Bộ Tài chính vẫn muốn tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu

ANTD.VN - Trong tờ trình dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính giữ nguyên đề xuất tăng kịch khung thuế BVMT với xăng lên 4.000 đồng/lit, dầu lên 2.000 đồng/lít.

Bộ trưởng Bộ Tài chính ĐinhTiến Dũng vừa ký Tờ trình dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, Bộ Tài chính bảo lưu quan điểm nhất thiết phải nghiên cứu điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường lên mức phù hợp.

47/77 ý kiến nhất trí hoàn toàn

Cụ thể, Bộ Tài chính cho rằng giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới và một số nước trong khối ASEAN và châu Á. Hiện, giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đứng vị trí 47 từ thấp đến cao trong tổng số 167 quốc gia và thấp hơn 120 nước, với mức 19.980 đồng/lít.

Bộ Tài chính cũng cho biết, các nghiên cứu cho thấy hàng hoá thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường như xăng, dầu, túi nilon… trong quá trình sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. “Theo tính toán của các nhà khoa học, để trả lại môi trường thì thuế đối với các mặt hàng kể trên phải được điều chỉnh cao hơn rất nhiều”, Bộ Tài chính lập luận.

Bộ Tài chính cũng dẫn thống kê về số liệu lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng thông điện tử của ngành, trong tổng số 77 ý kiến tham gia góp ý (19 ý kiến của các bộ ngành, 43 ý kiến của các địa phương, 5 ý kiến của các hiệp hội và doanh nghiệp, tổ chức khác) thì có 47/77 ý kiến nhất trí hoàn toàn.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng được tăng kịch khung từ mức 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít, các mặt hàng dầu tăng kịch khung lên mức 2.000 đồng/lít, số thu từ dòng thuế này sẽ vào khoảng trên 55.000 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 14.368 tỷ đồng/năm.

Ngoài xăng dầu, một số mặt hàng khác cũng được Bộ Tài chính đề xuất tăng mức thuế BVMT. Cụ thể, đối với than đá, mức tăng dự kiến thêm 5.000 đồng đến 10.000 đồng/tấn. Tổng số thu mà Bộ Tài chính nhẩm tính sau khi tăng thuế đối với mặt hàng này sẽ vào khoảng 2.385 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 795 tỷ đồng/năm.

Gá xăng dầu có thể  sắp tăng do tăng thuế BVMT

Đối với mặt hàng túi nilon, với đề xuất tăng 10.000 đồng/ kg (từ 40.000 đồng/kg lên 50.000 đồng/kg), tổng số thu sẽ vào khoảng 67,5 tỷ đồng, tăng khoảng 13,5 tỷ đồng/năm. Đối với mặt hàng dung dịch HCFC, đề xuất tăng 1.000 đồng/ kg (từ 4.000 đồng/kg lên 5.000 đồng/kg), tổng số thu sẽ vào khoảng 63,5 tỷ đồng, tăng khoảng 12,7 tỷ đồng/năm.

Theo Bộ Tài chính, nếu phương án được thông qua, tổng số thuế BVMT dự kiến thu sẽ vào khoảng 57.612 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 15.189 tỷ đồng/năm.

Tăng thuế xăng dầu, có bảo vệ được môi trường?

Thuế BVMT là một trong những sắc thuế được Bộ Tài chính nhiều lần tính toán tăng với lập luận quan trọng nhất là nhằm tăng ngân sách và bảo vệ môi trường. Bộ Tài chính đã từng đề xuất tăng khung mức thuế này với mặt hàng xăng dầu từ mức tối đa 4.000 đồng hiện hành lên mức 4.000 – 8.000 đồng/lít, tuy nhiên vấp phải phản đối dữ dội.

Việc tăng thuế BVMT với mặt hàng xăng dầu gặp phản ứng do tăng giá thành các mặt hàng này sẽ dẫn đến tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến người tiêu dùng...

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng Bộ Tài chính mới chỉ tính một mặt là giá xăng dầu tăng, còn hệ lụy của nó thì chưa tính đến. Bởi xăng dầu là “đầu vào” của cả nền kinh tế, tác động đến mọi mặt đời sống.

“Giá xăng tăng thì tác động đến người tiêu dùng ra sao, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế như thế nào... Bộ Tài chính đã đánh giá chưa?” – vị chuyên gia đặt câu hỏi.

Không chỉ vậy, tính định hướng tiêu dùng cũng không rõ ràng. “Thu thuế BVMT mục đích là bảo vệ môi trường, nhưng với mặt hàng xăng dầu nó không có tính điều tiết, vì ở Việt Nam làm gì có lựa chọn nào khác ngoài xăng dầu đâu. Ở đây, rõ ràng yếu tố tăng thu rất đậm nét” – ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói.