thẩm định năng lực tài chính của người đi vay, còn các công ty môi giới chỉ là đơn vị đứng lên thu thập thông tin giữa 2 bên. Họ hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm gì đối với kết quả của việc vay mượn này. Giữa các bên vay và cho vay lại hoàn toàn không có hợp đồng, không có thỏa thuận, vì vậy toàn bộ rủi ro đổ lên đầu họ.

Bùng nổ hoạt động cho vay ngang hàng: Có tiện nhưng… chưa lợi ảnh 2Hoạt động vay tiền online được quảng cáo rầm rộ thời gian gần đây

Sẽ thí điểm, coi là hoạt động kinh doanh có điều kiện 

Những hệ luỵ của cho vay ngang hàng đã được cảnh báo trước từ kinh nghiệm tại Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á. Gần đây, khi Chính phủ Trung Quốc thắt chặt quản lý P2P Lending thì các công ty này có xu hướng chuyển địa bàn hoạt động. Theo các thông tin được công bố, trong năm 2018, số lượng các công ty cho vay ngang hàng tại Trung Quốc giảm 25% xuống còn hơn 1.000 công ty. Mới đây, Dianrong - một trong những công ty cho vay ngang hàng lớn nhất Trung Quốc cũng đã tuyên bố đóng cửa 60/90 chi nhánh. Thông tin được Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc Trung Quốc siết chặt quản lý hoạt động cho vay ngang hàng đã khiến các công ty chuyển hoạt động sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Cụ thể, theo thống kê của cơ quan quản lý, trong số 40 công ty P2P Lending đang hoạt động ở nước ta thì có 10 công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc và một số công ty từ Indonesia hoặc Singapore. Một số công ty trong số 40 doanh nghiệp này đã xuất hiện những hoạt động biến tướng, vi phạm pháp luật về ngân hàng và tín dụng. Trước thực trạng này, các chuyên gia và cơ quan quản lý đồng loạt lên tiếng cho rằng, cần sớm có khuôn khổ pháp lý phù hợp để quản lý hoạt động cho vay ngang hàng, và đây phải là loại hình kinh doanh có điều kiện, phải được cơ quan Nhà nước cấp phép.

Tiến sỹ Cấn Văn Lực cho rằng, để hoạt động cho vay ngang hàng đi vào khuôn khổ có 3 việc phải làm: Thứ nhất là phải xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu lớn (big data) để nhận diện một cách dễ dàng trên cơ sở nền kinh tế số. Thứ hai là phải có khung pháp lý cho các công ty fintech (financial technology - công nghệ trong tài chính). Thứ ba là phải có một Nghị định thí điểm về quản lý cho vay ngang hàng.

Mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước là đầu mối nghiên cứu vấn đề này. Hiện Ngân hàng Nhà nước cũng đã khảo sát kinh nghiệm quản lý của các nước và sẽ đề xuất thí điểm hoạt động này, coi đây là ngành kinh doanh có điều kiện. “Đây là hình thức giao dịch dân sự và pháp luật hiện hành chưa có quy định giao cho cơ quan chức năng nào quản lý. Cơ quan quản lý không cấm các sản phẩm của xu hướng kinh doanh mới, nhưng phải đảm bảo việc quản lý chặt chẽ” - Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Các chuyên gia cho rằng, khuôn khổ pháp lý phải đặt ra các điều kiện, trách nhiệm, quyền lợi rõ ràng đối với các công ty cho vay ngang hàng. Đó là điều kiện về nguồn nhân lực, cơ sở dữ liệu để định danh, chấm điểm khách hàng. Trách nhiệm của họ đối với việc cung cấp thông tin rõ ràng, các khuyến cáo đối với người vay và cho vay. Đồng thời, cơ quan quản lý phải tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn với những người cho vay, những người có tiền nhàn rỗi về quy mô cho vay, cách thực hiện cho vay, sự thận trọng việc ra quyết định cho vay. Ngược lại những người đi vay cũng phải được cảnh báo về những rủi ro, những nguy cơ có thể phải gánh chịu đối với các vấn đề phí, lãi suất, vấn đề sử dụng vốn... Nếu những người đi vay và cho vay biết được những giới hạn của mình thì rủi ro sẽ được hạn chế.