Bị siết lại, một phần tín dụng bất động sản phải "náu mình" trong tín dụng tiêu dùng

ANTD.VN - Bị áp hệ số rủi ro 200% nên các ngân hàng buộc phải đưa một phần các khoản vay liên quan đến bất động sản sang tín dụng tiêu dùng.

Tín dụng bất động sản cao hơn con số thông kê

Các số liệu công bố cũng cho thấy trong năm 2018, tổng quy mô thị trường bất động sản Việt Nam vào khoảng 25 tỷ USD, trong khi đó dòng vốn bất động sản chiếm 80% (trong khi thế giới chỉ ở mức 35%), tương đương gần 20 tỷ USD (450.000 tỷ đồng). Con số này chiếm 6,5% tổng dư nợ nền kinh tế và chiếm khoảng 16% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng. Với những số liệu này thì cơ cấu vốn chảy vào bất động sản hiện nay đang mất cân bằng và chứa nhiều rủi ro.

Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng, thực chất tín dụng bất động sản còn cao hơn thế khi các ngân hàng đều đưa các khoản vay mua nhà vào tín dụng tiêu dùng thay vì tín dụng bất động sản theo như bản chất của nó. Chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu tính toán, có tới khoảng 1/3 tín dụng tiêu dùng là cho vay nhà ở, đẩy tổng số các khoản vay liên quan đến bất động sản lên tới khoảng 22,3%, thay vì 16% như tính toán hiện nay.

Chưa có con số chính xác về các khoản vay liên quan đến bất động sản

Lý giải nguyên nhân các khoản vay mua nhà phải “ẩn mình” trong tín dụng tiêu dùng, chuyên gia tài chính, TS Cấn Văn Lực cho rằng, chủ yếu là do các ngân hàng phải “lách” Thông tư 36, quy định hệ số rủi ro tín dụng bất động sản là 200%.

Điều này có nghĩa nếu ngân hàng cho vay bất động sản 1 đồng thì phải bố trí 2 đồng vốn chủ sở hữu, khiến chi phí vốn cao, đẩy lãi suất cho vay bất động sản lên cao. Vì vậy, ngân hàng buộc phải đưa các khoản vay nhà ở vào tín dụng tiêu dùng để giảm chi phí vốn. Vị chuyên gia cũng khẳng định việc các ngân hàng đưa cho vay nhà ở vào tín dụng tiêu dùng là không trái quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 39 và Thông tư 43.

Cần đưa con số tín dụng bất động sản về thực tế

Dù không trái quy định, nhưng theo nhiều chuyên gia, việc đưa các khoản cho vay mua nhà ra ngoài tín dụng bất động sản khiến không đưa ra được một con số chính xác về tín dụng bất động sản. “Anh em trong ngành đều muốn biết tín dụng bất động sản ở mức nào. Vì vậy, chúng tôi mong muốn Ngân hàng Nhà nước có một con số thống kê chính xác để biết thực sự rủi ro bất động sản ở mức nào” – TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Về vấn đề này, TS Cấn Văn Lực cũng đồng tình nên tách các khoản vay tiêu dùng liên quan đến bất động sản ra khỏi tín dụng tiêu dùng, tuy nhiên không gắn hệ số rủi ro 200% với các khoản vay này.

Vị chuyên gia đề xuất các Ngân hàng Nhà nước nên chia các khoản vay bất động sản thành 4 nhóm. Theo đó, nhóm cho vay liên quan đến nhà ở ít rủi ro nhất thì hệ số rủi ro là 100%. Nhóm cho vay liên quan đến văn phòng, trung tâm thương mại, mặt bằng bán lẻ là 125%. Nhóm thứ ba là cho vay đất nền, liền kề với hệ số rủi ro 150%. Còn lại cho vay bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn mới áp hệ số rủi ro 200%.

“Như thế ngân hàng thương mại sẵn sàng chuyển cho vay nhà ở sang vay bất động sản để có con số thống kê chính xác” – ông Lực nói.

Cũng theo các chuyên gia, trong năm qua, tình hình kinh tế Việt Nam có sự tăng trưởng tốt, giữ lạm phát chưa đến 4%. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng lại thấp hơn các năm trước, điều này cho thấy Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng đã chủ động siết dòng vốn tín dụng, nhất là vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản.

“Với tình hình của nền kinh tế thế giới và Việt Nam, tín dụng cho thị trường bất động sản cũng sẽ ảnh hưởng. Ngoài ra, việc hạn chế huy động vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 45% xuống còn 40% cũng ảnh hưởng đến thị trường bất động sản” – TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Dù vậy, việc siết tín dụng bất động sản được cho là sẽ giúp thanh lọc các doanh nghiệp tham gia thị trường. Cùng với đó, đòi hỏi các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc tìm kiếm các nguồn vốn thay thế, đặc biệt là từ thị trường chứng khoán.