Bớt điều kiện xuất khẩu gạo, số thương nhân tham gia có thể tăng tới 70%

ANTD.VN - Những quy định không hợp lý tại Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo đang được các bộ, ngành góp ý để sửa đổi, bổ sung.

"Chặt bớt" điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo không hợp lý

Một trong những nội dung đáng chú ý, nhận được nhiều ý kiến trái chiều nhất của Nghị định 109 ban hành năm 2010 là điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. 

Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 109/2010/NĐ-CP quy định thương nhân phải sở hữu ít nhất 1 kho chuyên dùng sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc và ít nhất 1 cơ sở xay, xát công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ, phù hợp quy chuẩn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành và phải nằm trên địa bàn các tỉnh, thành phố có thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu gạo.

Bộ Công Thương cho biết, điều kiện kinh doanh này được đặt ra trong bối cảnh nhiều thương nhân không có kho tàng, cơ sở xay xát, chế biến, không đầu tư lâu dài phục vụ hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo, chỉ tham gia xuất khẩu khi thị trường thuận lợi.

Quy định điều kiện này đã tạo động lực thúc đẩy thương nhân đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ bảo quản, chế biến, xuất khẩu gạo.

Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy có không ít trường hợp doanh nghiệp bị quy định này ngăn cản gia nhập thị trường. Đơn cử như trường hợp Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May (Đồng Tháp), Công ty CP Thương mại và Sản xuất Viễn Phú (Cà Mau)... 

Đây là những doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo cao cấp với số lượng nhỏ, nhu cầu và khả năng đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát hạn chế nên không đáp ứng được điều kiện.

Về quy định địa bàn xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh, một số ý kiến cho rằng quy định chưa rõ ràng, minh bạch, cần xem xét.

Góp ý cho quy định này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc tồn tại ổn định các doanh nghiệp trên thị trường (không có doanh nghiệp mới và không có doanh nghiệp rút khỏi thị trường) làm tăng nguy cơ thỏa thuận ngầm “phân chia địa bàn” thu mua lúa gạo.

Ngược lại, nếu hạ các điều kiện gia nhập thị trường giúp nông dân có thêm lựa chọn khi bán gạo cho các doanh nghiệp, nâng cao vị thế của nông dân trong đàm phán giá bán, tránh bị ép giá.

"Khi có thêm nhiều doanh nghiệp gia nhập thị trường sẽ giúp mở rộng thị trường tiêu thụ trên thế giới, từ đó tăng cơ hội để xây dựng thương hiệu quốc gia"- VCCI đánh giá. 

Ngoài những bất cập tại điều kiện kinh doanh này, Nghị định 109 còn cho thấy những điểm chưa hợp lý khác như: dự trữ lưu thông, thị trường tập trung và hợp đồng tập trung...

Bộ Công Thương cho biết, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 109 khi được ban hành sẽ khắc phục được nhiều vướng mắc, bất cập, tồn tại phát sinh trong thực tiễn công tác điều hành xuất khẩu gạo thời gian qua.

Cụ thể, dự thảo Nghị định đã điều chỉnh điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng giảm yêu cầu quy mô tích lượng kho chứa, không quy định quy mô công suất cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo, không bắt buộc thương nhân đầu tư dây chuyền xay thóc (bóc vỏ trấu);

Quy định cơ chế xuất khẩu một số mặt hàng gạo không cần đáp ứng điều kiện kinh doanh; thủ tục cấp Giấy chứng nhận được đơn giản hóa tối đa, bỏ quy định kiểm tra thực tế kho chứa, cơ sở xay, xát... Thương nhân tự kê khai, tự chịu trách nhiệm về cam kết đáp ứng điều kiện kinh doanh, Sở Công Thương chỉ tổ chức hậu kiểm sau khi đã cấp Giấy chứng nhận.

Bộ Công Thương cho hay: "Với hướng quy định này, nhiều doanh nghiệp mới sẽ có cơ hội được tham gia kinh doanh xuất khẩu gạo, góp phần thúc đẩy xuất khẩu, tiêu thụ lúa gạo cho người nông dân. Ước tính số lượng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo sẽ tăng thêm khoảng 60%-70% so với hiện nay chưa kể nhiều thương nhân khác sẽ được trực tiếp xuất khẩu các mặt hàng gạo đặc thù mà không cần đáp ứng các điều kiện kinh doanh, không cần xin cấp Giấy chứng nhận".

Hiện Bộ Công Thương đang lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị định này, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân xuất khẩu gạo.