Bộ Công Thương báo cáo gì với Thủ tướng Chính phủ về việc tăng giá điện?

ANTD.VN - Bộ Công Thương cho biết, trong đợt điều chỉnh giá điện ngày 20-3, mỗi kWh điện bình quân mới điều chỉnh chưa tính cả khoản chênh lệch tỷ giá hơn 3.260 tỷ đồng từ mua bán điện của các nhà máy. 

Việc tăng giá điện tại các công ty điện lực được thực hiện đúng quy trình

Theo báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ giải trình về việc tăng giá bán lẻ điện bình quân 8,36% ngày 20-3 của Bộ Công Thương, Bộ này khẳng định có đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc điều chỉnh giá điện vừa qua.

Kết quả kiểm tra, rà soát việc tăng giá điện tại một số đơn vị điện lực cho thấy, các đơn vị đã thực hiện đúng quy trình kinh doanh, tuân thủ theo Nghị định số 137/2013/NĐ-CP của Chính phủ về ghi chỉ số công tơ, thanh toán tiền điện…

Liên quan đến giá thành sản xuất điện, Bộ Công Thương cho biết, các yếu tố đầu vào đã khiến chi phí mua điện năm 2019 tăng khoảng 20.000 tỷ đồng. Trong đó, giá than bán cho điện (2 lần tăng từ đầu năm 2019 và giá than trộn nội địa với nhập khẩu) làm chi phí mua điện tăng hơn 7.330 tỷ đồng. Chi phí tăng do giá khí và dầu gần 7.390 tỷ; tỷ giá và chênh lệch tỷ giá hợp đồng mua bán điện khoảng 5.050 tỷ đồng...

Đáng chú ý, mức tăng giá bán lẻ điện bình quân 8,36% vừa qua chưa gồm chênh lệch tỷ giá mua bán điện dự kiến năm 2018 của các nhà máy điện, hơn 3.260 tỷ đồng.

"Nếu bổ sung thêm chi phí này, tổng chênh lệch tỷ giá mua bán điện hơn 7.090 tỷ đồng và khi đó giá bán lẻ điện bình quân 2019 sẽ khoảng 1.879,9 đồng một kWh, tương đương tỷ lệ tăng 9,26%"- Bộ Công Thương thông tin.

Về biểu giá điện bậc thang, Bộ Công Thương cho hay, cách tính này nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và vẫn phù hợp với đông đảo người sử dụng điện hiện nay tại Việt Nam.

Hiện nay, rất nhiều nước trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và một số bang của Mỹ cũng áp dụng cách tính giá điện bậc thang.

Ở nước ta, do đời sống người dân ngày càng được cải thiện, nhu cầu điện sinh hoạt tăng cao, việc lắp đặt công tơ điện tử thay cho cộng tơ cơ khí cho hộ sinh hoạt ngày càng nhiều nên việc nghiên cứu, xây dựng biểu giá điện bậc thang mới cho hộ gia đình là cần thiết.

“Vì vậy, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, đề xuất biểu giá điện mới với mục tiêu giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong khi vẫn đảm bảo các mục tiêu về an sinh xã hội”- báo cáo nêu.

Theo Bộ Công Thương, việc hóa đơn tiền điện tăng cao trong tháng 4 vừa qua do nhiều nguyên nhân. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tiếp nhận và giải đáp 71.504 yêu cầu của khách hàng liên quan đến hóa đơn tiền điện, trong đó có 14.541 kiến nghị của khách hàng, chiếm gần 20% thắc mắc về chỉ số công tơ điện, hóa đơn tiền điện.

Bộ Công Thương đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông(TT-TT) có biện pháp chấn chỉnh hoặc xử lý những cá nhân cố tình xuyên tạc, đưa tin không đầy đủ, khách quan về đợt điều chỉnh giá điện vừa qua nhằm kích động, gây rối trật tự, an toàn xã hội.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa có văn bảo gửi EVN, yêu cầu Tập đoàn này đẩy mạnh công tác công khai, minh bạch thông tin về giá điện.

Cụ thể, EVN cần triển khai tốt công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác cho các cơ quan thông tấn báo chí về việc điều chỉnh giá bán điện ngày 20-3;

Kiểm tra, rà soát và giải đáp kịp thời, chi tiết các thắc mắc, phản ánh của khách hàng sử dụng điện liên quan đến việc áp giá, thu tiền điện… và các thông tin phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền hình và mạng xã hội

“Trường hợp phát hiện có sai sót phải kịp thời thực hiện truy thu thoái hoàn tiền điện cho khách hàng theo đúng quy định hiện hành. Thông báo công khai kết quả làm việc với khách hàng trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài”- văn bản nhấn mạnh.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu EVN định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện với Bộ Công Thương.