Bị phát hiện vi phạm, doanh nghiệp xin tái xuất 65 tấn dược liệu

ANTĐ - Theo thông tin từ cơ quan hải quan tỉnh Lạng Sơn, ngày 23-9-2015, lực lượng liên ngành đã phát hiện 3 xe tải chở dược liệu, vị thuốc đông y của Công ty CP Dược Sơn Lâm (địa chỉ tại thị trấn Văn Điển, Hà Nội) đang làm thủ tục thông quan qua cửa khẩu Chi Ma có nhiều vi phạm.

Bị phát hiện vi phạm, doanh nghiệp xin tái xuất 65 tấn dược liệu ảnh 1Lô hàng không đạt chuẩn về nhãn mác, gần một nửa trong số đó không có giấy chứng nhận chất lượngKhông nhãn mác, không chứng nhận chất lượng

Lực lượng chức năng cho biết, qua kiểm tra cho thấy, lô hàng không đạt chuẩn về nhãn mác, gần một nửa trong số đó không có giấy C/Q (Giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa, sản phẩm) theo quy định. Không những thế, trọng lượng ghi trong tờ khai hải quan cũng vênh với số liệu cân thực tế.

Sau khi bị lực lượng chức năng tạm giữ lô hàng, ông Phạm Văn Cách – Giám đốc Công ty CP Dược Sơn Lâm đã chủ động làm đơn gửi hải quan cửa khẩu Chi Ma xin tái xuất. Đến giữa tháng 10-2015, Chi cục Hải quan Chi Ma đã cho tái xuất toàn bộ số hàng của Công ty CP Dược Sơn Lâm. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, ông Phạm Văn Cách cho rằng, công ty không có trách nhiệm đối với lô hàng bị tái xuất. Nguyên nhân là người làm thủ tục thông quan lô hàng không phải nhân viên của Công ty CP Dược Sơn Lâm mà nhân viên thuộc một doanh nghiệp có tên tên T.M (địa chỉ cửa khẩu hải quan Chi Ma) đứng ra “bao thầu” làm thủ tục thông quan mà không có giấy chứng nhận, ủy quyền do ông Cách ký ủy thác. Ông Cách cho rằng, lỗi này thuộc về phía cơ quan hải quan.

Trả lời về vấn đề này, bà Hoàng Thị Thiều Hoa – Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma khẳng định không biết sự việc ông Cách nêu. Bà Hoa cho rằng, hải quan không có trách nhiệm quản lý doanh nghiệp.

Trước thông tin này, lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo ông Hoàng Khánh Hòa – Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn kiểm tra, làm rõ thông tin. Được biết, sáng ngày 20-10, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản báo cáo lên Văn phòng Tổng cục Hải quan về sự việc. 

Nguy cơ gian lận thương mại qua giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa

Theo quy định, để nhập khẩu dược liệu, doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và giấy chứng nhận chất lượng (C/Q). Yêu cầu này được nêu rõ tại công văn 189 của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền gửi Cục Hải quan các tỉnh.

Trong lần nhập khẩu đầu tiên, Công ty CP Dược Sơn Lâm xuất trình đầy đủ giấy C/O, C/Q. Nhưng với lô hàng thứ 2 là 65 tấn dược liệu nêu trên, doanh nghiệp biết rõ lô hàng không có đầy đủ giấy tờ nhưng vẫn làm thủ tục thông quan. Câu hỏi được đặt ra là nếu không có sự kiểm tra bất ngờ của lực lượng liên ngành, lô hàng với nhiều vi phạm này có lọt qua các khâu và đến tay người tiêu dùng?

Trao đổi về vấn đề này, bà Hoàng Thị Thiều Hoa cho biết, nếu cơ quan liên ngành không kiểm tra bất ngờ thì lô hàng của Công ty CP Dược Sơn Lâm cũng bị buộc tái xuất bởi không có đầy đủ giấy tờ và nhãn mác không đúng quy định. Lô hàng không có giấy C/Q, nhãn mác không đủ tiêu chuẩn thì chắc chắn không được thông quan.

Ngoài ra, bà Hoa cho rằng việc kiểm tra chất lượng dược liệu không thuộc trách nhiệm của ngành hải quan mà do cơ quan y tế quản lý. “Không thể xác định được giấy C/O, CQ do nước xuất khẩu cấp có bị doanh nghiệp làm giả hay không. Đồng thời, cũng không thể loại trừ trường hợp doanh nghiệp bắt tay với chính quyền sở tại để xin giấy C/O, C/Q một cách dễ dàng để đưa hàng giả, hàng kém chất lượng sang Việt Nam tiêu thụ”, bà Hoa cảnh báo.

Thông tin từ phía cơ quan y tế cho biết, chất lượng dược liệu, vị thuốc hiện nay trên thị trường là không thể quản lý. Có tới 60 – 70 dược liệu, vị thuốc là bị làm giả hoặc kém chất lượng. Việc nâng cao chất lượng thuốc chủ yếu trông chờ vào đạo đức kinh doanh của các doanh nghiệp. Việc yêu cầu có các giấy tờ chứng nhận nguồn gốc, chất lượng sản phẩm là bước đi nhằm làm tăng chất lượng dược liệu, vị thuốc đông y.

Với 15 doanh nghiệp thường xuyên nhập khẩu mặt hàng này, cơ quan quản lý mới chỉ xác nhận giấy C/O cho duy nhất Công ty CP Dược Sơn Lâm. Các doanh nghiệp cho biết, việc chỉ xác nhận cho một doanh nghiệp khiến thị trường xảy ra tình trạng khan hiếm dược liệu, giá bán cũng vì thế mà tăng mạnh, người tiêu dùng chịu thiệt. Cơ quan chức năng cũng chưa có hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp làm thủ tục xin giấy C/O, C/Q và xin xác nhận vào giấy C/O. Được biết, tình trạng này đã được báo cáo tới Bộ Y tế và chờ ý kiến chỉ đạo để xử lý.